Những đòi hỏi mâu thuẫn của Tổng thống Trump

Tổng thống Mỹ Donlad Trump có lẽ không vui nhưng ông cũng không thể đổ lỗi cho EU vì đã lắng nghe mình trước đề xuất thành lập quân đội riêng châu Âu của Tổng thống Pháp Macron vì ông chủ Nhà Trắng từng không biết bao nhiêu lần nhắc lại việc EU cần tự chủ và bớt phụ thuộc vào Mỹ hơn.

tongthongtrump_lkmw.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters

Những tràng chỉ trích trên Twitter nhắm vào ông Emmanuel Macron của ông Trump khi Tổng thống Pháp muốn xây dựng quân đội riêng châu Âu để "bảo vệ chúng ta khỏi Trung Quốc, Nga và thậm chí là Mỹ" chỉ là sự kiện gần đây nhất trong hàng loạt những lời chỉ trích mạnh mẽ mà Tổng thống Trump dành cho các đồng minh châu Âu.

Tham vọng của ông Macron và bây giờ là Thủ tướng Đức Angela Merkel nhằm xây dựng một đội quân riêng của châu Âu đã phản ánh một thực tế: châu Âu nhận ra rằng lục địa này cần phải "tự lực cánh sinh" thay vì mãi dựa dẫm về an ninh vào Mỹ.

Và đó cũng chính xác là những gì Tổng thống Trump từng mong muốn.

2 năm sau chiến thắng bất ngờ của ông Trump, châu Âu bắt đầu chú ý một cách nghiêm túc tới Tổng thống Mỹ. Họ đã từ bỏ hy vọng rằng những quyết định của ông Trump chỉ là nhất thời hay những mối quan hệ cá nhân sẽ thay đổi chính sách của ông. Thay vào đó, các quốc gia chấp nhận thực tế rằng họ cần một châu Âu có khả năng phản ứng trước những thay đổi.

Vào lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến I tổ chức tại Paris vào cuối tuần trước, Tổng thống Pháp khẳng định quốc gia này ủng hộ chủ nghĩa đa phương và cho rằng "lòng yêu nước đối lập hoàn toàn với chủ nghĩa dân tộc". Trong khi đó, Tổng thống Trump công kích quan điểm này của châu Âu và hủy chuyến thăm khu tưởng niệm những người lính Mỹ tại nghĩa trang Aisne-Marne American ở Belleau, cách Paris 85km, với lý do thời tiết xấu và cử cấp dưới đi thay.

Các sự kiện này cũng diễn ra trong bối cảnh Diễn đàn Hòa bình Paris lần đầu tiên được tổ chức như một tham vọng thúc đẩy sự hợp tác của EU trên các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, giải trừ vũ khí hạt nhân và tham nhũng, đồng thời khẳng định tham vọng giữ vai trò lãnh đạo toàn cầu của châu lục này.

Sự thúc đẩy của ông Macron trong việc xây dựng quân đội châu Âu còn đại diện cho một nỗ lực lớn hơn của Tổng thống Pháp. Trong bối cảnh cuộc bầu cử châu Âu sắp diễn ra với nhiều điều khó đoán định, Tổng thống Macron muốn chứng minh rằng một EU vững mạnh và thống nhất có thể bảo vệ các công dân của mình.

Điều này giải thích tại sao Liên minh châu Âu cần những biên giới chung, chia sẻ ngân sách quốc phòng và thúc đẩy các chính sách thương mại chung nhằm khiến EU trở nên lớn mạnh hơn trên trường quốc tế. Mục tiêu này, theo như lời của chính Tổng thống Pháp là "một EU có thể tự bảo vệ chính mình mà không cần phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ và có thể tự chủ hơn".

Tổng thống Trump có lẽ nên chào đón ý tưởng này khi mà cả ông và các đời Tổng thống Mỹ trước đó luôn lặp đi lặp lại quan điểm rằng Mỹ đang chi quá nhiều tiền để bảo vệ các đồng minh EU giàu có.

Hiện EU và đặc biệt là Pháp cuối cùng đã lắng nghe quan điểm này với đề xuất thành lập một đội quân riêng của châu Âu.

EU muốn mối quan hệ bình đẳng hơn với Mỹ

Năm 2017, ông Macron đã thúc đẩy các chính sách nhằm chia sẻ quân đội giữa các nước châu Âu nhằm thúc đẩy sự hội tụ của "các nền văn hóa chiến lược" trong EU. Ở mức độ rộng hơn, những nỗ lực của EU như việc thực hiện Thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng (PESCO) và Quỹ Quốc phòng EU đã giúp chia sẻ các nguồn lực giữa các quốc gia. Chi phí dành cho quốc phòng cũng tăng lên trên toàn châu lục.

