Trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách ngoại giao ngày 3/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã vạch ra những ưu tiên của chính quyền Tổng thống Biden với cam kết sẽ tránh "những cuộc can thiệp quân sự tốn kém" và vạch ra hướng đi mới cho thương mại toàn cầu. Ông Blinken cũng nhiều lần nhấn mạnh mong muốn của Tổng thống Joe Biden là liên kết chính sách đối ngoại với chính sách đối nội.
"Hơn lúc nào hết trong sự nghiệp của tôi, có lẽ là cả trong cuộc đời của tôi, những khác biệt giữa chính sách đối ngoại và đối nội đơn giản đã bị xóa mờ. Sự phục hồi trong nước và sức mạnh của chúng ta trên thế giới hoàn toàn liên kết chặt chẽ với nhau", Ngoại trưởng Mỹ khẳng định. Ông đã vạch ra 8 ưu tiên chính sách đối ngoại cấp bách nhất hiện nay của chính quyền Tổng thống Biden gồm: chấm dứt đại dịch Covid-19, khôi phục kinh tế trong nước và trên thế giới, làm sống dậy nền dân chủ, cải cách chính sách nhập cư, tái xây dựng các liên minh, đối phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo sự lãnh đạo của Mỹ về mặt công nghệ và đối phó với Trung Quốc.
Dưới đây là một số điểm đáng chú ý cho thấy trọng tâm và sự dịch chuyển của chính quyền mới trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Blinken:
Trung Quốc tiếp tục là trọng tâm chính sách
Trung Quốc là thách thức địa chính trị lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt trong thế kỷ 21 là khẳng định rõ ràng được Ngoại trưởng Mỹ đưa ra trong bài phát biểu hôm 3/3.
"Trung Quốc là quốc gia duy nhất với quyền lực công nghệ, quân sự, ngoại giao và kinh tế đang tạo ra thách thức nghiêm trọng với hệ thống quốc tế mở và ổn định. Mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc sẽ cạnh tranh trong những khía cạnh nhất định, hợp tác khi có thể và đối đầu khi cần thiết".
Bài phát biểu của ông Blinken có quan điểm nhất quán với một tài liệu "chỉ dẫn về chiến lược an ninh quốc gia tạm thời” dài 23 trang được ông Biden công bố một vài tiếng sau đó, nhằm "cung cấp sự chỉ dẫn trước với các bộ và các cơ quan về một chiến lược an ninh quốc gia mới mà chúng tôi dự kiến sẽ công bố sau đó trong năm nay", thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho hay.
Ông Blinken cho rằng Mỹ cần "sang trang" và theo đuổi một chính sách ngoại giao kết hợp giữa sự khiêm tốn và sự tự tin, không hăm dọa hay bắt nạt, đồng thời thúc đẩy quan hệ với các đồng minh, đối tác và các tổ chức đa quốc gia nhằm theo đuổi những lợi ích cốt lõi.
"Khi chúng tôi rút lui, Trung Quốc sẽ lấp đầy khoảng trống", người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định.
Bài phát biểu của ông Blinken đã tìm cách vạch ra một ranh giới rõ ràng giữa phong cách và bản chất chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Biden so với chính sách "Nước Mỹ trên hết" của cựu Tổng thống Donald Trump.
Trái với những thông điệp bài ngoại, đóng cửa biên giới, không tin tưởng đồng minh và hoài nghi các tổ chức đa phương của cựu Tổng thống Trump, ông Blinken tập trung vào nhu cầu cần hợp tác trong các hành động toàn cầu và tầm quan trọng của việc đảm bảo chính sách đối ngoại của Mỹ đem lại lợi ích cho người lao động Mỹ.
Các nhà phân tích cho rằng bài phát biểu của ông Blinken và báo cáo "chỉ dẫn chiến lược" đã phục vụ cho ít nhất 3 mục tiêu: thứ nhất là cho thấy sự kiên quyết của Mỹ với Trung Quốc, thứ hai là truyền tải tới các đồng minh rằng Trung Quốc là một mối đe dọa và các bên cần hợp tác để đối phó, và cuối cùng là tránh thể hiện sự yếu đuối trước Trung Quốc - vốn là mục tiêu công kích của đảng Cộng hòa.
Vắng bóng Triều Tiên
Một điểm đáng chú ý trong bài phát biểu của Ngoại trưởng Blinken là ông đã bỏ qua Triều Tiên trong những ưu tiên hàng đầu về chính sách đối ngoại, bất chấp cam kết trước đó của chính quyền Biden - Harris rằng sẽ nỗ lực hơn để hợp tác chặt chẽ với các đối tác như Hàn Quốc để giải quyết vấn đề này.
Những ưu tiên mà Ngoại trưởng Blinken đưa ra hoàn toàn khác với những ưu tiên trước đó của chính quyền Tổng thống Trump, vốn cho Triều Tiên là mối đe dọa hàng đầu với an ninh quốc gia trong những ngày đầu nhiệm kỳ.
"Đây là một thời điểm hoàn toàn khác, vì thế, chiến lược và hướng tiếp cận của chúng tôi cũng sẽ khác", ông Blinken khẳng định.
