Thời còn là ứng viên Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump phàn nàn rằng chính quyền Barack Obama nói quá nhiều về thời điểm và địa điểm mà họ sẽ tấn công tổ chức Hồi giáo cực đoan IS ở Iraq và do vậy làm mất yếu tố bất ngờ trên phương diện quân sự.
Thế nhưng vừa rồi ông Trump lại không hề úp mở về khả năng mở một cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng quân sự của Tổng thống Syria al-Assad để đáp trả nghi án tấn công hóa học ở ngoại ô Damascus.
Hôm 11/4, Tổng thống Trump lên mạng xã hội Twitter và tung ra lời đe dọa cụ thể của mình: “Nga thề sẽ bắn hạ bất cứ và tất cả các quả tên lửa phóng vào Syria. Hãy chuẩn bị đi Nga ơi, các quả tên lửa đó sẽ phóng tới, rất mới và thông minh. Các vị đừng có làm đối tác của kẻ đi sát hại chính người dân nước mình!”.
>> Xem thêm: 3 điểm nói hớ của ông Trump trong đoạn tweet về Syria
Vậy ông Trump có tự mâu thuẫn với chính mình khi công bố trước về cuộc tấn công của quân đội Mỹ?
Vẫn trong khuôn khổ
Theo các chuyên gia quân sự, cả ông Trump và ông Obama đều không mắc lỗi vi phạm nguyên tắc bất ngờ quân sự - điều đặc biệt quan trọng đối với thành công của một chiến dịch quân sự.
Có sự khác biệt giữa một bên là tuyên bố mục tiêu chính sách tổng thể - chẳng hạn, Mỹ sẽ không ngồi yên nếu vũ khí hóa học đã thực sự được sử dụng, vi phạm các thông lệ quốc tế, và một bên là việc nói cho đối phương khi nào và ở đâu cuộc tiến công sẽ diễn ra.
Tướng lục quân Mỹ về hưu Michael Barbero nói rằng cả Tổng thống Trump và người tiền nhiệm Obama đều nằm trong giới hạn khi cảnh báo trước cho đối phương về các cuộc tấn công.
Tướng Barbero nói: “Tôi nghĩ rằng họ cùng tuyên bố các mục tiêu và quan điểm chính sách” mà không làm lộ các bí mật có thể giúp đối phương chống đỡ một cuộc tấn công. “Tôi không cho rằng họ đã làm mất yếu tố bất ngờ, vốn rất quan trọng đối với thắng lợi trên chiến trường”.
Giữ bí mật ở cấp chiến dịch
Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã đưa khái niệm trên vào trong chiến lược quốc phòng của Lầu Năm Góc.
Ông Mattis nói rằng Mỹ có thể công khai chính sách và cam kết của mình với cả bạn bè và kẻ thù nhưng về khía cạnh tác chiến, vẫn phải dựa vào yếu tố bất ngờ.
>> Xem thêm: Các mục tiêu mà Mỹ có thể tấn công ở Syria
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ viết: “Có thể để người ngoài dự đoán được về mình ở cấp chiến lược, nhưng hãy giữ cho mình không thể bị họ dự đoán được ở cấp chiến dịch”.
Kiểu tấn công mà chính quyền Trump đang xem xét sẽ đòi hỏi ít mức độ bí mật hơn so với các chiến dịch quân sự khác. Cuộc tiến công này có thể sẽ được họ thiết kế nhằm gửi đi một thông điệp mà không cần phải hủy diệt chế độ của Tổng thống Syria Assad.
Michael O’Hanlon, một nhà phân tích tại Viện Brookings - một cơ sở nghiên cứu về chính sách công ở Washington, chia sẻ: “Chúng tôi không thực sự muốn đánh bại ông Assad về mặt quân sự. Đối với đòn tấn công cụ thể này, bí mật không có nhiều ý nghĩa lắm”.
Lo sợ phiến quân Hồi giáo sẽ vùng lên lấp chỗ trống
Một cuộc tấn công quy mô lớn hơn có nguy cơ lật đổ luôn chính thể của ông Assad, mà điều này lại tạo ra khoảng trống quyền lực khiến các phiến quân Hồi giáo cực đoan đổ về đây. Washington muốn loại bỏ ông Assad thông qua nỗ lực ngoại giao.
Tướng Barbero nhận định: Cuộc tấn công mà chính quyền Trump đang suy tính sẽ “mang tính biểu tượng” và được thiết kế chỉ để “gửi đi thông điệp”. Về mặt này, nếu ông Trump lại hạ lệnh đánh Syria, cuộc tấn công lần này sẽ lại giống cuộc không kích chống Syria mà Mỹ đã tiến hành vào năm 2017.
Lần đó, chính quyền Trump đã thông báo trước cho lực lương quân sự Nga tại đây để tránh tình trạng các binh sĩ Nga vô tình bị giết chết hoặc làm bị thương. Cuộc không kích giới hạn vào việc phá hủy các máy bay và tiêu diệt các lực lượng quân sự Syria có liên quan tới cáo buộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria năm đó. Chính quyền Trump muốn tránh làm nổ ra một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn ở Syria, nơi có mặt cả các lực lượng Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ./.
“Nếu Mỹ không kích Syria, Nga sẽ coi đó là tội ác chiến tranh”