Ông Narendra Modi, 63 tuổi, Chủ tịch đảng Nhân dân Ấn Ðộ (BJP) cùng Nội các của ông hôm qua (26/5) đã tuyên thệ nhậm chức, trở thành Thủ tướng thứ 15 của Ấn Độ, nhiệm kỳ 5 năm. Với chiến thắng tuyệt đối trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, tân Thủ tướng được kỳ vọng sẽ mang lại làn gió mới cho nền kinh tế Ấn Độ, cũng như trong cải thiện quân hệ với nước láng giềng Pakistan.
Lễ tuyên thệ diễn ra tại Dinh Tổng thống ở trung tâm thủ đô New Delhi, trong điều kiện an ninh được thắt chặt, với sự tham dự của khoảng 4.000 quan khách, trong đó có 8 vị nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu Chính phủ các nước, chủ yếu thuộc Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á.
Ông Narendra Modi, 63 tuổi, Chủ tịch đảng Nhân dân Ấn Ðộ (BJP) đã chính thức trở thành tân Thủ tướng Ấn Độ sau lễ nhậm chức ngày 26/5 (Ảnh: AFP) |
Hội đồng Bộ trưởng mới của Ấn Độ gồm 45 thành viên, trong đó 24 thành viên Nội các, 10 quốc vụ khanh chịu trách nhiệm về các vấn đề độc lập và 11 quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề khác. Số thành viên hội đồng Bộ trưởng mới giảm so với con số 71 thành viên trong chính phủ liên minh của Thủ tướng mãn nhiệm Manmohan Singh.
Tân Thủ tướng Modi, 63 tuổi, là con thứ 3 trong một giai đình bán hàng tạp phẩm ở Mehsana, phía bắc bang Gujarat. Ông chính thức bước vào chính trường kể từ khi gia nhập đảng Nhân dân Ấn Độ năm 1987. Trước khi trở thành Thủ tướng, ông Modi giữ chức Thủ hiến bang Gujarat trong 10 năm liên tục và đã đưa bang này trở thành đầu tàu phát triển kinh tế của Ấn Độ. Vì thế, cử tri Ấn Độ hy vọng dưới sự lãnh đạo của ông Modi, kinh tế nước này sẽ phục hồi đà tăng trưởng mạnh mẽ.
Một người dân Ấn Độ nói: “Tôi cho rằng, ông Modi chắc chắn sẽ làm được điều gì đó tích cực nhằm làm sống lại vinh quang của nền văn minh sông Hằng. Tôi có nhiều thời gian ở Gujarat và chứng kiến sự phát triển của bang này. Tôi tin rằng điều tương tự cũng sẽ diễn ra với đất nước của chúng ta.”
Một người khác nói: “Chiến thắng của ông Modi cũng là chiến thắng của đất nước, của những người nghèo và của tất cả người dân Ấn Độ. Cả đất nước ăn mừng chiến thắng của tân Thủ tướng”.
Dù chưa chính thức bắt đầu trên cương vị mới, song tân Thủ tướng Ấn Độ cũng đã ít nhiều để lại dấu ấn khi lần đầu tiên trong số các khách mới tham dự lễ nhậm chức xuất hiện một vị Thủ tướng Pakistan kể từ khi hai nước giành độc lập từ Anh năm 1947.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình khi đang ở New Delhi, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif khẳng định đây là một khoảnh khắc trọng đại và là một cơ hội lớn để hai nước láng giềng Pakistan và Ấn Độ mở ra một chương mới trong các mối quan hệ song phương. Nhân dịp lễ nhậm chức của tân Thủ tướng Ấn Độ, rất nhiều người dân Pakistan đã tới khu vực Kashmir thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ và bày tỏ lạc quan về mối quan hệ giữa hai nước láng giềng.
Một người dân nói: “Lãnh đạo cả hai nước đều đang có những bước đi nhằm cải thiện quan hệ. Đây là một việc làm rất hữu ích và đáng hoan nghênh. Tôi tin rằng cả người dân Ấn Độ và Pakistan đều vui mừng về điều này”. “Đây là một sự đột phá. Tân Thủ tướng Ấn Độ đã mời Thủ tướng Pakistan tới dự lễ nhậm chức và ông Nawaz Sharif đã nhận lời. Tôi kêu gọi chính phủ hai nước hãy chấm dứt những hành động có thể gây căng thẳng. Chúng ta đã xung đột với nhau trong suốt 60 năm qua và giờ chúng tôi không muốn có thêm bất kỳ cuộc chiến tranh nào nữa. Chúng tôi muốn hòa bình”.
Tuy nhiên, chặng đường phía trước của tân Thủ tướng Ấn Độ không hoàn toàn trải hoa hồng. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ mới của Ấn Độ sẽ phải giải quyết nhiều thách thức, nhất là những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu và những vấn đề nội tại của đất nước. Trong khi những mâu thuẫn trong 60 năm qua với nước láng giềng Pakistan cũng không dễ chấm dứt trong một sớm một chiều./.