Hậu thuẫn Tổng thống Bashar Assad giành lại phần lớn lãnh thổ Syria, Nga trở thành một nhân tố quan trọng có tầm ảnh hưởng tại quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, chiến thắng chưa phải là tất cả và những thế khó về mặt ngoại giao khiến Tổng thống Putin vẫn còn không ít thách thức cần giải quyết nếu không muốn những thành quả quân sự đạt được trong suốt thời gian qua "đổ sông, đổ bể".

tongthongassadgianhchienthangngavankhongyenosyria_rylz.jpg
Tổng thống Nga Putin bắt tay với Tổng thống Syria Assad. Ảnh: AP

“Cú ngáng đường” của Mỹ vào phút chót

Kế hoạch ban đầu mà Nga đưa ra để giải quyết tình hình ở Syriacó vẻ rất tuần tự và hợp lý. Theo đó, Nga sẽ rút một số binh lính khỏi Syria, giải quyết những vấn đề liên quan đến các lực lượng nổi dậy tại tỉnh Idlib qua những phương tiện ngoại giao, chủ yếu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, triệu tập một ủy ban thành lập Hiến pháp với sự tham gia của các cố vấn Nga, chọn ngày bầu cử và bắt đầu tái kiến thiết Syria. Các nội dung trong kế hoạch này đã được Iran, Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí trong một Hội nghị Thượng đỉnh hồi tháng 9/2018 và được Tổng thống Assad cũng như một số lực lượng nổi dậy đồng ý.

Tuy nhiên, mọi thứ đã không diễn ra như dự kiến ban đầu khi tháng 12/2018, Tổng thống Trump tuyên bố rút quân khỏi Syria nhưng sau đó lại không thực hiện theo thông báo này. Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có một hố sâu ngăn cách về quan điểm và giải pháp liên quan đến lực lượng người Kurd ở Syria. Tổng thống Trump nhất trí thiết lập khu an ninh tại khu vực của người Kurd ở phía bắc Syria, nhưng ông lại yêu cầu các lực lượng của EU quản lý và tuần tra khu vực này, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định các lực lượng của nước này có thể thực hiện công việc trên.

Chừng nào vấn đề này chưa được giải quyết, việc Mỹ rút quân vẫn sẽ bị trì hoãn. Hai bên vẫn đang nỗ lực thảo luận để đạt được một giải pháp có thể chấp nhận được liên quan đến người Kurd ở Syria.

Cả Nga và Syria đều phản đối việc giao quyền kiểm soát khu vực phía bắc Syria cho Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cũng cùng lúc yêu cầu Ankara thực hiện thỏa thuận nhằm tiêu diệt các lực lượng dân quân vũ trang ở Idlib, đặc biệt là phiến quân thuộc Mặt trận Nusra. Thỏa thuận này được đưa ra nhằm ngăn một cuộc tấn công trên quy mô lớn của Nga và Syria vào khu vực này, đồng thời buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải tuân thủ các cam kết. Tuy nhiên, Ankara chưa thực hiện các cam kết tiêu diệt các lực lượng trên, trong khi Nga cũng cảnh báo sự kiên nhẫn của nước này là có giới hạn.

Bất kỳ cuộc chiến nào nổ ra ở Idlib - khu vực sinh sống của 3 triệu dân thường và 50.000 phiến quân đều sẽ gây ra một làn sóng di cư chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia hiện có hơn 3,5 triệu người tị nạn. Tuy nhiên, nếu không có một giải pháp nào về vấn đề Idlib, chính quyền Tổng thống Assad sẽ không thể khôi phục quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Syria và tất cả các nội dung trong bản kế hoạch ban đầu của Nga sẽ tiếp tục bị trì hoãn.

