1. Vụ thảm sát đẫm máu ở Orlando, Mỹ

Trong tuần qua, cả thế giới bàng hoàng trước vụ xả súng đẫm máu tại hộp đêm nổi tiếng dành cho người đồng tính Pulse ở thành phố Orlando, bang Florida, Mỹ. 

Vụ xả súng vào rạng sáng 12/6 đã cướp đi sinh mạng của 50 người và làm bị thương 53 người khác. Đây được xem là vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ. 

hung_thu_mateen_1_kjkt_icsp.jpg
Hung thủ Mateen. Ảnh: Vox.com.

Thủ phạm của vụ xả súng được xác định là Omar Mateen, 29 tuổi, là công dân Mỹ gốc Afghanstan, sinh ra tại New York và sống tại Florida. Tên này đã bị bắn chết trong một cuộc đấu súng với cảnh sát.

Thủ phạm đã từng gọi vào số điện thoại khẩn cấp 911 của cảnh sát Mỹ thề trung thành với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và đề cập tới những kẻ đánh bom khủng bố tại Boston

Tuy nhiên, giám đốc CIA vẫn khẳng định, các cuộc điều tra hiện tại không phát hiện bất kỳ mối liên hệ trực tiếp nào giữa Mateen với một tổ chức khủng bố nước ngoài. Tuy nhiên vị quan chức này cũng nhấn mạnh những kẻ tấn công “sói đơn độc” vốn được truyến bá tư tưởng từ chủ nghĩa khủng bố đang trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng tình báo. 

Phát biểu sau cuộc gặp với những người sống sót và gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng tại Orlando hôm qua (16/6), Tổng thống Obama khẳng định, nước Mỹ liên tục đối mặt với các vụ xả súng và những gì xảy ra tại Orlando nằm trong số đó. Mặc dù động cơ của các vụ xả súng khác nhau nhưng đều gây ra thương vong. 

Ông Obama bày tỏ hài lòng với quyết định của Thượng viện sẽ tổ chức bỏ phiếu để ngăn chặn các cá nhân có thể có mối liên hệ với khủng bố mua súng, bao gồm các loại vũ khí gây sát thương. 

2. Cuộc chiến cam go chống khủng bố IS

Ngày 17/6, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố đã giải phóng Fallujah khỏi sự chiếm đóng của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, sau gần 4 tuần tiến hành chiến dịch tấn công nhằm vào thành phố này.

Theo nguồn tin từ chính quyền Iraq, lực lượng quân đội nước này, được hỗ trợ bởi các máy bay ném bom của liên quân do Mỹ dẫn đầu, đã bất ngờ tấn công tổng lực vào trung tâm của Fallujah, đồng thời nhanh chóng kiểm soát hầu hết các tòa nhà của Chính phủ và các vị trí trọng yếu khác ở bên trong thành phố. 

Binh sĩ Iraq cắm cờ ở trung tâm thành phố Fallujah. Ảnh AP.

Fallujah được xem là thành trì quan trọng nhất của IS ở Iraq. Do đó, Giải phóng Fallujah sẽ tạo bước ngoặt lớn cho chính quyền Iraq trong cuộc chiến chống khủng bố, tiến tới ổn định tình hình an ninh, góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia này. 

Tuy nhiên, chiến thắng vang dội ở Fallujah chi khiến IS yếu chứ chứ không nhổ được tận gốc tổ chức khủng bố này. Khủng bố IS vẫn là mối đe dọa lớn cho toàn thế giới.

Ngày 18/6, lực lượng an ninh đặc biệt của Bỉ vừa bắt giữ 12 đối tượng tình nghi đang lên kế hoạch thực hiện hàng loạt vụ tấn công khủng bố mới. Những kẻ bị bắt giữ đang lên kế hoạch tiến hành một vụ tấn công ở Brussels vào cuối tuần này. Trước đó, ngày 13/6 nhà chức trách Pháp đã bắt giữ một nghi phạm có liên hệ với đối tượng từng bị bắt tại Ukraine.

