Chiều qua (9/1 giờ Pháp), các lực lượng an ninh Pháp đã tiêu diệt 3 kẻ khủng bố, kết thúc chiến dịch truy tìm hai kẻ khủng bố của vụ xả súng và hai vụ bắt cóc cùng lúc tại Paris và ngoại ô. Tuy nhiên, cuộc chiến lớn dường như giờ mới bắt đầu và nước Pháp sẽ phải đối phó ra sao?
>> Xem thêm: Vụ Charlie Hebdo: Kẻ khủng bố, bắt giữ con tin đã bị tiêu diệt
Người Pháp tạm thở phào nhưng vẫn hoang mang
Người Pháp trước hết thở phào trước thông tin bọn khủng bố bị tiêu diệt, nhưng cũng đau buồn trước việc 4 con tin thiệt mạng, mà nhiều khả năng thiệt mạng trước khi lực lượng an ninh nổ súng vào bọn khủng bố. Tuy nhiên, tâm lý hoang mang vẫn còn ngự trị bởi ai cũng hiểu rằng cuộc chiến chưa dừng lại, nếu không nói là mới ở bước đầu. Đặc biệt là khi nhân vật thứ tư, được xem là cùng mạng lưới và đồng tiến hành vụ nổ súng tại Montrouge làm một cảnh sát thiệt mạng và một người bị thương, Hayat Boumeddien vẫn chưa bị bắt giữ.
Trong họp báo vào gần nửa đêm 9/1, công tố viên Paris François Molin đã bày tỏ tiếc thương trước các nạn nhân và các nhân viên an ninh thiệt mạng sau các vụ khủng bố và bắt cóc. Công tố viên Paris cho biết : “Tên Cherif Kaouchi cũng từng có mặt tại Yemen vào năm 2011. Tên Said Kaouchi thì chưa từng được nghe nói đến hay có một tiền án nào. Nhiều thành viên trong gia đình của hai tên này đang bị tạm giữ để điều tra. Vợ của tên khủng bố đang bị giữ khẳng định hai anh em nhà Kaouchi biết rõ Amedy Coudibaly.”
Al-Qaeda và IS?
Cho đến giờ này, tức là nhiều giờ sau khi kết thúc cuộc truy quét và hai vụ bắt cóc, nhiều hãng truyền thông lớn của Pháp vẫn tiếp tục các chương trình trực tiếp và trực tuyến. Giờ là lúc để các chuyên gia và dư luận Pháp suy ngẫm và phân tích những vấn đề liên quan đến các vụ việc điên rồ vừa xảy ra. Được biết, một nhánh của al-Qaeda đã nhận trách nhiệm chỉ đạo thực hiện vụ xả súng vào tòa soạn Charlie Hebdo. Trước đó, khi thực hiện vụ xả súng, hai tên khủng bố đã khẳng định bọn chúng thuộc al-Qaeda và đến từ Yemen.
Trong khi đó, có thông tin hai kẻ khủng bố, ngay thời điểm bị vây bắt, đã liên lạc với kênh truyền hình lớn BFMTV của Pháp. Không chút hoảng loạn, bọn chúng giải thích được đào tạo ra sao, đã làm gì và tại sao lại làm một việc khủng khiếp là xóa sổ một tờ báo. Tên Amedy Coulibaly còn tuyên bố bọn chúng được “đồng bộ hóa” và tuyên bố hắn là thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS.
Cuộc chiến mới chỉ bắt đầu
Ngay sáng thứ bảy (10/1), giờ Paris, sẽ diễn ra cuộc họp nội các cùng Tổng thống Hollande. Điều này cho thấy nước Pháp ý thức được rằng họ chưa thể nghỉ ngơi dù chiến dịch truy bắt những kẻ khủng bố đã kết thúc. Lãnh đạo của các cơ quan an ninh chủ chốt cũng tham dự cuộc họp này.
Có thể nói là cuộc chiến lớn bây giờ mới bắt đầu với nước Pháp. Nước Pháp phải đối mặt 2 vấn đề lớn lúc này.
Thứ nhất là bọn khủng bố sẽ tiếp tục vùng vẫy. Thủ tướng Pháp Manuel Valls tuyên bố sẽ phải có những biện pháp mới thì nước Pháp mới có thể đối phó thành công với khủng bố.
Thứ hai là sự chia rẽ “kép” ở chính trong lòng nước Pháp. Đầu tiên là sự chia rẽ và phân biệt, kỳ thị hay nghiêm trọng hơn là tư tưởng phát xít mới bùng nổ, mà đích ngắm hàng đầu có thể là cộng đồng đạo Hồi. Nhiều nhà thờ Hồi giáo được đặt trong sự bảo vệ an ninh nghiêm ngặt do lo ngại trở thành mục tiêu trả thù, do những kẻ bài ngoại kết tội người Hồi giáo sau các vụ khủng bố và bắt cóc.
Sự chia rẽ thứ hai là trong nội bộ chính trường và xã hội Pháp về việc tham gia cuộc tuần hành lớn của những người Cộng hòa chống khủng bố vào ngày chủ nhật 11/1. Dù Thủ tướng Pháp tuyên bố mọi người đều có thể tham gia cuộc tuần hành, nhưng thông tin trước đó cho rằng đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia không thể tham dự cuộc tuần hành này đã tạo rạn nứt trong xã hội Pháp.
Không còn chốn bình yên
Nước Pháp nói riêng, châu Âu nói chung, giờ không còn là chốn bình yên, nơi người dân châu Âu tự hào về nền dân chủ và hòa bình; mà nay đã trở thành một chiến trường thực sự, thành mảnh đất nảy nở chính những phần tử khủng bố.
Đối phó với lực lượng này ở chính trong lòng xã hội châu Âu và Pháp, trở thành một thách thức lớn.
Còn nhớ chỉ vài tháng trước, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã thừa nhận có mối đe dọa không nhỏ với nước Pháp, bởi có một số lượng công dân mang quốc tịch Pháp, trong đó có nhiều thanh thiếu niên, tham gia các mạng lưới khủng bố.
Tại sao họ, nhiều người sinh ra và lớn lên ở mảnh đất châu Âu văn minh, nay lại đi theo những luồng tư tưởng cực đoan và cầm súng xả vào những người có thể coi là “đồng bào” của mình ?
Thực tế đó là hệ lụy của nhiều điều. Tại Pháp, có một số lượng không nhỏ các gia đình, đặc biệt ở các vùng ngoại ô, đa số là người nhập cư, không hòa nhập được vào xã hội Pháp. Có một thế hệ thanh niên lớn lên không công ăn việc làm, không được đào tạo và cảm thấy bị gạt ra ngoài lề xã hội. Đó là mầm mống sinh ra những “con sói đơn độc”, rồi rất dễ bị lôi kéo vào các làn sóng cực đoan.
Đối phó với những kẻ này, là cuộc chiến dài lâu và cam go và phải tiến hành toàn diện trên nhiều mặt trận.
Ý thức được những khó khăn này, Tổng thống Pháp liên tục nhấn mạnh rằng vũ khí tối tân của nước Pháp là sự thống nhất.
Toàn nước Pháp đang nỗ lực hàn gắn để tiêu diệt “khối u” khủng bố mọc lên trong chính cơ thể mình./.