Hôm qua, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi hối thúc Myanmar "mở cửa" với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này. Phát biểu với báo giới tại Jakarta sau cuộc họp đặc biệt trực tuyến với ngoại trưởng các nước ASEAN về tình hình hình Myanmar, Ngoại trưởng Marsudi cam kết các nước ASEAN sẽ không vi phạm "nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ” của nhau.
"Indonesia tin rằng, ASEAN có thể đóng vai trò hỗ trợ các nỗ lực nhân đạo. Indonesia kêu gọi tất cả các bên bắt đầu đối thoại và liên lạc. Ngoài ra, phải tạo ra tình huống thuận lợi cho giao tiếp và đối thoại, bao gồm cả việc trả tự do cho những người bị giam giữ chính trị”, Ngoại trưởng Marsudi nói.
Bộ Ngoại giao Thái Lan cũng ra thông cáo báo chí khẳng định, là quốc gia láng giềng gần gũi và thân thiện của Myanmar và là một phần của đại gia đình ASEAN, Thái Lan đã và đang theo dõi những diễn biến ở Myanmar với sự quan tâm. Bộ Ngoại giao Thái Lan bày tỏ hy vọng tình hình ở Myanmar sẽ giảm căng thẳng, hy vọng tất cả các bên ở Myanmar kiềm chế và tham gia đối thoại nhằm đạt được giải pháp hòa bình cho tình hình trở lại bình thường vì lợi ích của người dân Myanmar”.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin lên tiếng kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và khôi phục tình trạng ổn định đất nước.
Không lâu sau tuyên bố của Ngoại trưởng Locsin, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cũng ra tuyên bố về tình hình Myanmar kêu gọi nước này hòa giải dân tộc và trả tự do cho Tổng thống Win Myint và Cố vấn nhà nước San Suu Kyi. Trước đó, hôm qua (2/3), Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt sẽ chỉ gây tổn hại cho người dân Myanmar.
“Câu hỏi đặt ra là điều gì có thể tạo ra sự khác biệt cho Myanmar và nếu áp đặt các biện pháp trừng phạt thì ai sẽ là người chịu thiệt hại ? Sẽ không phải quân đội, hay các tướng lĩnh mà chính người dân Myanmar sẽ bị tổn thương. Các biện pháp trừng phạt sẽ tước đi thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm và cơ hội học hành của người dân nước này”, ông Lý Hiển Long nói.
Tuyên bố của các Ngoại trưởng đưa ra chỉ vài giờ sau khi hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Tại hội nghị, các Bộ trưởng ASEAN bày tỏ quan ngại về tình hình tại Myanmar trong cuộc thảo luận với đại diện quân đội nước này. Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN kêu gọi thúc đẩy cuộc đối thoại có sự tham gia của bà San Suu Kyi và quân đội Myanmar để tìm ra giải pháp cho vấn đề hiện nay.
Liên quan đến tình hình tại Myanmar, các nguồn tin ngoại giao cho biết Anh đã đề xuất Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp kín về tình hình tại Myanmar vào ngày 5/3 tới. Trước đó, hôm 4/2, Hội đồng Bảo an đã ra tuyên bố báo chí về tình hình Myanmar, bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tình hình ở Myanmar và kêu gọi giới lãnh đạo quân sự “trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ, bao gồm cả bà San Suu Kyi.
Myanmar rơi vào bế tắc chính trị kể từ ngày 1/2 sau khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang và các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD). Quân đội Myanmar cho rằng có nhiều gian lận trong cuộc bầu cử gần đây, cho dù Ủy ban Bầu cử liên bang Myanmar bác bỏ cáo buộc này. Quân đội Myanmar cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực, đồng thời phủ nhận việc tiến hành đảo chính./.