Các nghi phạm khủng bố nói trên đều có kế hoạch tấn công trong thời gian diễn ra trận đấu của đội tuyển Bỉ tại vòng chung kết giải Vô địch bóng đá châu Âu Euro 2016. 

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 15/6 tái khẳng định quyết tâm tiêu diệt nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ông Obama cũng đồng thời thắt chặt kiểm soát súng đạn nhằm đảm bảo an toàn cho người dân Mỹ. Lời khẳng định này đã được Tổng thống Obama đưa ra hôm 14/6 sau cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia nhằm thảo luận các bước đi chống lại nhóm cực đoan thánh chiến này.

3. Nghị sỹ Anh bị sát hại trước cuộc trưng cầu dân ý 

Các chiến dịch vận động Anh ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) trong cuộc trưng cầu ý dân vào tuần tới đã phải hoãn lại trong ngày hôm qua (16/6) sau khi nữ nghị sĩ thuộc Công đảng đối lập Anh bị sát hại khi chuẩn bị tiếp xúc cử tri ở vùng Yorkshire, miền Bắc nước này. 

Người dân tưởng niệm nghị sỹ Anh (Ảnh: New Yorks Times).

Nhiều nhân chứng tại hiện trường cho biết, rất có thể hung thủ đã tấn công nữ nghị sỹ Jo Cox vì bà ủng hộ phong trào ở lại EU bởi khi thực hiện cuộc tấn công, tên này đã hét lớn "nước Anh là số một". Hiện động cơ của vụ tấn công đang được điều tra làm rõ.

Hiện chưa rõ vụ sát hại nữ nghị sỹ Jo Cox sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên của Anh trong EU vào ngày 23/6 tới, nhưng các nhà phân tích dự đoán, nó có thể thúc đẩy chiến dịch ủng hộ Anh ở lại EU, vốn đang bị "yếu thế" hơn trong các cuộc thăm dò dư luận mới đây. 

Nghi can sát hại nữ nghị sỹ Anh hầu tòa

VOV.VN -Nghi can sát hại nghị sỹ Anh bị cáo buộc 3 tội danh, gồm: giết người, làm tổn hại thân thể người khác, sở hữu vũ khí bất hợp pháp và vũ khí tấn công.

Trong diễn biến liên quan, một cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính các nước Liên minh châu Âu (EU) đã diễn ra ngày 17/6 trong nỗi lo về khả năng Anh rời khỏi EU. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho rằng, sự không chắc chắn của cuộc trưng cầu ý dân tại Anh đang gây gánh nặng cho các ngành tài chính và ngân hàng của khối: “Hội đồng châu Âu, đặc biệt là nước chủ tịch Hà Lan, đang tích cực làm việc để tìm ra biện pháp giúp tăng cường Liên minh Ngân hàng. 

Các cuộc khảo sát mới đây của Hãng NBC News/SurveyMonkey tại Anh cho thấy, 48% những người được hỏi sẽ chọn rời khỏi EU và 48% những người lựa chọn ở lại khối. Có khoảng 4% chưa quyết định khi còn không đầy 1 tuần nữa là diễn ra cuộc bỏ phiếu.

4. Bà Clinton giành ưu thế trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng

Bất chấp vụ xả súng đẫm máu, ứng viên Clinton vẫn vượt ứng viên Trump tới 12% trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.

Ứng cử viên tổng thống mặc định của đảng Dân chủ Hillary Clinton đã nới rộng khoảng cách với đối thủ Donald Trump của đảng Cộng hòa lên tới 2 con số về tỷ lệ ủng hộ của cử tri Mỹ. 

Ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton. Ảnh:rawconservative.com.

Đây là kết quả của cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện ngay sau vụ thảm sát tại Orlando, bang Floria khiến 49 người thiệt mạng. Trái với dự đoán, vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ cuối tuần qua nhìn chung đã không tác động nhiều đến tâm lý cử tri Mỹ khi tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên Hillary Clinton đã vượt ứng cử viên Donald Trump 12%.

