Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 18/1 hối thúc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khôi phục các cuộc điều tra quốc tế nhằm tìm ra thủ phạm gây ra các vụ tấn công hóa học tại Syria.
Hiện trường vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria. Ảnh: ABC News. |
Những tranh cãi về vũ khí hóa học Syria một lần nữa được “khơi lại” sau hai lần Nga sử dụng quyền phủ quyết của mình để phản đối việc gia hạn sứ mệnh của Cơ chế điều tra chung (JIM) của Tổ chức Cấm vũ khí hạt nhân và Liên Hợp Quốc tại Syria. Đây sẽ bước cản lớn đối với vòng hòa đàm Syria sắp tới, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 25 và 26/1.
Phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Tổng thư ký Antonio Guterres cho biết, việc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến tranh 7 năm tại Syria là thách thức nghiêm trọng đối với quyết tâm chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của quốc tế. Nếu việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria một lần nữa được xác định, cộng đồng quốc tế cần tìm ra một phương pháp thích hợp để xác định đối tượng phải chịu trách nhiệm về vụ việc.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley trong tháng 1/2018 đã gửi một bức thư cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc bày tỏ ý muốn bác bỏ sự phản đối của Nga về việc gia hạn sứ mệnh điều tra vũ khí hóa học tại Syria.
Hãng tin AFP tiết lộ, bức thư này cho rằng, sự lập luận của Nga là “gây hiểu lầm, không chuyên nghiệp, thiếu nhất quán và có một số sai sự thật”. Bà Nikki Haley khẳng định, trên phương diện quốc tế, Nga cần phải buộc đồng minh Syria của mình chịu trách nhiệm về những hành động mà họ gây ra.
Về phần mình, Đại sứ Pháp tại Liên hợp quốc Francois Delattre cho biết, Pháp sẽ tổ chức một cuộc họp quốc tế tại thủ đô Paris vào ngày 23/1 tới, với sự tham dự của khoảng 30 quốc gia, nhằm thúc đẩy sự hợp tác quốc tế một cách chặt chẽ hơn để chống lại việc sử dụng vũ khí hóa học một cách bừa bãi.
Ông Francois Delattre cho rằng, quốc tế cần bảo vệ các bằng chứng về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria để đưa những người chịu trách nhiệm ra trừng phạt. Mục đích là không để tái diễn các trường hợp tấn công tương tự tại quốc gia Trung Đông này.Sa đà vào cuộc chiến Syria, Mỹ sẽ hứng chịu hậu quả khôn lường?
Phản ứng trước các tuyên bố trên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, Nga luôn quan tâm và tỏ ra quan ngại về các vụ tấn công hóa học tại Syria. Tuy nhiên, ông Sergei Lavrov cho rằng, các vụ tấn công này đến từ các tay súng “khủng bố” mà lực lượng chính phủ Syria cũng là một “nạn nhân”.
“Chúng ta phải nhớ rằng những rủi ro thực sự của việc tấn công khủng bố hóa học đã diễn ra tại nhiều khu vực ở Trung Đông. Phần lớn các vụ tấn công đến từ các chiến binh nước ngoài thuộc một số nhóm cực đoan. Chúng ở Syria, Iraq và cả nước ngoài. Chúng có thể tiếp cận được các kỹ thuật tự sản xuất và sử dụng vũ khí hóa học trong vòng nhiều năm”, ông Lavrov nhấn mạnh.
Chủ đề “tấn công vũ khí hóa học” tại Syria là một chủ đề gây tranh cãi trong vài năm trở lại đây.
Trong khi Mỹ và đồng minh phương Tây cáo buộc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học tại một số cuộc giao tranh cụ thể, điển hình nhất là tại thị trấn Khan Sheikhoun, hồi tháng 4/2017 thì Nga và Syria lên tiếng phủ nhận tất cả và cho rằng khí độc hóa học đến từ các kho vũ khí do lực lượng nổi dậy kiểm soát.
Ngày 17/1 vừa qua, chính phủ Syria đã cáo buộc lực lượng khủng bố đã tấn công họ bằng khí độc Clo tại tỉnh Idlib, khiến nhiều binh sĩ nước này nhiễm độc và thiệt mạng.
Những tranh cãi về vũ khí hóa học tại Syria sẽ tiếp tục nóng trong thời gian tới đang làm phức tạp thêm những diễn biến căng thẳng trên thực địa Syria trong bối cảnh vòng hòa đàm giữa chính phủ và lực lượng đối lập sắp diễn ra với sự trung gian của Liên Hợp Quốc. Giới quan sát lo ngại, đây có thể là bước cản lớn đối với vòng hòa đàm này./.Nga tố phương Tây làm ngơ cho khủng bố dùng vũ khí hóa học tại Syria
Chính phủ Syria bất ngờ trở lại đàm phán hòa bình tại Vienna (Áo)