Các quan chức đứng đầu Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), lực lượng dân quân do Mỹ ủng hộ và do người Kurd lãnh đạo trong cuộc chiến chống IS ở phía đông Syria đã gặp nhau ngày 19/12 để thảo luận về phương án thả 1.100 tay súng IS và 2.080 người thân của các thành viên trong tổ chức khủng bố này, Rami Abdul Rahman - người đứng đầu tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria cho biết.

gan3200tunhanisseduoctha_sqnm.jpg

Liên minh người Kurd do Mỹ ủng hộ ở Syria đang thảo luận về việc thả 3.200 tù nhân IS sau khi Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút quân khỏi đây. Ảnh: AFP

Một quan chức phương Tây trong liên quân chống IS ở Syria do Mỹ lãnh đạo cũng xác nhận những cuộc thảo luận về vấn đề này đã diễn ra.

“Kết quả tốt nhất cho lựa chọn tồi tệ này có lẽ là chính phủ Syria sẽ bắt giam những tù nhân này lại. Nếu họ được thả ra, đó thực sự là một thảm họa và là mối đe dọa lớn cho châu Âu", quan chức giấu tên này cho biết.

Tổng thống Nga Vladimir Putin - một đồng minh hàng đầu của chính phủ Syria đã khen ngợi tuyên bố chiến thắng IS và quyết định rút quân của ông Trump ngày 20/12 là "đúng đắn". Tuy nhiên, các đồng minh trong liên quân của Mỹ rõ ràng là không mấy hồ hởi.

"Chúng tôi tin rằng IS vẫn là một mối đe dọa", Ngoại trưởng Pháp tuyên bố ngày 20/12, đồng thời khẳng định thêm rằng Pháp rất quan ngại về sự an toàn của các đồng minh trong liên quân, trong đó có SDF. Mỹ phải cân nhắc đến sự ổn định và an ninh ở đông bắc Syria để "tránh các thảm họa nhân đạo có thể xảy ra và sự quay trở lại của chủ nghĩa khủng bố".

Văn phòng Ngoại giao Anh cũng khẳng định ngày 19/12 rằng mặc dù “cuộc chiến chống IS có một vài tiến triển nhưng vẫn còn nhiều điều cần hoàn thành và chúng ta không được lơ là mối đe dọa từ chúng".

Lực lượng SDF hiện đang giữ một lượng lớn các tù binh IS trong 7 nhà tù gần Ainissa ở phía bắc Syria, trung tâm đầu não của nhóm người Kurd. Người thân của các tay súng IS cũng được giữ trong một trại cải tạo gần đó.

Một bài báo của tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria dẫn lời nhà lãnh đạo SDF cho biết lực lượng SDF thảo luận về việc thả các tù binh IS bởi các quốc gia là quê hương của các tù binh này từ chối tiếp nhận họ. Tổ chức này cũng thông tin thêm rằng các tù nhân IS đến từ 31 quốc gia ngoài Syria trong khi thân nhân của họ đến từ 41 quốc gia.

Lực lượng Dân chủ Syria chủ yếu gồm các tay súng người Kurd thuộc Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) với sự ủng hộ của Mỹ và thu nhận thêm nhiều tay súng Arab chống IS hiện đã lên tới 75.000 người. Nhóm này chủ yếu được 2.000 quân Mỹ, phần lớn thuộc lực Lực lượng Đặc biệt đào tạo, hỗ trợ tài chính và cố vấn.

Với sự hậu thuẫn của Mỹ, đặc biệt trong các cuộc không kích, từ năm 2016, lực lượng người Kurd đã đánh đuổi được IS ra khỏi phần lớn lãnh thổ mà chúng kiểm soát ở phía đông và phía bắc Syria. Giao tranh vẫn diễn ở khu vực thị trấn Hajin dù tuần trước SDF tuyên bố rằng đã đánh bại IS tại đây.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định sẽ tấn công SDF bởi quốc gia này coi lực lượng YPG là một nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) bất hợp pháp ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuần trước, Ankara đã tiến hành một cuộc tấn công vào lực lượng người Kurd khiến Tổng thống Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã có một cuộc điện đàm với nhau ngày 17/12.

Tuyên bố rút quân khỏi Syria của ông Trump khiến các nhà lãnh đạo người Kurd lo ngại và kêu gọi Mỹ nên xem xét lại quyết định này.

"Quyết định rút quân sẽ trực tiếp phá hủy những nỗ lực cuối cùng trong việc đánh bại các nhóm khủng bố và sẽ tạo nên những nguy cơ tiềm tàng nghiêm trọng cho sự ổn định và hòa bình thế giới", tuyên bố của Tổng chỉ Huy lực lượng SDF khẳng định, đồng thời cho biết thêm: "Việc rút quân trong hoàn cảnh này sẽ tạo nên "khoảng trống" về mặt quân sự và chính trị trong khu vực, cũng như đẩy người dân ở đây phải đối mặt với các lực lượng thù địch".

Các quan chức quân đội Mỹ ước tính IS hiện còn khoảng 20.000 - 30.000 quân ở Syria và Iraq - hầu hết đều hoạt động ngầm. Lực lượng SDF khẳng định: "Quyết định rút quân khỏi phía bắc và phía đông Syria của Nhà Trắng sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến chiến dịch chống chủ nghĩa khủng bố và tạo điều kiện thuận lợi về chính trị và quân sự để những kẻ khủng bố cũng như những người ủng hộ chúng khôi phục quyền lực của IS"./.

IS vẫn chưa bị đánh bại ở Syria

VOV.VN - Sau tuyên bố rút quân khỏi Syria của ông Trump, nhiều chuyên gia cho rằng quyết định này là nguy hiểm và vội vàng bởi IS vẫn chưa thực sự bị đánh bại