syria-1.jpg
Ngày 26/4, Anh tuyên bố có thông tin cho thấy chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học. Thủ tướng Anh Cameron cho biết, việc sử dụng vũ khí hóa học là phạm tội ác chiến tranh, đây là "giới hạn đỏ" đối với cộng đồng quốc tế, song cũng khuyến cáo nên phản ứng bằng biện pháp chính trị hơn là quân sự. Cùng ngày, phe đối lập Syria cũng tuyên bố sẵn sàng hợp tác với các nhà điều tra quốc tế để tìm thêm bằng chứng chứng tỏ rằng chính quyền của Tổng thống al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân. Những tuyên bố này làm dấy lên cuộc tranh cãi liệu Chính phủ Syria có sử dụng vũ khí hóa học hay không (Ảnh: Syria từ chối rằng họ sử dụng vũ khí hóa học- CBC.ca)
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng, Washington có bằng chứng cho thấy vũ khí hóa học đã được sử dụng 2 lần ở Syria, nhưng không cho biết ở đâu, khi nào và do ai sử dụng. Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại khách sạn Marriott Wardman Park Hotel, Washington ngày 26/4 cho rằng, việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria có thể sẽ làm “thay đổi cuộc chơi” (Ảnh: Reuters). Tuy nhiên, ông Obama vẫn lưu ý rằng, báo cáo chứng minh vũ khí hóa học được sử dụng tại Syria vẫn còn sơ bộ và cần cẩn trọng trong việc tìm chứng cứ. Cũng trong ngày 26/4 người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc phản đối việc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến tại Syria. Tuy nhiên, bà Hoa Xuân Doanh nhấn mạnh, Trung Quốc không tán thành can thiệp quân sự và kêu gọi giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria.
Sáng 24/4, một tòa nhà 8 tầng tại Savar, ngoại ô thủ đô Dhaka của Bangladesh sụp đổ, khiến hàng trăm người chết và bị thươngTính đến sáng 27/4, số người chết trong vụ sập nhà đã tăng lên 332 người và hơn 2.300 người bị thương. Hiện số người mất tích chưa xác minh được chính xác vì vào thời điểm xảy ra tai nạn, không rõ có bao nhiêu người đang ở trong tòa nhà. Trong ảnh: Binh sĩ Bangladesh đưa một người phụ nữ sống sót từ đống đổ nát hôm thứ Năm 25/4 (AP)
Ngày 23/4, Hạ viện Pháp đã thông qua Luật thừa nhận kết hôn đồng tính và nhận con nuôi của những cặp đồng tính. Trước đó, Thượng viện Pháp cũng đã thông qua Luật này. Theo đó, Luật này chỉ đợi Tổng thống Francois Hollande phê chuẩn và dự định sẽ bắt đầu có hiệu lực  từ tháng 6 tới. Tuy nhiên Luật này vẫn tiếp tục vấp phải sự phản đối và biểu tình của hàng triệu người Pháp. Các cuộc diễu hành, biểu tình, tranh cãi đang gây bất ổn và rạn nứt trong xã hội Pháp. Trong ảnh: Những người phản đối Luật mới giương cao ngọn cờ tượng trưng cho phong trào ủng hộ gia đình truyền thống (AP)
Hôm 25/4, ngày thứ 3 liên tiếp, các cuộc đụng độ nghiêm trọng giữa quân đội Iraq và những người biểu tình, tiếp tục nổ ra tại nhiều địa phương ở Iraq. Nguồn tin Cảnh sát Iraq cho biết, hơn 50 người chết và hơn 150 người bị thương trong một loạt các vụ bạo lực xảy ra hôm 23/4. Chiều 25/4, Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki đã kêu gọi tiến hành đối thoại hòa giải và cảnh báo nước này đang phải đối mặt với nguy cơ một cuộc nội chiến, giữa lúc giới chức phải ban bố giới nghiêm tại các khu vực biểu tình. Trong ảnh: Cư dân mang quan tài của nạn nhân, người đã bị giết trong một vụ đánh bom, trong một đám tang ở Najaf, 160 km (100 dặm) về phía nam Baghdad, ngày 27/4 (Reuters).
Ngày 24/4, Hàn Quốc đề xuất tổ chức đàm phán với Triều Tiên về khu công nghiệp chung Kaesong đã bị dừng hoạt động kể từ đầu tháng 4 trong bối cảnh gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, CHDCND Triều Tiên hôm 26/4 bác bỏ đề xuất đối thoại của Hàn Quốc về việc khôi phục hoạt động của khu công nghiệp chung Kaesong, đồng thời cảnh báo sẽ thực thi các biện pháp cứng rắn nếu Hàn Quốc tiếp tục làm trầm trọng thêm tình hình. Cùng ngày, phía Hàn Quốc đã khuyến cáo mọi công dân của nước này nên rời khỏi Khu công nghiệp chung Kaesong để đảm bảo an toàn. Theo các phương tiện truyền thông, 126 công nhân người Hàn Quốc đã rời khỏi Kaesong vào cuối buổi chiều 27/4 và 50 công nhân cuối cùng sẽ rời khu vực này vào sáng thứ 2 (29/4). Trong ảnh: công nhân Hàn Quốc dỡ hàng từ xe tải tại KCN Kaesong (Reuters)
Ngày 23/4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố sẽ dùng vũ lực để trục xuất bất kỳ công dân Trung Quốc nào đổ bộ lên quần đảo Senkaku mà phía Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư. Điều này càng làm căng thẳng giữa hai nước xung quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo leo thang. Trong ảnh: Tàu hải giám Trung Quốc được trông thấy tiến lại gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, ảnh chụp hôm 23/4 (Reuters/Kyodo). Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 24/4, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Suga cho biết, Nhật Bản và Trung Quốc đang xúc tiến các cuộc dàn xếp nhằm tổ chức một cuộc tham vấn cấp Cục trưởng Quốc phòng để thảo luận về các biện pháp tránh va chạm giữa hai nước tại khu vực vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.