Ông Rahman Hariri nói, vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrey Karlov cho thấy rằng, những kẻ khủng bố ở thành phố Aleppo (Syria) đã bị giáng một đòn nặng nề.

Hôm 19/12, Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ đã bị viên cảnh sát Mevlut Mert Altintas sát hại tại lễ khai mạc một triển lãm nghệ thuật ở Ankara. Hơn ba người khác cũng bị thương trong vụ tấn công rúng động này. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố “vụ tấn công là một hành động khủng bố”.

dai_su_nga_ulhq.jpg
Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ đã bị viên cảnh sát Mevlut Mert Altintas sát hại (Ảnh: AP).

Sputnik dẫn lời ông Hariri cho rằng, các chiến binh thánh chiến đang tuyệt vọng vì những thất bại của họ và đây là nguyên nhân tại sao họ đã phải sử dụng đến “quân bài” tấn công khủng bố chống lại cá nhân.

Ông Hariri cho rằng: "Cuộc tấn công khủng bố sát hại Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrey Karlov là một động thái tuyệt vọng của những kẻ khủng bố. Họ bị mất quyền kiểm soát ở Aleppo và bây giờ họ đang phải cam chịu thất bại. Họ cảm thấy đau đớn. Nhưng bi kịch này sẽ không ngăn được cuộc chiến chống khủng bố", Chuyên gia Hariri mô tả việc giải phóng Aleppo là một "chiến công chung" của Moscow và Tehran.

"[Tổng thống Nga] Vladimir Putin đã lên kế hoạch để giải phóng Aleppo khỏi những kẻ khủng bố trước khi Tân Tổng thống Mỹ nhậm chức. Động thái này sẽ trao cho Nga và các đồng minh [chính phủ Syria và Damascus] chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, và người kế nhiệm của ông Obama sẽ phải đối phó với điều đó. Vì thế, giải phóng Aleppo là kết quả của một chiến lược bài bản của Kremlin", ông Hariri kết luận.

Theo ông Faruk Logoglu, cựu thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, vụ ám sát Đại sứ Nga Karlov là một nỗ lực để làm suy yếu hoặc làm giảm ý nghĩa quan trọng của các cuộc đàm phán gần đây về Syria giữa Moscow, Tehran và Ankara.

Trả lời phỏng vấn của Sputnik, ông Logoglu cho rằng: "Đó là một sự khiêu khích Nhưng chỉ có kết quả điều tra mới cho biết ai đứng đằng sau vụ giết người này -. các tổ chức nước ngoài hay lực lượng nào đó bên trong Thổ Nhĩ Kỳ". Ông Logoglu nhấn mạnh rằng, cách hồi đáp thích hợp nhất đối với thảm kịch này là sự phát triển quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như tăng cường các nỗ lực 3 bên Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran đối phó với khủng hoảng Syria.

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói rằng Tuyên bố về việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria đang được thực thi.

"Hiện nay, các chuyên gia đang nghiên cứu văn bản của Tuyên bố Moscow về các biện pháp thúc đẩy giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Đây là một tài liệu “cứng”, cần thiết", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu cho biết sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Iran Hossein Dehghan.

Theo nhà ngoại giao Faruk Logoglu, hợp tác 3 bên Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề Syria là cơ chế tích cực để giải quyết cuộc khủng hoảng ở nước này.

"Lý do là trên thực tế, cơ chế này bao gồm tất cả các bên liên quan có ảnh hưởng thực sự đến tình hình ở Syria. Tôi hy vọng rằng các cuộc đàm phán tại Moscow đã đề cập đến không chỉ việc giải phóng Aleppo, mà còn về một lệnh ngừng bắn trên toàn đất nước và các biện pháp nhằm chấm dứt chiến tranh. Tôi tin rằng phương pháp này sẽ giúp mang lại hòa bình và ổn định cho Syria", Sputnik dẫn lời ông Logoglu nói./.