Tuy nhiên, theoUSA Today, nếu theo dõi sát những diễn biến kéo dài trong suốt vài tháng qua, vẫn còn rất nhiều điều mà cả hai nhà lãnh đạo cần làm để đảm bảo có một kết quả tích cực.
Không bên nào vội vã rút lui
Theo các chuyên gia, mục tiêu đầu tiên của Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ phải là “đảm bảo để hội nghị vẫn diễn ra như dự kiến”. Ông Robert Gallucci, người từng tham gia các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên năm 1994, nhận định: “Hai bên phải đảm bảo rằng không có bên nào “đòi” về nước sớm chỉ vì những lời nói hoặc hành động từ phía bên kia”.
Trong thỏa thuận năm 1994, Mỹ và Triều Tiên đã đi đến thống nhất rằng, Triều Tiên sẽ dừng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và sẽ chỉ sở hữu 2 lò phản ứng nước nhẹ để đối lấy những lợi ích kinh tế mà Mỹ đem lại. Tuy nhiên, thỏa thuận này sau đó đã đổ bể.
Làm rõ khái niệm “phi hạt nhân hóa”
Cũng theo ông Gallucci, cả Mỹ và Triều Tiên cần làm rõ khái niệm “phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên” và nếu làm được điều này, đây sẽ là một “chiến thắng rõ rệt” dành cho Tổng thống Donald Trump.
Chuyên gia Gallucci gợi ý, việc “phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên” phải đảm bảo Triều Tiên đồng ý dỡ bỏ hoàn toàn các loại vũ khí hạt nhân cũng như nguyên liệu và các yếu tố cần thiết cho việc làm giàu urani để phát triển vũ khí hạt nhân.
“Mỹ muốn đảm bảo Triều Tiên sẽ không thể làm giàu hay tái chế urani để duy trì năng lực phát triển vũ khí hạt nhân”, ông Gallucci nói và cho biết, nếu điều này xảy ra, ngay cả khi muốn đổi ý, Triều Tiên cũng không thể sản xuất được vũ khí hạt nhân nữa.
Ông Gallucci khẳng định: “Nếu Tổng thống Trump không giành được bất kỳ điều gì khác [ngoài yêu cầu nói trên-ND], ông sẽ vẫn là người giành thắng lợi. Nếu ông giành được bất kỳ điều gì khác [mà không phải yêu cầu nói trên-ND], ông sẽ vẫn là người thất bại”.
4 láng giềng của Triều Tiên muốn gì từ thượng đỉnh Mỹ-Triều?
Một “bước khởi đầu” khả dĩ
Kết quả thực tế nhất có thể đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ là “một tuyên bố chung đề cập đến quá trình phi hạt nhân hóa như là mục tiêu cuối cùng trước khi chuyển sang các tiến trình khác”, bà Suzanne DiMaggio, chuyên gia tại Viện nghiên cứu New America nhận định: “Dù chỉ vậy, đây vẫn là mục tiêu đầy thách thức”.
Theo bà DiMaggio, điều này là bởi, cả Mỹ và Triều Tiên sẽ cần phải tìm ra được những điểm chung giữa 2 bên. Triều Tiên mong muốn đạt được một thỏa thuận hòa bình và bình thường hóa quan hệ với Mỹ cũng như muốn Mỹ đảm bảo an ninh và rút lại các lệnh trừng phạt trong khi sẵn sàng tạm dừng chương trình hạt nhân dài hạn.
Trong khi đó, Mỹ đã công khai tuyên bố muốn Triều Tiên dỡ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của mình trước khi nhận được tất cả những lợi ích mà Mỹ hứa hẹn. Tuy nhiên, mới đây nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố, cả Mỹ và Triều Tiên còn rất nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu chung.
“Dường như hai bên đang tiến dần đến việc sẵn sàng nhượng bộ lẫn nhau trong từng giai đoạn và có thể đẩy nhanh tiến trình này nếu thấy cần thiết. Ít nhất khi đó 2 bên có thể đạt được một nền tảng cơ bản cho một “bước khởi đầu khả dĩ”, bà DiMaggio nói.
Donald Trump và Kim Jong-un chịu “lùi lại phía sau”
Cũng theo bà DiMaggio, Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ thành công nếu cả hai nhà lãnh đạo chịu “lùi lại phía sau” để các trợ lý của mình xử lý những chi tiết nhỏ nhặt. “Đến thời điểm này, điều tốt nhất mà ông Trump nên làm là “lùi lại phía sau” để nhường chỗ cho các nhà ngoại giao và đàm phán chuyên nghiệp thực thi chức trách của mình”, bà DiMaggio nói.
Bà DiMaggio gợi ý, hai nhà lãnh đạo có thể thực hiện việc này bằng cách nhất trí thiết lập văn phòng tùy viên tại Bình Nhưỡng và Washington giúp thiết lập các kênh liên lạc giữa 2 bên”.
Theo ông Joel Wit, người cũng từng tham gia các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên hồi năm 1994, các văn phòng kiểu này đã được Bộ Ngoại giao Mỹ thiết lập tại Bình Nhưỡng trong chương trình viện trợ hàng hóa hồi năm 2008 dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush.
Cũng theo ông Joel Wit, Mỹ và Triều Tiên có thể thiết lập một đường dây nóng như đã từng có giữa Bộ Ngoại giao 2 nước trong những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, ông Joel Wit cho biết: “Hồi đó, đường dây này mới chỉ được thử nghiệm một lần mà chưa từng được sử dụng sau đó”.
Trung Quốc muốn gì từ cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên?
Thống nhất về các thanh sát viên quốc tế
Kỷ nguyên ngoại giao tốt đẹp nhất giữa Mỹ và Triều Tiên cũng là vào những năm 90 của thế kỷ trước khi Bình Nhưỡng chấp thuận cho các thanh sát viên quốc tế chứng kiến việc Triều Tiên “đóng băng” các cơ sở hạt nhân và dừng việc xây dựng thêm 2 lò phản ứng hạt nhân khác.
Theo ông Joel Wit, các thanh sát viên quốc tế có thể dễ dàng phát hiện những gian lận nếu có từ phía Triều Tiên và giúp Mỹ ngăn chặn khả năng Triều Tiên “có thể làm tổn hại hoặc đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ”. Tuy nhiên, theo bà DiMaggio “việc Triều Tiên có chấp thuận hay không cũng sẽ là phép thử đầu tiên đối với nước này”./.