Người bạn tốt nhất của Triều Tiên

Theo các chuyên gia, chuyến thăm Triều Tiên của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong 2 ngày 2-3/5, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc gửi một thông điệp đến Triều Tiên rằng, Trung Quốc vẫn là “người bạn tốt nhất của Triều Tiên”. 

vuong_nghi_ri_yong_ho_ayfv.jpg
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong-ho. Ảnh: AFP

Ngoài ra, chuyến thăm của ông Vương Nghị cũng được kỳ vọng sẽ giúp hạn chế tối đa việc Triều Tiên “ngả dần theo Mỹ”, nhất là trong bối cảnh Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp diễn ra sau những kết quả hết sức tích cực từ Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều.

“Rõ ràng Bắc Kinh muốn đảm bảo rằng, Bình Nhưỡng sẽ không hướng tới một  mối quan hệ gần gũi với Washington hơn Bắc Kinh”, ông Zhao Tong- chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Carnegie-Tsinghua về Chính sách Toàn cầu- nhận định: “Chuyến thăm của một Ngoại trưởng Trung Quốc đến Triều Tiên lần đầu tiên trong vòng 11 năm qua là một phần trong nỗ lực này”.

Cũng theo các chuyên gia, Trung Quốc lo ngại rằng, Mỹ có thể chấp thuận gạt sang một bên những bất đồng với phía Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân miễn là năng lực hạt nhân của Triều Tiên sẽ được sử dụng để giúp Mỹ kiềm chế Trung Quốc.

Chính vì thế, ông Vương Nghị được cho là sẽ phải rất cẩn trọng trong chuyến đi này để đạt được mục tiêu đặt ra trước chuyến đi. Ông Xia Yafeng- Giáo sư Sử học tại Đại học Long Island University cho rằng: “Sứ mệnh của ông Vương Nghị là thống nhất với Triều Tiên về những gì nước này sẽ trao đổi với Mỹ.

Lời khuyên của ông Vương Nghị đối với Triều Tiên có thể là, hãy thật thận trọng khi đàm phán với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chúng tôi sẽ luôn sát cánh cùng các bạn”.

Cùng quan điểm với ông Xia Yafeng, chuyên gia Zhao Tong cho rằng, để thể hiện thiện chí của mình, Trung Quốc có thể sẽ tìm cách nới lỏng việc tuân thủ các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Liên Hợp Quốc với mong muốn kéo Triều Tiên xích lại gần hơn với mình.

“Trung Quốc sẽ tiến hành thêm nhiều biện pháp để thúc đẩy quan hệ song phương bao gồm việc kết nối lại các tuyến đường bộ và đường sắt Trung-Triều cũng như mời Triều Tiên tham gia Sáng kiến Vành đai Con đường”, ông Zhao Tong nói.

Cũng theo ông Zhao Tong: “Trung Quốc đã bắt đầu cân nhắc các biện pháp tăng cường quan hệ kinh tế với Triều Tiên trong các lĩnh vực nằm ngoài phạm vi các nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc”.

Khi Trung Quốc sợ bị gạt sang một bên

Trước đó, Trung Quốc đã cảm thấy khá bất ngờ trước việc không được nhắc đến trong một số nội dung quan trọng của Tuyên bố Bàn Môn Điếm tại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều diễn ra vào cuối tuần trước.

Theo đó, Triều Tiên và Hàn Quốc thống nhất sẽ bắt đầu đàm phán với Mỹ về khả năng 2 miền Triều Tiên sẽ tiến tới một Hiệp ước Hòa bình nhằm chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên mà về mặt kỹ thuật mới chỉ tạm ngưng do 2 miền Triều Tiên mới chỉ ký Hiệp định Đình chiến.

Tuyên bố Bàn Môn Điếm nêu rõ, các cuộc đàm phán này sẽ diễn ra “giữa 3 bên hoặc 4 bên”. Đàm phán 3 bên sẽ chỉ gồm Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ chứ không có Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Triều Tiên được cho là đã yêu cầu mở rộng khuôn khổ đàm phán lên 4 bên.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng không được phía Triều Tiên mời gửi quan sát viên đến thanh sát việc đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri vào cuối tháng 5 này trong khi chính nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố sẽ mời cả chuyên gia Mỹ và Hàn Quốc tham gia sự kiện trên.

Ông Paul Haenle, Giám đốc Trung tâm Carnegie-Tsinghua về Chính sách Toàn cầu, nhận định: “Bãi thử này nằm rất gần biên giới Trung Quốc. Trung Quốc hẳn là rất thất vọng trước quyết định này của phía Triều Tiên”.

Quan hệ Trung-Triều đã từng hết sức tốt đẹp trong rất nhiều năm qua. Ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Chủ tịch Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) thường xuyên công du Trung Quốc. Trong khi đó, chỉ trong 2 năm 2010 và 2011, ông Kim Jong-il (Kim Chính Nhật)- bố của ông Kim Jong-un- cũng đã thăm Trung Quốc tới 7 lần.

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, kể từ tháng 4/2012, thời điểm ông Kim Jong-un lên nắm quyền, những chuyến thăm như vậy gần như ngừng lại hoàn toàn. Chuyến thăm Trung Quốc duy nhất của ông Kim Jong-un chỉ vừa mới diễn ra vào tháng 3 vừa qua.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là sẽ đến thăm Triều Tiên sau khi Thượng đỉnh Mỹ-Triều kết thúc. Các chuyên gia nhận định, chuyến thăm Triều Tiên lần này của ông Vương Nghị một phần cũng là nhằm “dọn đường” cho sự kiện quan trọng nói trên.

Trong khi đó, phía Mỹ cho biết, Thượng đỉnh Mỹ-Triều nhiều khả năng sẽ diễn ra tại Làng đình chiến Bàn Môn Điếm nằm giữa biên giới Triều Tiên và Hàn Quốc.

Các chuyên gia cho rằng, lãnh đạo Mỹ-Triều sẽ gặp nhau ở phần biên giới phía Bắc thuộc lãnh thổ Triều Tiên để tạo sự khác biệt so với Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều diễn ra ở phần biên giới phía Nam thuộc lãnh thổ Hàn Quốc./.