Một vấn đề nữa gây khúc mắc trong kế hoạch của Nga ở Syria là việc thiếu một thỏa thuận nhằm bổ nhiệm ủy ban hiến pháp hoạt động dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc. Thứ 6 tuần trước (ngày 26/4), vòng đàm phán thứ 12 tại thủ đô Astana (nay là Nur-Sultan) của Kazakhstan đã kết thúc mà không đạt được kết quả nào. Nguyên nhân chính của sự bất đồng này là do những ý kiến trái chiều từ các bên về thành phần tham gia soạn thảo Hiến pháp. Trong khi Nga chào đón các đại diện phe đối lập cùng với các đại diện của chính quyền Tổng thống Assad tham gia thì Thổ Nhĩ Kỳ phản đối sự tham gia của lực lượng người Kurd trong khi ông Assad không đồng ý để một số nhóm đối lập tham gia.

Iran – Đồng minh hay đối thủ của Nga?

Nga và Iran đều cùng một "phe" trong cuộc nội chiến ở Syria nhưng điều đó không có nghĩa là hai quốc gia này không "để mắt" đến nhau. Thực tế thì cả hai đều muốn chiếm được ưu thế tại quốc gia chiến lược ở Địa Trung Hải này.

Bởi cả Moscow và Tehran đều "sát cánh" cùng chính quyền Tổng thống Assad nên sau khi giành chiến thắng, cả 2 đều muốn đạt được lợi ích sau những nỗ lực đã bỏ ra. Iran muốn tạo một hành lang kết nối thống nhất qua Iraq và Syria tới Lebanon. Quốc gia này cũng muốn sử dụng Syria như một vùng đệm nếu xảy ra đụng độ với Israel.

Trong khi đó, Nga muốn đảm bảo kiểm soát nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Syria như dầu mỏ và khí đốt cũng như hiện diện quân sự tại Địa Trung Hải.

Điều mà Nga và Iran đều muốn đạt được là kiểm soát khu vực này nhưng Syria không đủ lớn để cả 2 nước cùng có thể đạt được các lợi ích riêng của mỗi bên.

Tổng thống Putin khẳng định rằng ông muốn Nga là "người chơi chính" ở Syria. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sau cuộc gặp hồi tháng 2/2019 với Tổng thống Nga từng cho biết, ông Putin muốn tất cả quân đội Iran rút khỏi Syria.

Về phần mình, Iran đang nỗ lực bảo vệ tầm ảnh hưởng tại Syria với lo ngại Nga và Israel có thể hợp tác với nhau buộc nước này phải rút khỏi Syria. Các nhà phân tích Iran chỉ ra rằng Nga đã "bật đèn xanh" cho Israel tiến hành tấn công vào các mục tiêu của Iran. Ngoài ra, điện Kremlin cũng hạn chế lên tiếng sau khi Tổng thống Trump công nhận Cao nguyên Golan là một phần của Israel. Đặc biệt, việc thả 2 tù nhân Syria gần đây để đổi lấy thi thể của người lính Israel Zachary Baumel là một bằng chứng cho thấy "đồng minh" Nga - Israel đang nhắm vào Iran.

Theo cách giải thích của các chuyên gia Iran, dường như Israel không chỉ có thể ảnh hưởng đến chính sách Trung Đông của Mỹ mà còn cả của Nga. Dù vậy, Nga không có vẻ gì hài lòng với những gì đang diễn ra, nhất là khi những động thái ngoại giao hiện nay ở Syria cho thấy Nga “không mặn mà gì” với việc đi theo chương trình nghị sự của Israel.

Rõ ràng, chiến thắng của Tổng thống Assad đã cho Nga “độc quyền” trong việc kiểm soát tiến trình ngoại giao ở Syria, nhưng điều ấy không có nghĩa là Moscow có thể dễ dàng thực hiện các mục tiêu của mình. Thay vào đó, Nga cần sự kiên nhẫn và linh động trong cách giải quyết với các nhân tố liên quan khác trong khu vực.

Hiện nay, hàng triệu người tị nạn và những người phải rời bỏ nhà cửa ở Syria cũng như kế hoạch tái thiết quốc gia Trung Đông này vẫn tiếp tục phải chờ đợi. Cho đến khi đạt được sự thống nhất giữa các bên cũng như chính quyền ở Damascus đi vào ổn định, sẽ không có quốc gia nào sẵn sàng “rót” nguồn vốn khổng lồ tài trợ cho quá trình tái thiết Syria sau nhiều năm nội chiến./.