Ngày 16/6, ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ Bernie Sanders cam kết sẽ ủng hộ bà Hillary Clinton đánh bại ứng cử viên của đảng Cộng hòa tỷ phú Donald Trump. Tuy vậy, ông Sanders hiện vẫn chưa chính thức rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ diễn ra vào ngày 8/11 tới.

Trong một phát biểu, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders nói rằng, nhiệm vụ chính trị lớn lao trong 5 tháng tới là đánh bại đối thủ Donald Trump. Ông sẽ làm việc với bà Clinton để đưa đảng Dân chủ trở thành đảng chính trị của người lao động, của những người trẻ. 

Cuộc đua giành tấm vé đại diện cho đảng Dân chủ tham gia cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới được cho là đã ngã ngũ. Dự kiến, đảng Dân chủ sẽ tiến hành Đại hội toàn quốc từ ngày 25 – 28/7 tới tại Philadelphia để chính thức thông qua việc bầu bà Clinton trở thành ứng cử viên của đảng này tranh cử vào Nhà Trắng.

5. Nổ lớn vì bom tự chế ở sân bay Thượng Hải

Koảng 14h20 chiều 12/6 (theo giờ địa phương) nhà ga T2, sân bay quốc tế Phố Đông, Thượng Hải (Trung Quốc) đã xảy ra vụ nổ lớn. 

Chú thích ảnh

Trong thông báo được đưa ra từ cơ quan quản lý sân bay Thượng Hải, vụ nổ xảy ra gần một quầy thủ tục lên máy bay do chất nổ tự chế gây ra. Sau đó, đối tượng cố gắng tự tử bằng một con dao trước khi bị cảnh sát bắt giữ. 

Vụ nổ đã làm 3 hành khách bị thương và hiện những người này đã được đưa đi chữa trị tại bệnh viện.

Cảnh sát Trung Quốc ngày 13/6 đã xác định nghi phạm trong vụ đánh bom là một con bạc và đang bị những khoản nợ lớn. Trước khi thực hiện vụ đánh bom, đối tượng từng bóng gió với bạn bè trên trang mạng cá nhân rằng sẽ làm điều gì đó "cực kỳ điên rồ và có thể mạo hiểm đến tính mạng". 

6. ASEAN rút lại bản tuyên bố chung

Việc ASEAN không ra được tuyên bố chung đã cho thấy những chia rẽ trong giải quyết các vấn đề chung dưới sức ép của Trung Quốc.

Tờ báo uy tín hàng đầu của Singapore Straits Times ngày 16/6 có bài viết cho rằng, việc Trung Quốc đưa ra “bản đồng thuận 10 điểm” để các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cân nhắc chẳng khác nào động thái gây chia rẽ trong khối. 

Quang cảnh cuộc họp đặc biệt của các Ngoại trưởng ASEAN với Trung Quốc. (Ảnh: Reuters).

Theo Straits Times, bản tuyên bố chung được Malaysia công bố vào lúc 18h30 ngày 14/6 sau đó đã bị rút lại chỉ khoảng sau 3 giờ đồng hồ khi Lào, nước giữ cương vị Chủ tịch luân phiên của ASEAN yêu cầu rút lại tuyên bố vì chưa hài lòng với một số điểm. Campuchia cũng từ chối ký vào tuyên bố chung này.

Khi không thể có sự đồng thuận, các nước ASEAN cuối cùng quyết định sẽ ra các tuyên bố riêng của họ khi cảm thấy phù hợp.

Malaysia rút lại bản tuyên bố chung vài giờ sau khi công bố dẫn đến những đồn đoán về việc có hay không một bản tuyên bố chung như vậy. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, điều quan trọng hơn tất cả đó là việc không thể phủ nhận đây là một “thất bại ngoại giao”./.