Theo hãng tin AFP của Pháp, ngày 11/11 Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) sẽ ra phán quyết về vấn đề tranh chấp biên giới giữa Thái Lan và Campuchia liên quan tới ngôi đền cổ Preah Vihear.

Thái Lan và Campuchia hy vọng, phán quyết này sẽ giúp chấm dứt xung đột dai dẳng ở khu vực biên giới hai nước từ nhiều năm nay, đã  làm  ít nhất 28 người thiệt mạng và hàng nghìn người quanh khu đền cổ 900 năm tuổi này phải di dời.

den-co1.jpg
Ngôi đền cổ Preah Vihear (Ảnh: Internet)

Ngày 8/11, Thủ tướng Campuchia Hunsen cho biết ông và Thủ tướng Thái lan Yingluck Shinawatra  sẽ  chấp nhận phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế và duy trì hòa bình dọc theo khu vực biên giới.

Trên truyền hình, ông Hunsen kêu gọi tất cả lực lượng vũ trang đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới kiềm chế, tránh gây ra căng thẳng hay xung đột.

Giới quan sát nhận định bản án đặt ra một thách thức đặc biệt đối với chính phủ Thái Lan - vốn đang phải đối mặt với các cuộc biểu tình đường phố  xung quanh một dự luật ân xá gây tranh cãi.

Nằm trên khu vực biên giới hai nước, ngôi đền cổ 900 năm tuổi này đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Hồi tháng 6/1962, Tòa án Công lý Quốc tế ra phán quyết đền Preah Vihear và khu vực lân cận thuộc về Campuchia, tuy nhiên, Thái Lan đã đòi chủ quyền đối với khu vực rộng 4,6 km2 xung quanh ngôi đền vào năm 2008. Sau đó đã xảy ra các vụ xung đột vũ trang giữa hai bên tại khu vực biên giới, gây tổn thất về binh sĩ cho cả hai nước.

Tháng 4/2011, Campuchia đã đưa vụ kiện về vùng đất tranh chấp này lên Tòa án Công lý quốc tế.

Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai quốc gia đã được xoa dịu  từ giữa năm 2011 khi bà Yingluck, em gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, trở thành Thủ tướng Thái Lan.

Dưới thời ông Thaksin, Thái Lan và Campuchia có mối quan hệ láng giềng tốt đẹp. Theo yêu cầu của Tòa án Công lý quốc tế, tháng 7 năm ngoái hai nước đã rút hàng trăm binh sĩ xung quanh ngôi đền và duy trì một vùng đệm hòa bình dưới sự giám sát của quốc tế./.