Sứ mệnh đặc biệt quan trọng

Tờ News Day của Mỹ dẫn lời các chuyên gia nhận định, với việc có mặt tại Bắc Kinh trên chính chuyến tàu từng chở cha mình hồi năm 2011, ông Kim Jong-un muốn truyền đi thông điệp rằng, ông cần sự ủng hộ của Trung Quốc trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dự kiến diễn ra vào tháng 4 và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến diễn ra vào tháng 5.

clipboard01_burj.jpg
Lãnh đạo Trung Quốc-Triều Tiên trong cuộc gặp tại Đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: Tân Hoa xã

Cũng theo các chuyên gia, trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhiều khả năng ông Kim Jong-un có đề cập những lệnh trừng phạt từ phía Mỹ khiến kinh tế Triều Tiên gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là kể từ khi Trung Quốc cũng từ chối nhập khẩu than đá từ Triều Tiên để thể hiện sự tuân thủ các nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Ngoài ra, Triều Tiên cũng muốn nhận được sự bảo đảm của Trung Quốc trước sức ép ngày càng gia tăng của Mỹ trong vấn đề hạt nhân, đặc biệt là trong bối cảnh Tổng thống Trump vừa đề cử ông John Bolton là Ngoại trưởng mới.

Ông Bolton là người có đường lối ngoại giao hết sức cứng rắn và từng khuyến cáo Tổng thống Mỹ Donald Trump không nên nhân nhượng bất kỳ điều gì với Triều Tiên trừ khi ông Kim Jong-un chấp thuận phi hạt nhân hóa.

Theo các chuyên gia, ông Kim Jong-un rất muốn thể hiện thiện chí tạm dừng chương trình hạt nhân và tên lửa của mình để đổi lấy việc Mỹ-Hàn hoãn các cuộc tập trận.

Dù chấp nhận thực tế rằng, các cuộc tập trận "Đại Bàng non" và "Giải pháp then chốt" sẽ vẫn diễn ra trong những ngày đầu tháng 4, Triều Tiên vẫn mong muốn Trung Quốc lên tiếng yêu cầu Mỹ dỡ bỏ hoặc ít nhất là nới lỏng các lệnh trừng phạt.

Cũng theo các chuyên gia, tầm quan trọng đặc biệt của chuyến thăm Trung Quốc lần này thể hiện ở chỗ, đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Kim Jong-un kể từ khi lên nắm quyền hồi năm 2011.

Trước đó, khi còn học ở Thụy Sĩ, ông Kim Jong-un từng cùng cha đến Bắc Kinh ít nhất một lần. Tuy nhiên, sau đó, ông từ chối ra nước ngoài do căng thẳng với cả Nga và Trung Quốc khi 2 nước này từng lên tiếng chỉ trích chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Trung Quốc sẽ ủng hộ nhiệt thành

Các chuyên gia cho rằng, dù quan hệ Trung-Triều đã có lúc căng thẳng, ông Kim Jong-un vẫn sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Trung Quốc nhất là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang bùng nổ với việc Mỹ đánh thuế quá cao các mặt hàng Trung Quốc- đặc biệt là sắt, thép.

Phía Mỹ đã đánh thuế tới 45% các loại thép Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ với cáo buộc Trung Quốc sao chép công nghệ của Mỹ và bán phá giá sắt thép vào Mỹ khiến các nhà sản xuất sắt thép Mỹ thiệt hại nặng nề.

Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ và lên tiếng đe dọa sẽ “gây chiến” về thương mại với Mỹ. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng chỉ trích việc áp thuế của Mỹ là “một sai lầm nghiêm trọng” có thể gây tổn hại nặng nề cho Mỹ và quan hệ Mỹ-Trung.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khiến Trung Quốc cần sự ủng hộ của đồng minh hơn bao giờ hết. Trung Quốc hiểu rằng, việc “chìa tay” với Triều Tiên khi hai bên “đang hết sức cần nhau như lúc này” là một bước đi hết sức quan trọng để cân bằng cán cân lực lượng cũng như ngăn ngừa khả năng mất đi tầm ảnh hưởng cần thiết với Triều Tiên vào tay các đối tác khác.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng muốn ủng hộ Triều Tiên bởi Mỹ cũng đã chịu “xuống thang” với Hàn Quốc trong vấn đề thương mại để đổi lấy việc Hàn Quốc vẫn sẽ duy trì hợp tác quân sự chặt chẽ với Mỹ dù Tổng thống Moon Jae-in công khai bày tỏ mong muốn đối thoại cởi mở với Triều Tiên.

Triều Tiên sẽ im lặng chờ cuộc gặp thượng đỉnh?

Dù báo chí phương Tây đã đăng tải nhiều thông tin về khả năng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ có các cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-n vào tháng 4 và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 5 tới, cho đến nay, Triều Tiên vẫn chưa đưa ra bất kỳ thông tin chính thức nào.

Theo các chuyên gia, động thái này của Triều Tiên được đánh giá là để “chờ sự tham vấn” của Trung Quốc trước thềm 2 cuộc thượng đỉnh đang thu hút sự quan tâm của toàn thế giới.

Ngoài ra, theo Giáo sư tại Đại học Georgetown Victor Cha, điều này giúp Triều Tiên đạt được “yếu tố bất ngờ” cần thiết để ít nhiều chiếm ưu thế trước Mỹ và Hàn Quốc trong các cuộc đàm phán./.