Trong một dấu hiệu tích cực, Chính phủ Saudi Arabia ngày 14/10 đã đề xuất thành lập một nhóm làm việc chung với Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm làm sáng tỏ vụ mất tích của nhà báo Jamal Khashoggi.
Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cho biết, cuối ngày 14/10, Quốc vương Saudi Arabia Salmane đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, trong đó nhấn mạnh “tính bền vững” của các mối quan hệ giữa hai nước. Theo Quốc vương Salmane, không gì có thể đe dọa tính bền vững của các mối quan hệ với “quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ anh em”. Ông đồng thời cảm ơn Tổng thống Erdogan đã đón nhận tích cực những đề xuất của Saudi Arabia về việc thành lập một nhóm làm việc chung nhằm làm sáng tỏ vụ mất tích của nhà báo Jamal Khashoggi.
Một phái đoàn Saudi Arabia đang có mặt tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ và dự kiến sẽ sớm có cuộc thảo luận với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích chính quyền Saudi Arabia không hợp tác và nhất là không cho các điều tra viên tiếp cận với lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul.
Nhà báo Jamal Khashoggi mang quốc tịch Saudi Arabia và sinh sống tại Mỹ, đã mất tích từ ngày 2/10 sau khi vào tòa lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ. Các nguồn tin chưa được kiểm chứng cho rằng nhà báo Jamal Khashoggi từng viết bài chỉ trích việc Saudi Arabia can dự vào tình hình chiến sự tại Yemen và nhiều khả năng nhà báo này đã bị sát hại bên trong tòa lãnh sự, điều mà phía Saudi Arabia khẳng định là “vô căn cứ”.
Cựu Giám đốc CIA nghi ngờ Saudi Arabia trong vụ sát hại nhà báo
Nhà báo Saudi Arabia mất tích có ảnh hưởng tới quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ?
Vụ việc đã làm gia tăng căng thẳng giữa Saudi Arabia và phương Tây. Ngày 14/10, hãng thông tấn chính thức Saudi Arabia SPA dẫn lời một quan chức cấp cao nước này tuyên bố, Saudi Arabia sẽ đáp trả bằng “những biện pháp trừng phạt nặng nề nhất” nếu trở thành mục tiêu bị tấn công của nước ngoài. Ông đồng thời nhấn mạnh, nền kinh tế Saudi Arabia đóng một vai trò quan trọng và tầm ảnh hưởng đối với nền kinh tế thế giới.
Phát biểu đưa ra sau khi những cảnh báo “trừng phạt hà khắc” của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến thị trường chứng khoán Saudi Arabia mất hơn 5% giá trị, con số nhiều nhất trong 3 năm. Cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ Larry Kudlow ngày 14/10 cũng một lần nữa nhắc lại những cảnh báo này: “Rõ ràng Tổng thống Donald Trump rất nghiêm túc. Ông ấy sẽ có quyết định phù hợp nếu thực sự nhận thấy rằng, Saudi Arabia có liên quan tới vụ mất tích của nhà báo Jamal Khashoggi”.
Cùng ngày 14/10, Pháp, Anh và Đức đã yêu cầu Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành “một cuộc điều tra đáng tin cậy” về vụ mất tích của nhà báo Jamal Khashoggi. Trong tuyên bố chung, Ngoại trưởng 3 nước trên đã cùng “chia sẻ những lo ngại sâu sắc” của Đại diện cấp cao phụ trách Chính sách An ninh và Đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres về số phận của nhà báo Jamal Khashoggi.
Trong đó, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt nhấn mạnh: “Không ai trong chúng ta biết chuyện gì đã xảy ra, song tất cả chúng ta đều rất lo ngại và quốc gia có thể giúp chúng ta tìm ra câu trả lời là Saudi Arabia. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là họ phải nhận thấy những mối quan tâm của quốc tế, từ Mỹ và hiện nay là Anh, Pháp và Đức. Saudi Arabia cần hợp tác đầy đủ với các cuộc điều tra của Thổ Nhĩ Kỳ. Và nếu đúng là họ không liên quan tới vụ mất tích, thì nhà báo Jamal Khashoggi hiện đang ở đâu? Đây là điều mà thế giới muốn biết”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến sẽ có cuộc gặp với những người đồng cấp của các nước liên quan trong những ngày tới nhằm làm sáng tỏ vụ mất tích mà ông cho là “rất nghiêm trọng này”./.
Vụ nhà báo mất tích: “Cú sốc mới” trong quan hệ Mỹ - Saudi Arabia
Mỹ doạ trừng phạt nếu Saudi Arabia sát hại nhà báo Washington Post