Nhà báo Darko Janjevic thuộc Hãng Truyền hình và Phát thanh Quốc tế Đức (Deutsche Welle) đã có cuộc trò chuyện với Tiến sỹ Erdoan Shipoli, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ và Balkan tại Mỹ về vấn đề này.

37906779_303_nrbf.jpg

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: AP

Đâu là mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Balkan?

Trong lịch sử, các thể chế tại Thổ Nhĩ Kỳ như quân sự hay hành chính luôn gắn kết với khu vực Balkan vì Thổ Nhĩ Kỳ nhìn nhận Balkan là con đường dẫn đến châu Âu. Trong những năm gần đây dưới thời Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắt đầu coi Balkan là đòn bẩy có thể sử dụng trong đối sách với châu Âu. Vì thế, chính quyền của ông Erdogan muốn tăng tầm ảnh hưởng ở các nước này thông qua đầu tư và giúp đỡ một số tổ chức xã hội dân sự tại khu vực này.

Liệu chính quyền của ông Erogan có nghĩ rằng, có thể sử dụng sự hiện diện của mình ở khu vực Balkan để gây áp lực đối với giới chính trị châu Âu và thúc đẩy châu Âu đi theo một hướng nhất định?

Đó ít nhất là những gì ông Erdogan nghĩ song chưa chắc có thể thực hiện. Về tầm ảnh hưởng chính trị tại Kosovo, Albania và Bosnia, Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn là một đối tác quan trọng trong khu vực Balkan, song chỉ trong phạm vi các chính sách của nước này phù hợp với các chính sách của EU.

Mục tiêu chính của các nước Balkan là gia nhập EU. Đây cũng đã từng là mục tiêu nhiều năm của Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện nay, khi Thổ Nhĩ Kỳ đang xa rời mục tiêu này, thì tầm ảnh hưởng của nước này ở khu vực Balkan cũng có thể giảm theo.

Thực tế Ankara có tầm ảnh hưởng chính trị lớn như thế nào trong khu vực?

Trong các nước Nam tư cũ, Thổ Nhĩ Kỳ có ảnh hưởng lớn nhất đối với Bosnia, rồi đến Macedonia, Kosovo và cuối cùng là Albania. Mối quan hệ thương mại và giao thông liên lạc giữa Ankara với với cộng đồng người Thổ ở Bulgaria tốt hơn với cộng đồng người Thổ ở Kosovo.

Trên thực tế, Ankara chưa có tầm ảnh hưởng về chính trị như tuyên bố đã có ở khu vực Balkan. Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có thể tăng cường ảnh hưởng ở khu vực Balkan duy nhất khi EU phá vỡ cam kết hợp tác với các nước Balkan. Mặt khác, nếu phải lựa chọn, các nước Balkan sẽ đi theo châu Âu và không bao giờ đoái hoài đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù vậy, người dân Bosnia và nhiều cộng đồng Hồi giáo khác trên khắp khu vực Balkan luôn coi Erdogan như là một người anh lớn. Chính ông Erdogan gần đây đã sử dụng vụ thảm sát Srebrenia là một minh chứng châu Âu thù ghét đạo Hồi và ông ta là người bảo vệ đạo Hồi. Điều đó có ý nghĩa thế nào về mặt chính trị?

Dĩ nhiên, những người Hồi giáo ở Bosina có sự cảm thông đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì Thổ Nhĩ Kỳ và một số các nước Hồi giáo khác đã giúp họ trong thời gian chiến tranh trước khi EU và Mỹ ra tay giúp đỡ.

Tại Kosovo, cục diện lại khác và người Hồi giáo Albani - Kosovo không coi Thổ Nhĩ Kỳ là người anh cả. Tuy nhiên, mặc dù ông Erdogan và Thổ Nhĩ Kỳ không đủ mạnh để thực sự có ảnh hưởng tại khu vực Balkan, song ông Erdogan rất giỏi về thuyết trình và thu phục.

Ông Erdogan đang sử dụng vụ tàn sát người Hồi giáo ở Srebrenica để chứng minh với người Thổ rằng ông quan tâm đến người Hồi giáo và điều này sẽ mang lại cho ông ta nhiều lá phiếu vì nhiều người Thổ gốc Bosnia, Bulgaria hay Albania trước đây không ủng hộ ông Erdogan. Ông Erdogan đang cố gắng giành lá phiếu ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý  sắp tới khi chứng tỏ rằng ông sẽ đấu tranh vì khu vực Balkan.

Thổ Nhĩ Kỳ đang làm gì để nâng cao tầm ảnh hưởng của mình? Sau âm mưu lật đổ bất thành, nhiều tổ chức của Thổ Nhĩ Kỳ đang nằm trong diện nghi vấn của Ankara...

Kể từ vụ đảo chính bất thành, chính phủ của ông Erdogan tìm cách tăng sức ép hơn đối với chính phủ ở các nước Balkan, đặc biệt là về vấn đề phong trào Gulen, song ý đồ này chưa thực sự thành công.

Tại Macedonia và Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng tạo ra các đảng phái chính trị của mình và sử dụng các đảng phái đã được thành lập ở các nước khác, các đảng phái dưới sự kiểm soát trực tiếp của những cộng sự thân cận với ông Erdogan. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng sử dụng người của mình, những người trung thành với ông Erdogan, những người đã học tập tại Thổ Nhĩ Kỳ....

Song chúng ta cần phân biệt giữa Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ Thổ Nhí Kỳ vì mục tiêu chính của chính quyền của ông Erdogan không phải là tăng cường tầm ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ mà là nâng cao tầm ảnh hưởng và vị thế của ông Erdogan.

Ankara sẵn sàng tiến xa như thế nào về vấn đề này? Liệu Thổ Nhĩ Kỳ có ý định gây bất ổn ở khu vực Balkan, đẩy mạnh làn sóng chủ nghĩa dân tộc mới và khuyến khích các hành vi quân sự?

Tôi không nghĩ vậy. Thổ Nhĩ Kỳ không muốn gây bất ổn đến tình hình an ninh ở khu vực Balkan. Song đó là "lá bài” ông Erdogan có thể và dám sử dụng. Tôi không cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ muốn một khu vực Balkan bất ổn vì khi đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hoàn toàn bị bao quanh bởi các khu vực bất ổn. Song các nước EU có một phần trọng trách phải bao quát khu vực Balkan và không để cho các nước Balkan rơi vào chương trình nghị sự của ông Erdogan./.

Ông Shipoli là chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Hiểu biết Đạo Hồi - Đạo Cơ Đốc thuộc trường đại học Georgetown kiêm Phó Hiệu trưởng Trường các Vấn đề Quốc tế và Công thuộc trường Đại học Quốc tế Virginia.