Tóm lại, châu Âu đã nhận ra những vấn đề về an ninh mà quốc gia này phải đối mặt như những lo ngại về Nga, các cuộc tấn công khủng bố và cuộc khủng hoảng người tỵ nạn. Ngoài ra, chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump cũng làm tăng thêm sự bất an ngày càng lớn trong EU.

"Sự thay đổi sang chủ nghĩa cô lập, thay vì chủ nghĩa đa phương, không phải là mới", ông Macron khẳng định với các Đại sứ trong một bài phát biểu hồi tháng 8/2018.

Từ chính sách không can thiệp của ông Obama tới việc Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran khiến các công ty EU phải rút khỏi Iran đã nhấn mạnh đến sự yếu đuối và sự phụ thuộc quá mức của EU vào Washington.

Đó là lý do tại sao Pháp không coi nỗ lực tăng cường sự độc lập về an ninh của EU là một sự cạnh tranh với NATO. Mục tiêu cuối cùng của nỗ lực này là tạo nên một mối quan hệ đối tác bình đẳng hơn với Mỹ về lâu dài.

Điều này sẽ cần nhiều hơn một vài bài phát biểu. Tại diễn đàn Paris với sự tham dự của các đại biểu cấp cao, các vấn đề về Syria, Ukraine và Libya đều không được đề cập. Điều này cũng không có nhiều ngạc nhiên nhưng cũng cho thấy một thực tế rằng châu Âu cần có một lực lượng đáp ứng những đòi hỏi về mặt quân sự của EU.

Bất chấp các cuộc công kích của ông Trump với đồng minh, quân đội Mỹ vẫn phải gánh vác nhiệm vụ đảm bảo vùng Đông Âu tránh khỏi sự ảnh hưởng của Nga. Và tại EU, con đường hàn gắn những chia rẽ trong nhiều vấn đề khác nữa như di cư và các vấn đề tài chính quốc gia vẫn là một hành trình dài nhiều khó khăn.

Triển vọng của một châu Âu “tự lực cánh sinh”

Thực tế thì, một số nhà lãnh đạo châu Âu từ giữa thế kỷ 20 đã coi sự thống nhất của châu lục này là câu trả lời cho các vấn đề. Thủ tướng Anh Winston Churchill từng khẳng định năm 1946 rằng "Chúng ta phải xây dựng Hợp chúng quốc châu Âu". Với quan điểm này, một số "cộng đồng" đã ra đời gắn kết các nước châu Âu lại với nhau. Mở đầu là Cộng đồng Than thép châu Âu năm 1952 và sau đó hàng loạt hiệp định đã tạo ra nhiều "cộng đồng" hơn trong những năm tiếp theo. Các cộng đồng này đều tăng cường sự thống nhất của châu Âu và cuối cùng dẫn tới sự ra đời của Liên minh châu Âu EU qua Hiệp ước Masstricht năm 1993.

Dù vậy, một số cộng đồng, chẳng hạn như Cộng đồng Quốc phòng châu ÂU (EDP) đã thất bại. Mục đích của cộng đồng này, như những gì được ghi trong Hiệp ước năm 1952 là để "đảm bảo an ninh của các nước thành viên theo khung Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương". Hiệp ước được đề xuất này đã thất bại năm 1954 bởi Quốc hội Pháp coi trọng chủ quyền của quốc gia này hơn là một "liên bang" châu Âu nên đã từ chối phê chuẩn hiệp ước thành lập cộng đồng này.

Một điều có vẻ trớ trêu là Tổng thống Pháp hiện lại đang nỗ lực thúc đẩy ý tưởng thành lập quân đội châu Âu nhưng điều đáng nói là lần này, ý tưởng đó không phải là một sai lầm. Một quân đội của riêng châu Âu sẽ củng cố các cam kết trong tương lai và chi trả ngân sách của EU cho NATO mà không làm suy giảm các lợi ích của Mỹ.

Châu Âu thành lập quân đội riêng sẽ đem lại lợi ích hay tổn hại cho Mỹ? Câu trả lời cho vấn đề này có lẽ vẫn cần thời gian giải đáp nhưng một trong những vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là chủ nghĩa Hoài nghi châu Âu đang khiến các nước thành viên trong EU khó lòng sẵn sàng hy sinh quá nhiều chủ quyền quốc gia của mình. Việc Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo sẽ không tái tranh cử cùng với các cuộc thảo luận về việc thành lập quân đội riêng châu Âu đặt Tổng thống Pháp Macron vào vị trí của một nhà lãnh đạo chèo lái con thuyền EU đầy triển vọng nhưng cũng vô vàn những khó khăn và thách thức./.