Trưởng phái đoàn cấp cao Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên sang tham dự lễ bế mạc Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 tại Hàn Quốc Kim Yong-chol hôm 25/2 tuyên bố với Tổng thống nước chủ nhà Hàn Quốc Moon Jae-in rằng, Triều Tiên sẵn sàng tiến hành đàm phán với Mỹ. Đây được cho là một thông tin tốt lành khép lại Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 được dư luận cả thế giới quan tâm với tinh thần hòa bình và hòa giải.

be_mac_olympic_muev.jpg
Bế mạc Thế vận hội PyeongChang. Ảnh: Reuters.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, đoàn đại biểu Triều Tiên cho biết, sự phát triển trong mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên cần phải song song với sự phát triển trong mối quan hệ giữa Mỹ và Hàn Quốc và Triều Tiên có đủ ý định tiến hành đối thoại với Mỹ. Đây là cuộc gặp thứ hai của Tổng thống Moon Jae-in với các quan chức Triều Tiên trong vòng 2 tuần qua, diễn ra ngay trước lễ bế mạc Thế vận hội. 

Phản ứng về tuyên bố đối thoại của Triều Tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đang phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc trong một lập trường phản ứng thống nhất với Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh cải thiện quan hệ liên Triều không thể tách rời việc giải quyết chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Nhà Trắng hôm 25/2 cũng cho rằng đang xem xét liệu thông điệp của Triều Tiên đưa ra có phải là bước đi đầu tiên hướng đến con đường phi hạt nhân hóa hay không. Bất cứ các cuộc đối thoại nào cũng phải dẫn đến việc chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên và Mỹ vẫn tiếp tục các sức ép về kinh tế nhằm vào Triều Tiên.

Thế vận hội Mùa đông PyeongChang lần này được coi là một cú hích giúp cải thiện quan hệ liên Triều sau một thời gian dài căng thẳng, với các cuộc tiếp xúc giữa hai bên và đang tiến dần đến một cuộc gặp thượng đỉnh song phương. Tuy nhiên, Lễ bế mạc đã bị phủ bóng bởi bước đi của Mỹ nhằm vào Triều Tiên với các biện pháp trừng phạt được coi là mạnh mẽ nhất.

Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders tuyên bố: “Mỹ sẽ tiếp tục chiến dịch gia tăng sức ép tối đa nhất. Các biện pháp trừng phạt mới nhất là mạnh nhất với hi vọng Triều Tiên sẽ bắt đầu hướng đến việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Chính quyền Tổng thống Trăm sẽ tiếp tục các sức ép tối đa với Triều Tiên”.

Những biện pháp trừng phạt của Mỹ, cùng cảnh báo về “giai đoạn 2” trong chiến lược của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào Triều Tiên, khiến một số ý kiến tại Hàn Quốc và Mỹ có nhận định khá thận trọng về tuyên bố đối thoại của Triều Tiên. Một số người cho rằng, bước đi của Triều Tiên đơn thuần chỉ là tìm kiếm các biện pháp giúp giảm nhẹ trừng phạt kinh tế và có thêm thời gian phát triển vũ khí hạt nhân. 

Tuy nhiên, khó có thể không lạc quan khi đây là tín hiệu thiện chí khá hiếm hoi của Triều Tiên với Mỹ và có thể là phản hồi tích cực của Triều Tiên sau những tín hiệu của chính quyền Tổng thống Trump sẵn sàng đối thoại. Giới quan sát còn cho rằng, mặc dù hướng tới đối thoại liên Triều, Hàn Quốc vẫn phải đối mặt với sức ép cân bằng quan hệ với đồng minh Mỹ trong cách tiếp cận với Triều  Tiên. Thúc đẩy đối thoại với Mỹ có thể là nỗ lực của Triều Tiên đảm bảo tiến trình cải thiện liên Triều được tiếp diễn. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 25/2 cũng kêu gọi khẩn cấp tổ chức đối thoại giữa Triều Tiên và Mỹ, để làm nền tảng cho việc giải quyết các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên và cải thiện mối quan hệ liên Triều. 

Hiện cũng có nhiều hi vọng về việc sẽ diễn ra các cuộc thảo luận sơ bộ giữa quan chức Mỹ- Triều Tiên sau lễ bế mạc Thế vận hội lần này. Đặc biệt, khi Hàn Quốc công bố danh sách đầy đủ  đoàn đại biểu của Triều Tiên bao gồm Phó Giám đốc Cơ quan phụ trách các vấn đề Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choi Kang Il. Đoàn đại biểu Triều Tiên dự kiến rời Hàn Quốc vào ngày 27 tháng 2, trong khi đoàn đại biểu Mỹ sẽ rời Seoul trong ngày 26/2.

Tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Mỹ được cho là cái kết đẹp cho Thế vận hội PyeongChang mùa Đông năm nay theo đúng tinh thần hòa bình mà nước chủ nhà hướng tới. Tuy nhiên, để Thế vận hội năm nay là sự khởi đầu cho những điều giá trị hơn nữa như mong muốn của Chủ tịch Thế vận hội Quốc tế Thomas Bach, thì cần nỗ lực và thành ý của tất cả các bên, đặc biệt trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên đang bước vào giai đoạn nhạy cảm với sức ép gia tăng trừng phạt của Mỹ và các cuộc tập trận quân sự Mỹ- Hàn sắp diễn ra./.