Reutersngày 12/3 dẫn nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết trông đợi cuộc gặp chưa từng có giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra nếu Bình Nhưỡng giữ lời hứa mặc dù cho đến nay, Triều Tiên vẫn chưa đưa ra bình luận công khai về khả năng có một cuộc gặp thượng đỉnh với phía Mỹ.

kim_jong_un_donald_trump_cxae.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải). Ảnh: Getty.

Một phái đoàn của Hàn Quốc đến thăm Triều Tiên hồi tuần trước đã nói rằng ông Kim Jong-un bày tỏ mong muốn gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in để thảo luận về phi hạt nhân hóa. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông của Triều Tiên có đưa tin về chuyến thăm của phái đoàn Hàn Quốc nhưng không thông tin chi tiết về nội dung đàm phán.

Khi được hỏi liệu sự im lặng của Triều Tiên có đồng nghĩa với việc cơ hội gặp gỡ giữa ông Trump và ông Kim sẽ không trở thành sự thật, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders nói: "Chúng tôi hoàn toàn mong đợi cuộc gặp sẽ thành hiện thực”.

“Đề nghị được đưa ra và chúng tôi đã chấp nhận. Triều Tiên thực hiện một số cam kết, chúng tôi hy vọng rằng họ sẽ tuân thủ những cam kết đó và nếu như vậy, cuộc gặp sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch”, bà Sanders cho biết.

Lý giải sự im lặng của Triều Tiên

Trước đó, Hàn Quốc cho biết, sự im lặng của Triều Tiên đối với cả Mỹ và Hàn Quốc có thể là do thận trọng trong công tác chuẩn bị cho các cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết Washington muốn nghe trực tiếp từ Bình Nhưỡng.

“Chúng tôi chưa nhận được phản hồi chính thức từ phía chính quyền Triều Tiên về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều. Tôi cảm thấy họ đang tiếp cận vấn đề này một cách thận trọng và họ cần thời gian để tổ chức”, ông Baik Tae-hyun, phát ngôn viên của Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói.

Ngoại trưởng Mỹ Tillerson thì nói rằng có vài bước đi cần phải được nhất trí như về địa điểm, thành phần tham dự. Theo ông Tillerson, cuộc gặp cần thiết phải được tổ chức ở một địa điểm “trung lập”.

“Chúng tôi chưa được nghe bất kỳ điều gì trực tiếp từ phía Triều Tiên nhưng chúng tôi mong đợi sẽ nghe thấy điều gì đó trực tiếp từ phía họ”, Ngoại trưởng Mỹ nói khi đang có chuyến thăm Nigeria.

Trong một động thái đầy bất ngờ hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý tổ chức cuộc gặp đầu tiên với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Cuộc gặp này dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5/2018, sau hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều trong tháng 4/2018.

Tin tức về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều được mô tả “gây chấn động” là sự thay đổi mạnh mẽ sau những lo ngại chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên liên quan đến chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Fox News tối 12/3, khi được hỏi liệu có khả năng Triều Tiên phi hạt nhân hóa, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trả lời đầy ẩn ý: “Chúng ta sẽ thấy, như Tổng thống vẫn thường nói”.

Tuy nhiên, ông Pence gọi đề xuất của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngừng thử tên lửa và hạt nhân trong khi không phản đối các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn là “bước tiến đáng kể” và là kết quả của cách tiếp cận đầy cứng rắn của chính quyền Trump.

“Ông ấy [Tổng thống Trump-ND] gây áp lực kinh tế và ngoại giao chưa từng thấy lên Triều Tiên và bước đột phá này là kết quả từ sự lãnh đạo đầy mạnh mẽ mà Tổng thống đã thể hiện trên trường quốc tế”, ông Pence nói.

Được biết, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ gặp nhau ở làng đình chiến Panmunjom (Bàn Môn Điếm) nằm giữa biên giới hai nước. Tuy nhiên, địa điểm cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều cho đến nay vẫn chưa được quyết định.

Cơ hội chỉ có một lần trong đời

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ HR McMaster đã có cuộc họp kín với phái viên các nước tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tại New York, vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhất trí tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Phát biểu với phóng viên sau cuộc họp, ông McMaster nói: "Tất cả đều nhất trí rằng chúng ta lạc quan về cơ hội này. Nhưng chúng ta kiên quyết duy trì chiến dịch gây sức ép tối đa cho đến khi thấy lời nói đi đôi với việc làm và đạt được tiến triển thực sự hướng tới giải trừ vũ khí hạt nhân”.

Đại sứ Hàn Quốc tại Liên Hợp Quốc Cho Tae-yul, người đã tham dự cuộc họp báo của ông McMaster đã mô tả kế hoạch đàm phán với Triều Tiên như cơ hội “chỉ có một lần trong đời”.

Các quan chức Hàn Quốc, những người đã gặp ông Kim và tới Washington hồi tuần trước hôm qua (12/3) lại có mặt ở Bắc Kinh, gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để bàn về những tiến triển trong giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Tại Đại Lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với ông Chung Eui-yong - Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia Phủ Tổng thống, Đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in rằng có một cơ hội cho các cuộc đàm phán.

Các phương tiện truyền thông Nhà nước của Trung Quốc dẫn lời ông Tập nói: “Các bên phải hết sức kiềm chế, chú tâm và thể hiện được sự khôn khéo về mặt ngoại giao để có thể đối mặt và loại trừ mọi vấn đề cũng như những nhân tố can thiệp vào tiến trình đối thoại để có thể nối lại tiến trình này”.

Ông Tập cho biết, Trung Quốc mong muốn đàm phán suôn sẻ giữa hai miền Triều Tiên và giữa Mỹ với Triều Tiên cũng như có những tiến bộ đáng kể trong quá trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và bình thường hóa quan hệ.

Trong khi Hàn Quốc tích cực triển khai các hoạt động ngoại giao “dọn đường” thì Nhật Bản tỏ ra hoài nghi và cảnh báo rằng “đàm phán suông” sẽ không thể chấp nhận được.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono cho biết sau cuộc gặp với ông Suh Hoon Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc rằng Tokyo và Seoul nhất trí rằng cần phải duy trì áp lực tối đa lên Triều Tiên cho tới khi nước này có hành động cụ thể để giải quyết những lo ngại về chương trình vũ khí.

Ông Kono từ chối bình luận về hai cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới nhưng Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc) trích dẫn lời ông Moon Jae-in cho rằng những đột phá dẫn tới khả năng tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên gần như “phép lạ”.

Các phương tiện truyền thông của Triều Tiên thì ca ngợi sự tan băng trong quan hệ với Hàn Quốc. Bình Nhưỡng tiếp tục cảnh báo Washington và Tokyo không có hành động gây chiến nhưng những lời lẽ được đưa ra cũng đã mềm đi rất nhiều so với những lời lẽ đe dọa căng thẳng cao độ hồi năm ngoái./.