Đón tiếp nồng nhiệt giữa lòng Triều Tiên

Tổng thống Đại Hàn Dân quốc (Hàn Quốc) Moon Jae-in hôm 18/9 đã tới Bình Nhưỡng, thủ đô Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và phu nhân Ri Sol-ju cùng nhiều người Triều Tiên khác đã trực tiếp đón ông Moon Jae-in tại sân bay quốc tế Sunan một cách long trọng.

trieu_tien_don_han_quoc_olez.jpg
Vợ chồng Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (bìa phải và thứ 3 từ phải sang) đón tiếp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cùng phu nhân.

Hình ảnh trên được phát trực tiếp trên sóng truyền hình ở Hàn Quốc.

Cuộc gặp mới này giữa Tổng thống Moon và Nhà lãnh đạo Kim diễn ra vào thời điểm 4 tháng sau hai cuộc gặp thượng đỉnh trước đó giữa họ vào ngày 27/4 và ngày 26/5 tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm bên trong Khu phi quân sự giữa 2 miền Bán đảo Triều Tiên.

Đây cũng là cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều lần thứ 5 kể từ trước đến nay. Hai cuộc đầu tiên là vào năm 2000 và 2007, đều tổ chức ở Bình Nhưỡng.

Video Nhà lãnh đạo Triều Tiên đón Tổng thống Hàn Quốc tại sân bay  Bình Nhưỡng (nguồn: Washington Post):

Chuyến bay của ông Moon kéo dài một tiếng đồng hồ, xuất phát từ căn cứ không quân ở Seongnam, vùng thủ đô Seoul, Hàn Quốc vào lúc 8h55 (giờ địa phương). Chuyên cơ của ông chở theo khoảng 110 đại biểu và nhân viên công vụ Hàn Quốc.

Trước đó, vào ngày 16/9 một đoàn khoảng 90 quan chức Hàn Quốc đã tới Bình Nhưỡng, Triều Tiên.

Moon Jae-in là vị Tổng thống Hàn Quốc thứ 3 đặt chân lên thủ đô của Triều Tiên.

Hy vọng phá vỡ thế bế tắc Mỹ-Triều

Chuyến thăm của ông Moon diễn ra trong bối cảnh cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên về phi hạt nhân hóa đang lâm vào thế bế tắc.

Đàm phán phi hạt nhân hóa đã bị đình lại sau khi Tổng thống Mỹ Trump hủy một chuyến thăm theo lịch trình của Ngoại trưởng Mỹ tới Triều Tiên. Ông Trump đưa ra lý do là thiếu tiến bộ trong tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cho hay, trong chuyến thăm Triều Tiên 3 ngày, ông sẽ nỗ lực trung gian để tạo đột phá trong cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa này.

Gặp gỡ một nhóm chuyên gia về Triều Tiên và các cố vấn đặc biệt vào tuần trước, Tổng thống Moon tuyên bố: “Một mục tiêu là tiếp tục phát triển quan hệ liên Triều Triều. Mục tiêu khác bao gồm thúc đẩy đối thoại Triều-Mỹ hướng tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên”.

Sau khi rời khỏi Nhà Xanh (Phủ Tổng thống), ông Moon có nói rằng chuyến thăm của ông tới Triều Tiên sẽ là thành công nếu chuyến thăm này giúp tái khởi động đối thoại Mỹ-Triều Tiên.

Hôm 17/9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chia sẻ: “Tôi sẵn lòng thảo luận thẳng thắn với Chủ tịch Kim Jong-un để đạt tới một sự cân bằng giữa yêu cầu của Mỹ về phi hạt nhân hóa và đòi hỏi của Triều Tiên về việc từ bỏ chính sách thù địch và thực thi các giải pháp bảo đảm an ninh cho họ”.

Ông Moon tin tưởng: “Tôi tin rằng vấn đề phi hạt nhân hóa có thể tiến triển ở tốc độ nhanh nếu hai nhà lãnh đạo [Mỹ-Triều Tiên] có thể đối diện nhau một lần nữa và cùng thảo luận”.

Trong khi đó, cũng trong tháng 9 này, khi gặp đặc phái viên và cố vấn an ninh cấp cao của Tổng thống Moon ở Bình Nhưỡng, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-in đã tái xác nhận cam kết của mình đối với việc phi hạt nhân hóa. Ông Kim bày tỏ hy vọng sẽ hoàn thành việc phi hạt nhân hóa trước khi nhiệm kỳ 4 năm của Tổng thống Trump kết thúc vào tháng 1/2021.

Sau đó, ông Kim gửi cho ông Trump một lá thư mà Nhà Trắng coi là “rất ấm áp và tích cực”. Lá thư này có thể là điều khiến Tổng thống Trump xem xét tổ chức Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 với Nhà lãnh đạo Kim.

Hòa ước trong tầm tay?

Cả ông Moon và Kim đều thể hiện quyết tâm chấm dứt chính thức Chiến tranh Triều Tiên. Điều này cần đến sự hợp tác của Mỹ và Trung Quốc vì đây là các bên tham gia cuộc chiến trên. Nhưng các chuyên gia cho rằng không có điều nào có thể ngăn cản bản thân Hàn Quốc và Triều Tiên tự tuyên bố chấm dứt chiến tranh và ký kết một hiệp ước hòa bình song phương.

Giới chuyên gia còn dự đoán trong Thượng đỉnh liên Triều lần 3 của năm 2018 này, Bình Nhưỡng sẽ muốn thu hút thêm cả đầu tư của Hàn Quốc.

Truyền thông Triều Tiên hôm 18/9 đã gọi cuộc gặp thượng đỉnh lần này là “cơ hội tốt” để cải thiện quan hệ giữa hai miền Bán đảo Triều Tiên.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) viết: “Thượng đỉnh Bình Nhưỡng nhằm thực hiện Tuyên bố Bàn Môn Điếm về hòa bình, thịnh vượng, và thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên sẽ mang lại cơ hội quan trọng trong thúc đẩy phát triển quan hệ liên Triều, tạo ra trang sử mới”.

Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, đã đổ lỗi cho Mỹ về thế bế tắc hiện nay trong đàm phán phi hạt nhân hóa giữa đôi bên. Tờ này kêu gọi Washington từ bỏ các yêu cầu đơn phương của họ và hợp tác với Triều Tiên trong việc tuyên bố chính thức chấm dứt hoàn toàn Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, vốn chỉ tạm kết thúc bằng một hiệp định đình chiến.

Bài bình luận của tờ Rodong Sinmun cho rằng yêu cầu của Mỹ là không hợp lý khi ép Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân theo phương thức kiểm chứng được, không thể đảo ngược và hoàn toàn trước khi nói tới các vấn đề khác.

Báo Triều Tiên cũng nêu lại một số việc “thiện chí” mà nước này đã làm sau Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên: ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, dỡ bỏ một cơ sở thử hạt nhân, và phóng thích các công dân Mỹ bị bắt ở Triều Tiên./.