Trung Quốc ngày 30/6 tuyên bố đã hoàn tất việc cải tạo 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa.
truing_quoc_cai_tao_dao_cua_viet_nam_hmfa.jpg
Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo trái phép bãi đá Tư Nghĩa của Việt Nam ở Biển Đông (ảnh: 

Tuy nhiên, không dừng tại đó, những hình ảnh vệ tinh mới nhất do DigitalGlobe chụp và được Tổ chức Sáng kiến về Minh bạch Hàng hải châu Á (AMIT) công bố tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington còn cho thấy Trung Quốc cũng đã xây dựng nhiều công trình quân sự trên các bãi đá nói trên, mà rõ nhất là ở bãi Chữ Thập và bãi Gạc Ma.

Quân sự hóa các bãi đá...

Theo AMTI, Trung Quốc đã hoàn tất việc xây dựng một đường băng dài 3km trên bãi Chữ Thập kèm theo một sân đỗ máy bay và một đường dẫn cho máy bay tiến vào đường băng.

Bên cạnh đó, trên bãi Chữ Thập còn có 2 bãi đáp trực thăng, 10 cột anten vệ tinh liên lạc, một tháp radar.

Ngoài ra, trong hình ảnh vệ tinh của AMTI còn xuất hiện một tàu Hải quân Trung Quốc đậu ở một cảng ở bãi Chữ Thập nói trên.

Không những vậy, một hồ nước ở giữa bãi Chữ Thập đã bị san phẳng để chuẩn bị cho việc xây một hải cảng gồm 9 cầu tầu tạm thời tại đây.

Trong khi đó, tại bãi Gạc Ma, Trung Quốc đang tiến hành xây dựng 2 tháp radar. Ngoài ra, từ các hình ảnh vệ tinh có thể thấy rõ 2 bãi đáp trực thăng, 3 cột anten vệ tinh liên lạc, một tòa nhà cao tầng, một ngọn hải đăng, một nơi sản xuất năng lượng mặt trời với 44 tấm pin năng lượng mặt trời và 2 turbine gió.

Giám đốc AMTI Mira Rapp-Hooper cho biết, tất cả các công trình mà Trung Quốc xây dựng đều có thể phục vụ mục đích quân sự và nhằm giúp tăng khả năng giám sát hoạt động của các nước khác ở Biển Đông.

Theo bà Rapp-Hooper, việc xây dựng này của Trung Quốc là “một thách thức ngoại giao mới đối với không chỉ Mỹ mà còn cả các quốc gia trong khu vực với mục tiêu ngăn chặn việc Trung Quốc quân sự hóa các bãi đá nói trên”.

... Trung Quốc vẫn bao biện là “vì hòa bình”

Ngày 30/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh lên tiếng khẳng định, việc cải tạo một số bãi đá đã hoàn tất “theo đúng tiến độ”.

Bà Hoa khẳng định: “Bước tiếp theo, Trung Quốc sẽ xây dựng các cơ sở vật chất thích hợp. Những cơ sở này chủ yếu phục vụ cho mục đích dân sự nhưng cũng kèm theo các cơ sở vật chất phục vụ cho việc phòng vệ tại các đảo này”.

Sau đó, ngày 1/7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố: “Một ngàn năm trước, Trung Quốc là một quốc gia vươn xa ra biển và vì thế, dĩ nhiên Trung Quốc là quốc gia đầu tiên phát hiện, sử dụng và quản lý quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam)”.

Thông qua Luật An ninh quốc gia- mở đường để chiếm Biển Đông

Những lời lẽ hết sức giảo biện của ông Vương Nghị được cho là để “dọn đường” cho việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc tuyên bố thông qua Luật An ninh quốc gia mới, một động thái được cho là nhằm củng cố tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Luật An ninh Quốc gia mới của Trung Quốc nêu rõ các vấn đề như an ninh mạng, vũ trụ, biển, các vùng cực và quan trọng nhất cũng như thiết thân nhất là Biển Đông là những lĩnh vực mà Trung Quốc cần phải tập trung bảo vệ.

Các chuyên gia nhận định, Luật An ninh Quốc gia mới của Trung Quốc được cho là sẽ tạo nền tảng cho một “Trung Quốc hung hăng hơn ở Biển Đông”.

“Trung Quốc sẽ viện dẫn luật này cùng với hàng tá các luật trong nước khác của họ chỉ để bao biện cho các hành vi sai trái của họ ở Biển Đông”, bà Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) nói.

Cũng theo bà Glaser, Luật An ninh Quốc gia mới sẽ “giúp” Trung Quốc linh hoạt hơn khi đối phó với các thách thức hiện nay bởi những lời lẽ trong luật này quá rộng và mơ hồ.

“Trung Quốc không chỉ khẳng định rằng mình có chủ quyền [đối với Biển Đông] mà còn nhấn mạnh rằng, các lợi ích về an ninh quốc gia của họ đang bị xâm phạm và Trung Quốc có quyền tiến hành các hoạt động mà nước này thấy cần thiết để bảo vệ người dân và an ninh quốc gia”, bà Glaser nói./.