Triều Tiên chỉ là một cái tên được nhắc đến cùng với Nga và Iran khi so sánh về mối đe dọa to lớn từ phía Trung Quốc. Để tham gia vào nỗ lực đối phó với thách thức này, ông Blinken cho rằng một mục tiêu cốt lõi khác sẽ là thúc đẩy sự hợp tác với "bạn bè và đồng minh" của Mỹ. Tuy nhiên, mặc dù Hàn Quốc là một trong những đồng minh hàng đầu của Mỹ nhưng việc thiếu chú ý đến Triều Tiên có thể làm giảm tầm quan trọng của mối quan hệ này.
"Nếu điều này là sự thật, việc đó thực sự có thể đặt Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In vào tình huống khó xử", Glyn Ford, một cựu nghị sĩ của Liên minh châu Âu và một nhà quan sát về vấn đề Triều Tiên cho hay.
Cựu quan chức tình báo quốc gia Mỹ Markus V. Garlauskas, hiện làm việc tại Hội đồng Atlantic ở Washington DC cũng cho rằng việc đề cập đến Trung Quốc mà không nhắc đến Triều Tiên là một động thái có vấn đề.
"Bài phát biểu này dường như bỏ qua sự liên quan chặt chẽ về những thách thức an ninh quốc gia mà Trung Quốc và Triều Tiên gây ra cho Mỹ. Điều đó cũng giống như nói về Chiến tranh Lạnh nhưng chúng ta chỉ tập trung vào Liên Xô mà không nhắc đến Cuba và Đức vậy", chuyên gia Garlauskas nhận định.
Ankit Panda, học giả cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cũng cho rằng những nhà quan sát về hồ sơ Triều Tiên như ông đang chờ đợi Washington công bố một bản đánh giá chính sách về vấn đề này.
Tuy nhiên, Keith Luse, giám đốc điều hành Ủy ban Quốc gia Triều Tiên cho rằng bài phát biểu trên của Ngoại trưởng Mỹ chủ yếu nhằm "chuẩn bị" cho một chiến lược về chính sách đối ngoại toàn diện của chính quyền Tổng thống Biden.
Bản thân ông Blinken cũng khẳng định có những vấn đề quan trọng không nằm trong bài phát biểu của ông. Điều đó không có nghĩa là những vấn đề đó không quan trọng hay chính phủ không nỗ lực giải quyết chúng. Theo Ngoại trưởng Mỹ, những điều ông nói ngày hôm nay là những ưu tiên cấp bách nhất, đòi hỏi một tiến trình nhanh chóng và bền vững để giải quyết chúng.
Công nghệ, chứ không phải quân sự, mới là tâm điểm cạnh tranh
Trong bài phát biểu ngày 3/3, Ngoại trưởng Blinken đã khẳng định, ưu tiên thứ 7 trong chính sách đối ngoại của Mỹ là đảm bảo sự lãnh đạo của nước này về mặt công nghệ.
"Chúng tôi muốn Mỹ duy trì lợi thế về khoa học và công nghệ bởi đây là những điều cần thiết cho sự phát triển kinh tế của chúng tôi trong thế kỷ 21”.
Trước đó, nhà quan sát Nick Wadhams nhận định trên Bloomberg rằng, chính quyền ông Biden đang đặt chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và công nghệ nói chung là tâm điểm trong chiến lược của Mỹ với châu Á.
Các quan chức và cựu quan chức Mỹ, cùng với các chuyên gia đều cho rằng các kế hoạch của chính quyền ông Biden về lĩnh vực công nghệ là một lát cắt thu nhỏ trong những kế hoạch rộng lớn hơn nhằm bắt đầu một hướng tiếp cận hợp tác với đồng minh và thù địch của Trung Quốc sau những xáo trộn dưới thời cựu Tổng thống Trump.
"Đây là một sự nhận thức mới về tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn trong cuộc cạnh tranh địa chính trị bởi các chip điện tử xuất hiện trong mọi công nghệ hiện đại", Lindsay Gorman - một học giả về công nghệ tại Quỹ Marshall Đức cho hay.
Hướng chiến lược này cũng đang nhận được phản hồi tích cực từ Quốc hội, khi các nghị sĩ đề xuất một số dự luật nhằm thúc đẩy công nghệ Mỹ mà theo đó đưa ra một số sáng kiến nhằm đưa việc sản xuất chip điện tử quay lại Mỹ hoặc đầu tư nhiều hơn vào những tiến bộ công nghệ.
Bài phát biểu của Ngoại trưởng Blinken đã cho thấy sự lồng ghép và liên kết chặt chẽ giữa các ưu tiên về đối nội và đối ngoại của Mỹ, đồng thời khẳng định cam kết của Tổng thống Biden rằng "ngoại giao, chứ không phải hành động quân sự, sẽ luôn được đặt lên trước".
"Tất cả ưu tiên của chúng ta đều sẽ quyết định trực tiếp đến nguồn sức mạnh quốc gia cốt lõi của chúng ta. Và chúng ta định nghĩa sức mạnh ấy một cách rộng khắp bởi một quốc gia thực sự hùng mạnh là mạnh trên nhiều mặt cùng lúc. Sức mạnh thực sự không phải là hăm dọa hay bắt nạt. Và nó sẽ không chỉ dựa trên mỗi quyền lực quân sự. Sức mạnh thực sự là điều đó và còn là hơn thế", Ngoại trưởng Blinken khẳng định./.