Bên cạnh việc thủ phạm thực sự đứng đằng sau vụ ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moise đang dần lộ diện; thì một cuộc tranh cãi khác đã nổi lên, chiếm lấy sự quan tâm đặc biệt của người dân quốc gia Caribe này cũng như cộng đồng quốc tế, đó là: “Ai sẽ là người điều hành đất nước thay Tổng thống Jovenel Moise?”. Nguy cơ Haiti rơi vào hỗn loạn đang là kịch bản được cảnh báo nhiều nhất.
Một cuộc tranh giành quyền lực đang xảy ra tại Haiti giữa 3 nhân vật hàng đầu, là Thủ tướng lâm thời Claude Joseph; Thủ tướng được tổng thống bổ nhiệm song chưa tuyên thệ - ông Ariel Henry và Chủ tịch Thượng viện Joseph Lambert.
Ngay khi tổng thống bị ám sát, Thủ tướng Lâm thời Claude Joseph đã nắm giữ quân đội và an ninh, tuyên bố điều hành đất nước và tiến hành vụ điều tra vụ ám sát. Tuy nhiên, ông Ariel Henry mới đây tuyên bố, ông mới là người có quyền lực “cao nhất” tại Haiti ở thời điểm hiện tại khi tổng thống đã bổ nhiệm ông cho chức vụ thủ tướng 2 ngày trước khi bị ám sát. Được biết, thủ tướng chính là vị trí thay thế tổng thống khi qua đời, dựa theo Quy định của Hiến pháp sửa đổi – song chưa được Quốc hội thông qua, do Quốc hội Haiti đã mãn nhiệm và chưa được bầu lại.
Tình hình càng phức tạp hơn, khi 1/3 trong số 30 thượng nghị sĩ Haiti ngày 9/7 đề cử Chủ tịch Thượng viện Joseph Lambert cho chức vụ tổng thống lâm thời.
Thực tế tranh giành quyền lực tại Haiti, đã được dự báo từ trước khi vụ ám sát diễn ra ở một thời điểm nhạy cảm nhất, đang khiến người dân quốc gia này cảm thấy thất vọng.
“Các chính trị gia đang tranh giành quyền lực. Kể từ năm 1804, đất nước này có vấn đề về người lãnh đạo. Họ không bao giờ nghĩ đến người dân mà chỉ sử dụng người dân để bảo vệ lợi ích của mình", một người dân cho biết.
“Chúng tôi lên án vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise. Vụ việc là không thể chấp nhận được. Tôi không ủng hộ ông ấy. Nhưng hành động ám sát ông ấy vào ban đêm là điều không thể chấp nhận. Chúng tôi lên án và yêu cầu 1 cuộc điều tra quốc tế để làm rõ những gì đã xảy ra”.
Hôm 11/7, một trong những trùm băng đảng khét tiếng nhất Haiti, đứng đầu 9 băng đảng, có biệt danh là Barbecue tuyên bố, rằng người của ông ta sẽ xuống đường cùng với người dân, để phản đối vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise trong tuần này. Tuyên bố này đe doạ đẩy quốc gia nghèo khó ở vùng Caribe chìm sâu hơn vào hỗn loạn.
Trước diễn biến như vậy, Thủ tướng lâm thời Claude Joseph và Bộ trưởng Bầu cử Haiti Mathias Pierre đã đề nghị Mỹ và Liên Hợp Quốc hỗ trợ an ninh cho đất nước cũng như giúp điều tra vụ ám sát. Theo chính quyền lâm thời đang kiểm soát Haiti, việc Mỹ và Liên Hợp Quốc cử lực lượng tới cũng có thể giúp quốc gia này có thể tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống vào ngày 26/9 tới.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kerby xác nhận, một phái đoàn gồm các quan chức thuộc Bộ An ninh Nội địa và Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đang trên đường tới Haiti, để hỗ trợ điều tra, tìm ra thủ phạm đứng đằng sau vụ ám sát cũng như nghiên cứu các bước đi hỗ trợ khác trong thời gian tới. Nhóm này sẽ gửi các báo cáo tới Tổng thống Mỹ Joe Biden khi tới Haiti làm việc. Cũng theo ông John Kerby, đề nghị gửi quân đội tới Haiti hiện vẫn đang được xem xét.
Liên quan đến những diễn biến mới nhất của tiến trình điều tra vụ ám sát, Cảnh sát trưởng Quốc gia Haiti Leon Charles vừa cho biết, một người đàn ông Haiti, có tên là Emmanuel Sanon, 63 tuổi đã bị bắt giữ, khi nghi ngờ ông này là một trong những chủ mưu vụ ám sát Tổng thống:
Ông Leon Charles nói: “Emmanuel Sanon đã liên hệ với một công chuyên ty về an ninh tại Mỹ do người di cư Venezuela đứng đầu. Một trong những sát thủ đã liên hệ với Emmanuel Sanon sau khi gây án, cùng với 2 người khác mà chúng tôi xác định là chủ mưu vụ ám sát. Ông Sanon này đã đến Haiti vào đầu tháng 6 bằng máy bay tư nhân, để thực hiện các mục tiêu chính trị, cùng một số tay súng – những người ban đầu được cho có nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho Sanon".
Một số hãng truyền thông Haiti cũng cho biết, những nghi phạm người Colombia và người Mỹ gốc Haiti bị bắt giữ ban đầu đã khai được Công ty CTU Security tại thành phố Miami (Mỹ) thuê làm việc./.