Hồ sơ Panama gây rúng động chính trường nhiều nước |
Tại Pháp, nơi tờ Le Monde là một trong 2 tờ báo lớn đầu tiên của châu Âu, cùng với tờ Nhật báo Nam Đức đưa vụ việc ra ánh sáng, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã ngay lập tức tuyên bố chính quyền của ông sẽ cho tiến hành điều tra những nhân vật và công ty Pháp có dấu hiệu làm ăn mờ ám trong vụ scandal này.
Theo truyền thông Đức, ít nhất gần 30 ngân hàng Đức có liên quan đến hoạt động trốn thuế và rửa tiền nêu trong “Hồ sơ Panama”.
Ngày 6/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên án “Hồ sơ Panama”- trong đó có tên một số quan chức cao cấp nước này- là vô căn cứ. Theo Hoàn cầu thời báo, việc rò rỉ “Hồ sơ Panama” là một cách “để các quốc gia phương Tây sử dụng chiến tranh tâm lý đánh vào các chính trị gia và các tổ chức lớn đối lập với phương Tây.
Trước sức ép ngày càng lớn của dư luận, Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson đã phải từ chức vì dính líu đến đường dây trốn thuế và rửa tiền trong vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama".
2. Ngày 7/4 (theo giờ Nga), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lần đầu tiên lên tiếng về vụ Hồ sơ Panama. Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, những tiết lộ liên quan tới vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama" thực chất là một phần trong âm mưu nhằm gây bất ổn tình hình cho nước Nga bằng những cáo buộc tham nhũng vô căn cứ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama" thực chất là một phần trong âm mưu nhằm gây bất ổn nước Nga. (ảnh: AP). |
Theo báo chí phương Tây từ những thông tin mà “Hồ sơ Panama” tiết lộ, tài sản của ông Putin tối thiểu phải lên đến 2 tỷ USD. Tuy nhiên, trên thực tế, đây không phải là tài sản cá nhân của ông mà là của một người bạn thân của Tổng thống Nga và con số này cũng chỉ là đồn thổi. “Hồ sơ Panama” không hề cho thấy bất kỳ mối liên hệ nào giữa 2 người.
Trước đó, RT trích dẫn WikiLeaks ngày 6/4 chia sẻ trên tài khoản Twitter của tổ chức này rằng, vụ rò rỉ Hồ sơ Panama là sản phẩm của Dự án Tố cáo tội phạm và Tham nhũng có Tổ chức (OCCRP) “nhằm vào Nga và Liên Xô cũ”.
3. Ngày 4/4, Liên minh Châu Âu (EU) bắt đầu thực hiện thỏa thuận đưa người di cư không được cấp quy chế tị nạn quay trở lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Người tị nạn vào châu Âu đang bị trả về Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh AP). |
Kế hoạch này nằm trong thỏa thuận đạt được giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ hôm 18/3, theo đó Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý nhận lại tất cả những người di cư, kể cả những người xin tị nạn đặt chân đến đất Hy Lạp sau ngày 20/3 và sẽ bố trí “tái định cư” cho những người này trên đất Thổ Nhĩ Kỳ. Đổi lại, phía EU sẽ nhận những người đang tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ theo nguyên tắc “1 đổi 1”, với tối đa là 72.000 người.
Thêm người di cư từ Hy Lạp được trả về Thổ Nhĩ Kỳ
4. Quân đội Azerbaijan và lực lượng Armenia mới đây đã bất ngờ nổ súng giao tranh dọc giới tuyến khu tranh chấp khiến 30 lính thuộc hai bên thiệt mạng.
Hãng tin Nhà nước Azerbaijan hôm 2/4 dẫn thông cáo từ Bộ Quốc phòng nước này cho biết các vị trí và khu dân cư của Azerbaijan đã bị bắn cấp tập từ phía Armenia vào các đêm 1 và 2/4.
Binh sĩ Azerbaijan nã pháo về phía Armenia. Ảnh Reuters |
Sau khi xảy ra xung đột nghiêm trọng tại khu vực tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan, cộng đồng quốc tế đã lên án việc bùng phát giao tranh và kêu gọi các bên ngừng bắn. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5/4 kêu gọi 2 nhà lãnh đạo của Armenia và Azerbaijan ngừng các cuộc đụng độ ở vùng Nagorno-Karabakh sau khi tất cả đồng ý thực thi lệnh ngừng bắn.
