Hiện việc triển khai vaccine Covid-19 đang được tiến hành ở Australia và trên toàn cầu. Nhiều quốc gia trên thế giới đã có thể phát triển và sản xuất các loại vaccine an toàn và có hiệu quả. Tuy nhiên, có thể những loại vaccine hiện tại sẽ không bảo vệ con người mãi mãi.

May mắn thay, các nhà nghiên cứu đang phát triển và thử nghiệm các liều vaccine tăng cường. Vậy vaccine tăng cường là gì và khi nào con người cần đến chúng?

Mũi tiêm đầu tiên là “bước đệm” cho mũi tăng cường

Lần đầu tiên tiêm một liều vaccine chống lại một bệnh nhiễm trùng cụ thể, đó được gọi là liều chính. Cơ thể con người sẽ sẵn sàng hình thành phản ứng miễn dịch sau khi tiêm liều vaccine chính.

Mỗi lần tiêm thêm liều vaccine chống lại cùng một bệnh nhiễm trùng, đây sẽ được gọi là liều vaccine tăng cường. Sau khi tiêm liều tăng cường, con người sẽ xây dựng khả năng miễn dịch đã có từ mũi tiêm đầu tiên.  

Theo The Conversation, điều quan trọng là tiêm các liều vaccine nhỏ hơn trong nhiều mũi tiêm sẽ tốt hơn so với một liều lượng lớn vaccine trong một mũi tiêm duy nhất. Điều này do hệ thống miễn dịch của con người xây dựng như “những viên gạch trong một bức tường”, khi cần đặt lần lượt từng viên gạch để xây dựng một bức tường.

Các liều vaccine tăng cường tận dụng một hiện tượng gọi là “trí nhớ miễn dịch”. Các tế bào miễn dịch của con người về cơ bản ghi nhớ các loại vaccine chúng ta đã tiêm trước đó, đồng thời phản ứng nhanh và mạnh mẽ hơn với các mũi tiêm tiếp theo, qua đó xây dựng khả năng miễn dịch ở mức con người có thể tự tin rằng mình sẽ được bảo vệ.

Khi nào cần tiêm liều vaccine tăng cường?

Con người có thể cần tiêm liều vaccine tăng cường trong 3 trường hợp sau đây.

Đầu tiên, các mũi tiêm của một loại vaccine có thể được tiêm lần lượt một cách tương đối nhanh chóng để xây dựng khả năng miễn dịch chống lại một bệnh nhiễm trùng. Chẳng hạn như vaccine ngừa bệnh ho gà. Ban đầu loại vaccine này được tiêm cho trẻ em từ khoảng 2-4 và 6 tháng tuổi để xây dựng khả năng miễn dịch ở trẻ sơ sinh, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh ho gà cao nhất.

Đây cũng là cách tiếp cận mà phần lớn các loại vaccine Covid-19 sử dụng. Mũi tiêm đầu tiên giúp kích hoạt hệ thống miễn dịch của con người, nhưng khả năng miễn dịch chưa thực sự mạnh mẽ. Sau lần tiêm vaccine thứ hai, hệ thống miễn dịch sẽ bảo vệ con người tốt hơn.  

Thứ hai, con người có thể tiêm nhắc lại nếu khả năng miễn dịch suy giảm theo thời gian, đồng thời để khôi phục khả năng miễn dịch về mức tối ưu. Ví dụ, khả năng miễn dịch đối với bệnh uốn ván có thể giảm theo thời gian, bởi vậy các nhà nghiên cứu khuyến cáo mọi người nên tiêm vaccine uốn ván tăng cường 10 năm/lần.

Khả năng miễn dịch của con người sẽ phát triển mạnh mẽ sau 3 tháng tiêm vaccine Moderna và 6 tháng sau khi tiêm vaccine AstraZeneca. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa có dữ liệu đầy đủ về khả năng miễn dịch với Covid-19 sẽ kéo dài bao lâu sau khi tiêm chủng. Theo The Conversation, các nhà khoa học sẽ tiếp tục theo dõi điều này để xác định xem có cần vaccine tăng cường đối với Covid-19 hay không.  

Thứ ba, nếu virus đột biến hoặc thay đổi đáng kể theo thời gian, điều này có thể khiến các tế bào miễn dịch khó nhận ra virus và làm giảm khả năng miễn dịch của con người một lần nữa. Một ví dụ điển hình là vaccine ngừa cúm. Virus cúm có thể thay đổi rất nhiều từ năm này sang năm khác, bởi vậy, để đảm bảo khả năng miễn dịch ở mức cao, vaccine cúm tăng cường hàng năm đều được điều chỉnh phù hợp với các biến chủng mới.

Vaccine tăng cường có thể đối phó với biến thể mới?

SARS-CoV-2, loại virus gây ra dịch Covid-19, đã có một số biến thể. Các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu sự thay đổi của SARS-CoV-2 có ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả của các loại vaccine khác nhau.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất đã điều chỉnh vaccine Covid-19 của họ để có thể ứng phó tốt với các biến thể mới. Moderna vừa tiêm những liều đầu tiên của một loại vaccine Covid-19 cập nhật cho những tình nguyện viên trong một thử nghiệm lâm sàng mới. Công ty này đang tìm hiểu hiệu quả của vaccine cập nhật đối với B.1.351, biến thể lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi.

Vaccine cập nhật sẽ điều chỉnh kháng nguyên, phân tử được các tế bào miễn dịch của con người sử dụng để nhắm vào một loại virus cụ thể. Sự phát triển nhanh chóng của các loại vaccine cập nhật sẽ giúp chúng ta có lợi thế trong cuộc chiến chống lại Covid-19.

Tiêm kết hợp các loại vaccine sẽ tăng cường phản ứng miễn dịch

Với việc tiêm vaccine tăng cường, con người có thể đạt được mức độ miễn dịch cao hơn nếu phải đợi lâu giữa các lần tiêm. Điều này do các tế bào miễn dịch của con người cần được nghỉ ngơi trước khi chúng có thể đáp ứng với các liều bổ sung. The Conversation cho biết, thời gian giữa hai liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca có thể lên đến 12 tuần, dẫn đến khả năng bảo vệ tốt hơn.

Đồng thời, con người có thể tạo ra khả năng miễn dịch cao hơn nếu sử dụng lần lượt các loại vaccine khác nhau, thay vì lặp lại cùng một loại vaccine.

Các nhà khoa học chưa đưa ra lời giải thích rõ ràng tại sao tiêm kết hợp các loại vaccine có thể hiệu quả hơn. Nhưng việc có thể kết hợp hai loại vaccine khác nhau, cung cấp cùng một mục tiêu kháng nguyên nhưng kích thích hệ thống miễn dịch theo những cách khác nhau, có thể tập trung tốt sự chú ý của các tế bào miễn dịch của con người vào đúng mục tiêu.

Mặc dù hiện nay đã có nhiều loại vaccine Covid-19 đã được cấp phép sử dụng, việc triển khai vaccine vẫn còn nhiều thách thức. Tại Anh, chính sách tiêm chủng chính thức là sử dụng cùng một loại vaccine cho cả 2 mũi tiêm. Nhưng nếu vaccine được sử dụng cho mũi đầu tiên không còn, người dân vẫn có thể tiêm tăng cường với loại vaccine khác đang có sẵn./.