Sáng sớm nay (5/1), Triều Tiên được cho là đã phóng một tên lửa đạn đạo. Đây là vụ phóng tên lửa đầu tiên của Triều Tiên trong năm nay, diễn ra chỉ vài ngày sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố sẽ tăng cường năng lực quân sự quốc gia và giữa lúc bế tắc ngoại giao kéo dài xung quanh chương trình hạt nhân của nước này.

Trong một tuyên bố, Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết, nước này nghi ngờ Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo về phía bờ biển phía Đông. Giới chức tình báo Hàn Quốc và Mỹ đang cố gắng phân tích thêm thông tin về vụ phóng tên lửa.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng cho rằng, Triều Tiên có khả năng đã phóng tên lửa. Thủ tướng Fumio Kishida đã bày tỏ lấy làm tiếc về động thái của Triều Tiên. Ông đồng thời yêu cầu các quan chức nước này thực hiện những biện pháp triệt để nhằm đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và máy bay, cũng như chuẩn bị đầy đủ cho các tình huống bất ngờ.

 “Kể từ năm 2020, Triều Tiên đã liên tục phóng tên lửa. Điều này là rất đáng tiếc. Chính phủ Nhật Bản hơn bao giờ hết sẽ cảnh giác và tăng cường giám sát đối với Triều Tiên. Chúng tôi đang cố gắng nhanh chóng xem xét các chi tiết của vụ phóng này", ông Fumio Kishida nói.

Đây là vụ phóng tên lửa đầu tiên của Triều Tiên sau loạt vụ thử nghiệm vũ khí mới hồi tháng 9 và 11/2021 vừa qua, bao gồm cả tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Một số chuyên gia cho rằng, Triều Tiên đang tìm cách gia tăng áp lực để nhận được sự công nhận là một cường quốc hạt nhân, cũng như giảm nhẹ các lệnh trừng phạt quốc tế.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden nhiều lần cho biết sẵn sàng nối lại ngoại giao hạt nhân với Triều Tiên ở “bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào” mà không cần điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên, Triều Tiên tới nay đều bác bỏ, đồng thời nhấn mạnh thái độ thù địch của Mỹ vẫn không thay đổi.

Trên thực tế, tiến trình ngoại giao do Mỹ dẫn đầu nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân đã lâm vào bế tắc kể từ năm 2019 do những tranh cãi về mức độ phi hạt nhân hóa của Triều Tiên cũng như mức độ giảm nhẹ trừng phạt đối với nước này.

Phát biểu vào tuần trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã một lần nữa khẳng định cam kết tăng cường năng lực quân sự quốc gia và ra lệnh sản xuất các hệ thống vũ khí mạnh mẽ, tinh vi hơn. Trong khi đó truyền thông nhà nước cho biết Triều Tiên đã đưa ra “các định hướng chiến thuật” cho các mối quan hệ đối ngoại của Triều Tiên, bao gồm cả với Hàn Quốc, nhưng không nêu chi tiết và đặc biệt không đề cập đến Mỹ.

Thời gian qua, Hàn Quốc và Mỹ đang tích cực thúc đẩy một tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) nhằm tạo đột phá ngoại giao với Triều Tiên. Theo Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, nước này quyết tâm theo đuổi mục tiêu bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên.

“Hàn Quốc sẽ theo đuổi đến cùng con đường hòa bình không thể đảo ngược chừng nào vẫn còn cơ hội. Hiện là thời điểm mà ý chí và sự hợp tác của Hàn Quốc và Triều Tiên là quan trọng nhất. Nếu chúng ta nối lại đối thoại và hợp tác, cộng đồng quốc tế cũng sẽ ủng hộ", ông Moon Jae In nêu rõ.

Dẫu vậy, vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên đã một lần nữa cho thấy nỗ lực của các bên vẫn chưa đạt được điểm chung và vẫn còn một chặng đường dài phía trước để đi tới một nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên./.