Khi chạy đua vào Nhà Trắng, ông Trump cáo buộc Trung Quốc là “nhà vô địch” thao túng tiền tệ và thề sẽ đáp trả thích đáng. Ứng viên Tổng thống Donald Trump lúc đó cũng chỉ trích Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là “lỗi thời” và bày tỏ hy vọng xây dựng được mối quan hệ nồng ấm với Nga.

Tất cả dường như thay đổi “chỉ trong một đêm”.

Video: Tổng thống Donald Trump cho biết ông và TTK NATO nhất trí rằng để giải quyết các thách thức an ninh, mọi thành viên NATO cần phải đảm bảo đóng góp 2% GDP cho quốc phòng. (Nguồn: AFP)

NATO “không còn lỗi thời nữa”

Ngày 12/4, Tổng thống Donald Trump đã đảo ngược nhận định NATO “lỗi thời”, một lập trường từng làm các đồng minh của Mỹ hoảng hốt.

Đón Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Nhà Trắng, ông Trump cho rằng mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố đã làm nổi bật tầm quan trọng của mối quan hệ đồng minh.

Tại cuộc họp báo chung với Tổng thư ký NATO Stoltenberg, ông Trump cho biết: “Tổng thư ký NATO và tôi đã có một cuộc thảo luận hiệu quả về việc NATO có thể làm gì hơn nữa trong cuộc chiến chống khủng bố”.

Ông Trump ca ngợi NATO vì đã thích nghi với sự thay đổi của các mối đe dọa toàn cầu song cũng nhắc lại lời kêu gọi các thành viên NATO đóng góp nhiều hơn cho quỹ của liên minh.

“Tôi đã than phiền về việc đó từ rất lâu và họ đã thay đổi, giờ thì họ thực sự chống khủng bố”, ông Trump nói. “Tôi đã nói nó [NATO] lỗi thời. Giờ thì nó không như thế nữa”.

“Nếu các nước khác chi trả phần của họ một cách công bằng thay vì dựa vào Mỹ để tạo nên sự khác biệt thì tất cả chúng ta đều sẽ được an toàn hơn rất nhiều”, Tổng thống Mỹ bày tỏ tin tưởng.

Tuy nhiên, việc đảo ngược lập trường về NATO không phải là sự thay đổi duy nhất mà ông Trump thể hiện trong ngày 12/4.

Quan hệ với Nga “chạm đáy”?

6 tháng trước, ông Trump tuyên bố sẵn sàng kết đồng minh với Tổng thống Nga Vladimir Putin. “Nếu ông ấy nói những điều tốt đẹp về tôi. Tôi cũng sẽ nói những điều tốt đẹp về ông ấy”, ông Trump khẳng định hồi tháng 9/2016.

Thế nhưng chia sẻ với báo giới ngày 12/4, ông Trump bày tỏ quan ngại ngày càng sâu sắc về sự ủng hộ của Nga đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Trước đó, ngày 7/4, ông Trump đã ra lệnh oanh kích vào căn cứ không quân Syria để đáp trả vụ tấn công bằng chất độc hóa học nghi của chính quyền Assad ngày 4/4. Vụ oanh kích của Mỹ bị xem là đòn giáng gián tiếp vào Nga, đồng minh lớn nhất của ông Assad.

Cuộc gặp ngày 12/4 giữa ông Trump và Tổng thư ký NATO ở Nhà Trắng diễn ra chỉ vài giờ sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm Moscow.

“Mọi chuyện diễn ra khá tốt, có thể là tốt hơn dự đoán”, ông Trump nói về cuộc gặp giữa ông Tillerson và ông Putin. “Hiện giờ chúng tôi chẳng hòa hợp với Nga chút nào. Chúng tôi có thể đang ở điểm đáy trong lịch sử mối quan hệ với Nga.”

Việc Tổng thống Trump đảo ngược lập trường lúc tranh cử về Nga và NATO có thể khiến các đồng minh của Mỹ ở châu Âu an tâm.

Nhưng động thái xích lại gần Trung Quốc của ông có thể khiến các nước châu Á vốn quan ngại về sự trỗi dậy của Bắc Kinh, trong đó có những đồng minh của Mỹ, cảm thấy bối rối.

Sự gắn kết với ông Tập Cận Bình

Trong khi thừa nhận mối quan hệ với Nga đang ngày càng “chua chát” thì ông Trump khẳng định mối quan hệ với Trung Quốc dần được cải thiện.

Trả lời phỏng vấn Wall Street Journal, Tổng thống Mỹ “đột ngột” tuyên bố ông không gán cho Trung Quốc cái “mác” là một quốc gia thao túng tiền tệ nữa, bất chấp việc ông từng nhiều lần cam kết sẽ “xử lý” điều đó ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức.

Tổng thống Trump cho biết ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tạo được sự gắn kết sau chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình tuần trước, khi 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Trung có cuộc tiếp xúc thân mật và dùng bữa tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của gia đình Trump ở Florida. Lãnh đạo Mỹ - Trung đã có một sự khởi đầu tốt đẹp dù trước đó, ông Trump dự đoán các cuộc thảo luận về thương mại với ông Tập Cận Bình sẽ “rất khó khăn”.

Tổng thống Trump từng hứa hẹn một sự thay đổi chóng mặt trong chính sách đối ngoại khi lên nắm quyền nhưng ông Christine Wormuth, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dưới thời Tổng thống Barack Obama chỉ ra rằng, mọi chuyện dường như sẽ ở nguyên quỹ đạo của nó.

“Ông ấy bắt đầu có cách hiểu sâu sắc hơn về nhiều vấn đề”, ông Wormuth, nay là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế (CSIS), nhận định.

Sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của ông Trump được cho là thể hiện sức ảnh hưởng ngày càng ít đi của đội ngũ vận động tranh cử trong khi thu nạp ngày càng nhiều hơn quan điểm của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Cố vấn An ninh quốc gia H.R. McMaster, những người vốn hoài nghi với Nga./.