Lệnh ngừng bắn ở khu vực Nagorno-Karabakh (nằm trong lãnh thổ Azerbaijan) đã được thực thi từ trưa ngày 5/4 (giờ địa phương). Vụ giao tranh ở Nagorno-Karabakh trong đầu tháng 4 là đụng độ dữ dội nhất giữa hai bên kể từ năm 1994.
Bức màn bí hiểm trong cuộc xung đột đẫm máu Armenia - Azerbaijan
5. Ngày 6/4 Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin gửi một bức thư tới Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trong thư ông Churkin nêu rõ, Phiến quân IS tại Syria và Iraq kiếm được từ 100-150 triệu USD/năm từ hoạt động buôn bán cổ vật trái phép.
Phiến quân IS tại Syria và Iraq kiếm được từ 100-150 triệu USD/năm từ hoạt động buôn bán cổ vật trái phép. (Ảnh: AFP) |
Bức thư viết: “Khoảng 100.000 cổ vật có tầm quan trọng toàn cầu cùng khoảng 4.500 di chỉ khảo cổ, trong đó có 6 địa điểm được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới của UNESCO đang nằm trong tay IS ở Syria và Iraq”.
6. Quốc hội Pháp ngày 6/4 đã thông qua một đạo luật gây tranh cãi, phạt tiền người mua dâm thay vì người bán dâm.
Khách mua dâm ở Pháp sẽ bị phạt nặng nếu bị phát hiện. (Ảnh minh họa: AFP) |
Theo đó, bất cứ ai bị bắt vì mua dâm sẽ bị phạt 1.500 euro và phải tham gia các lớp học về tác hại của tệ nạn mại dâm. Nếu tái phạm sẽ bị phạt hơn gấp đôi với số tiền lên đến 3.750 euro.
Đạo luật này gây tranh cãi khi các nhóm nữ quyền cho rằng, luật mới sẽ giúp cho những phụ nữ thoát khỏi cảnh bị bóc lột về thể xác. Nhưng cũng có ý kiến lại cho rằng, luật mới có thể khiến những cô gái bán dâm bị tổn thương nhiều hơn và có thể ảnh hưởng đến kế sinh nhai của khoảng 30.000 và 40.000 người hành nghề mại dâm tại Pháp.
7. Sáng 6/4 (theo giờ Việt Nam), kết quả kiểm phiếu cho thấy, ứng cử viên Ted Cruz của Đảng Cộng hòa và Bernie Sanders của Đảng Dân chủ đã giành thắng lợi quan trọng trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Wisconsin, USA.
Chiến thắng “nhiều ý nghĩa” của 2 ông Ted Cruz và Bernie Sanders đã khiến cuộc đua vào Nhà Trắng trong 2 Đảng của Mỹ trở nên kịch tính hơn. Theo kết quả sơ bộ, Thượng nghị sỹ Cruz đã giành được hơn 51% phiếu ủng hộ, vượt xa tỷ phú Donald Trump, người chỉ kiếm được hơn 34% số phiếu.
Cuộc chạy đua nội bộ của cả hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ ngày càng kịch tính khi Thượng nghị sỹ Cruz và Sanders đồng loạt vượt qua hai ứng cử viên số một trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Wisconsin.
8.Reuters ngày 6/4 đưa tin, Trung Quốc đã bắt đầu vận hành ngọn hải đăng trên một trong những hòn đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép ở Biển Đông.
Ngọn hải đăng Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Subi. Ảnh Reuters |
Reuters dẫn nguồn tin từ Tân Hoa xã cho biết, ngày 5/4, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc đã tổ chức “lễ khánh thành”, đánh dấu việc ngọn hải đăng cao 55m Bắc Kinh xây dựng trên đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa chính thức đi vào hoạt động.
Ngoài ngọn hải đăng nói trên, Trung Quốc còn xây dựng Trạm nhận biết tàu thuyền tự động (AIS) và trạm radar cao tần (VHF) trên đá Subi, với cái cớ là "phục vụ thông tin hàng hải, cung cấp số liệu định vị" cho tàu thuyền qua lại.
Những động thái này chứng tỏ Trung Quốc dường như không quan tâm đến căng thẳng mà họ đang tạo ra trong khu vực, phớt lờ cảnh báo của cộng đồng quốc tế, tiếp tục các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông.
Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vận hành hải đăng trên đá Subi, Trường Sa
Mỹ có thể làm gì để duy trì an ninh ở Biển Đông?