1. Sau cuộcđàm phán marathontrong suốt nhiều ngày qua, Hàn Quốc và Triều Tiên đã chấp nhận nhượng bộ nhằm tránh nguy cơ xảy ra chiến tranh.
Đại diện Hàn Quốc và Triều Tiên trong cuộc đàm phán nhằm hạ nhiệt căng thẳng liên Triều. Ảnh AP |
Trong tuyên bố chung sau khi kết thúc đàm phán, Triều Tiên đã ra tuyên bố “lấy làm tiếc” về vụ rải mìn khiến 2 binh sĩ Hàn Quốc bị thương. Trong khi đó, Hàn Quốc cam kết chấm dứt tuyên truyền bằng loa phóng thanh sang biên giới Triều Tiên.
Dự kiến, loa phóng thanh của Hàn Quốc sẽ “im tiếng” vào lúc 12h trưa 25/8 (giờ địa phương). Cùng thời điểm đó, Triều Tiên cũng sẽ tuyên bố dỡ bỏ tình trạng sẵn sàng chiến tranh mà lãnh đạo nước này Kim Jong-un tuyên bố tuần trước.
Ngoài ra, cả hai nước cũng đã đồng ý nối lại việc đoàn tụ các gia đình ly tán sau cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 cũng như sẽ tiến hành thêm các cuộc đàm phán chính thức tại Seoul hoặc Bình Nhưỡng vào tháng 9 tới.
Hàn Quốc-Triều Tiên đạt được thỏa thuận 6 điểm mang tính đột phá
Thỏa thuận trên đã giúp “xua tan” nguy cơ xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh cả hai nước đều đã rầm rộ điều động binh sĩ nhằm phô trương thanh thế của mình cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng xảy ra chiến tranh.
Căng thẳng vẫn diễn ra trong quá trình đàm phán với việc Hàn Quốc và Mỹ đã điều máy bay chiến đấu bay trên lãnh thổ Hàn Quốc trong khi Triều Tiên được cho là đã điều tới 2/3 trong tổng số 70 tàu ngầm của mình.
Nhà đàm phán hàng đầu của Hàn Quốc, Cố vấn An ninh Quốc gia Kim Kwan-Jin cho biết, thỏa thuận này đã giúp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng hiện nay và tạo ra động lực cho mối quan hệ liên Triều trong tương lai.
Ông Kim đã mô tả việc Triều Tiên bày tỏ lấy làm tiếc vụ rải mìn là “rất có ý nghĩa” và khẳng định, việc đạt được điều này đã choán hết hầu hết thời gian đàm phán giữa ông và người đồng cấp Triều Tiên Hwang Pyong-so- một tay chân thân cận của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
“Chúng tôi phải buộc được Triều Tiên bày tỏ quan điểm về vụ việc đó”, ông Kim nói.
Ông Kim cũng cho biết, việc Hàn Quốc chấp nhận ngừng phát thanh tuyên truyền nhằm về biên giới Triều Tiên chỉ được thực hiện với điều kiện Triều Tiên “không được có những hành vi bất thường”.
“Chúng tôi cũng phải nhấn mạnh điểm này bởi nếu không Triều Tiên có thể có những hành động khiêu khích trong tương lai gây ảnh hưởng đến an ninh của Hàn Quốc”, ông Kim nói thêm.
2. Chiến lược An ninh Biển Châu Á- Thái Bình Dương do Lầu Năm Góc mới công bố coi Biển Đông và Trung Quốc là mối quan tâm đặc biệt của Mỹ.
Tờ Wall Street Journal ngày 24/8 cho biết, Chiến lược mới này đề cập đến 3 nhiệm vụ về an ninh biển trong khu vực mà Lầu Năm Góc thừa nhận là vẫn chưa được quan tâm đầy đủ.
Các nhiệm vụ này bao gồm: “Duy trì tự do hàng hải trên biển, ngăn chặn xung đột và dọa dẫm cũng như thúc đẩy việc tuân thủ các tiêu chuẩn và luật pháp quốc tế”.
Chiến lược An ninh Biển Châu Á- Thái Bình Dương của Mỹ đặc biệt quan ngại về việc Trung Quốc cải tạo phi pháp các đảo ở Biển Đông và xây các công trình quân sự trên đó. Ảnh AP |
Các nhiệm vụ này được coi là đặc biệt quan trọng trên khu vực Biển Đông trong bối cảnh các báo cáo gần đây của Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ và Lầu Năm Góc đều bầy tỏ quan ngại về sự gia tăng nhanh chóng về số lượng các tàu chiến của Hải quân Trung Quốc.
Theo đó, Hải quân Trung Quốc hiện sở hữu số lượng tàu lớn nhất tại châu Á với hơn 300 tàu chiến, tàu ngầm, tàu đổ bộ và tàu tuần tra các loại.
Con số này nhiều hơn rất nhiều so với tổng số hơn 200 tàu của Nhật Bản, Indonesia, Việt Nam, Malaysia và Philippines cộng lại.
Ngoài ra, con số 205 tàu thực thi nhiệm vụ trên biển (MLE) của Trung Quốc cũng nhiền hơn nhiều so với tổng số 147 tàu cùng loại của các nước nói trên. Trong số này, khoảng 110 MLE của Trung Quốc là loại nhỏ (trọng lượng từ 500-1.000 tấn) so với con số 129 của các nước nói trên.
Như vậy, rõ ràng, so với các nước trong khu vực, Trung Quốc đang chiếm ưu thế đáng kể, tuy nhiên, so với Mỹ thì con số này du đang tăng lên từng ngày vẫn “chưa thấm vào đâu”.
3. Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 24/8 cho rằng, cần giải quyết cấp tốc những bất đồng giữa phương Tây và Nga trong quan điểm về Ukraine.
Tuyên bố được đưa ra sau cuộc găp 3 bên với Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tại Berlin.
EU nên thay thế Đức, Pháp bàn về tình hình miền Đông Ukraine
Theo bà Angela Merkel, Pháp và Đức đã được thông báo về tình hình Ukraine và cho rằng, cần phải có các cuộc tiếp xúc với tổng thống Nga về vấn đề này, và không loại trừ một cuộc họp 4 bên giữa Pháp, Đức, Ukraine và Nga.
Tại cuộc gặp này, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng cho rằng, việc tổ chức các cuộc gặp 4 bên là cần thiết để thực hiện thỏa thuận ngừng bắn Minsk. Cuộc họp 3 bên ngày hôm qua là để chuẩn bị cho các cuộc gặp 4 bên như vậy.
Liên quan đến thỏa thuận ngừng bắn, Thủ tướng Đức Merkel nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện thỏa thuận này dưới sự giám sát Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE).
4. Tiền bắt đầu được giải ngân cho Hy Lạp nhưng việc Thủ tướng Alexis Tsipras từ chức đã làm dấy lên hoài nghi về hiệu quả của gói cứu trợ 86 tỷ euro.
Mùa hè đang kết thúc khá êm ả với châu Âu và Hy Lạp, ít nhất là trong vài tuần cuối của kỳ nghỉ. Việc nhóm Eurogroupe thông qua thỏa thuận cung cấp gói viện trợ thứ 3 cách đây hai tuần trị giá 86 tỷ euro cho Hy Lạp đã hạ nhiệt căng thẳng.
Lá cờ Liên minh châu Âu và Hy Lạp tung bay tại Athens. Ảnh AP |
Trên lý thuyết, thỏa thuận này cần phải được tất cả quốc hội các nước thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) thông qua nhưng trên thực tế, khả năng thỏa thuận này “sống sót” được đánh giá rất cao. Đặc biệt, Quốc hội Đức, nơi khắt khe nhất với Hy Lạp, đã bỏ phiếu chấp thuận gói cứu trợ này ngày 20/8, tiếp theo đó là Quốc hội Hà Lan.
Như nhận xét của Chủ tịch Eurogroupe, Jeroen Dijsselbloem thì “chúng tôi không đi xa đến thế để rồi phải làm lại từ đầu”.
Việc Quốc hội Đức Bundestag bật đèn xanh cho thỏa thuận giúp Hy Lạp tạm thời bỏ lại sau lưng một loạt nguy cơ. Đợt viện trợ đầu tiên của gói cứu trợ, trị giá 26 tỷ euro, bắt đầu được giải ngân.
13 tỷ euro trong số này được dùng để trả khoản nợ của Ngân hàng trung ương châu Âu (3,4 tỷ euro) đáo hạn vào hôm 20/8 vừa qua cũng như các khoản nợ các nước thành viên EU khác.
10 tỷ euro sẽ được dùng để tái vốn hóa các ngân hàng đang kiệt quệ và 3 tỷ euro cuối sẽ được cấp cho Hy Lạp vào giữa tháng 9 hoặc đầu tháng 10, tùy thuộc vào mức độ hành động thực tế của Hy Lạp trong việc thực hiện cải cách.
5. Tổng thống Pháp Francois Hollande đã trao tặng Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh cho 4 người ngăn chặn kẻ tấn công chiếc tàu cao tốc Thalys.
Ba thanh niên người Mỹ Spencer Stone, 23 tuổi, Alek Skarlatos, 22 tuổi; Anthony Sandler 23 tuổi và ông Chris Norman người Anh 62 tuổi đã được tôn vinh là người hùng khi khống chế được tên khủng bố Ayoub El-Khazzani định xả súng trên chuyến tàu tốc hành Thalys từ Amsterdam sang Paris ngày 21/8.
Tổng thống Pháp Francois Hollande bắt tay một trong những người hùng giúp ngăn chặn thảm kịch tấn công tàu cao tốc của nước này. Ảnh Reuters |
Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định, với lòng dũng cảm và sự bình tĩnh, bốn người anh hùng đã giúp tránh được “một thảm kịch”. Và để chứng tỏ lòng biết ơn, nước Pháp dành tặng danh hiệu cao quý nhất –Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh – cho bốn người anh hùng.
Hành khách người Pháp có ý định ngăn chặn kẻ khủng bố ngay từ đầu và có nguyện vọng giữ kín danh tính cùng với hành khách Mark Moogalian 51 tuổi – người đã bị trúng đạn và đang nằm viện, cũng sẽ nhận được phần thưởng cao quý này của nước Pháp trong thời gian tới.
Trong cuộc họp báo hôm qua, tại nhà riêng của Đại sứ Mỹ tại Pháp, chàng trai người Mỹ Stone Spencer vẫn còn rất mệt mỏi do bị thương khi trực tiếp đối mặt với kẻ khủng bố Ayoub El-Kazzani.
Hiện tại, Pháp đang tiến hành thẩm vấn tên Ayoub El-Khazzani, được xác định danh tính là người Morroco 25 tuổi. Tên này vẫn chối bỏ mọi hành vi khủng bố và chỉ nhận có ý định bẻ lái con tàu – điều không thuyết phục được các hành khách người Mỹ cũng như các điều tra viên.
Từ sau vụ khủng bố hụt trên tàu tốc hành Thalys- tàu hiện đại bậc nhất trên hành trình từ Bruxelles, Bỉ và Amsterdams, Hà Lan sang thủ đô Paris của Pháp, câu hỏi về việc kiểm soát an ninh tại các ga tàu đang được đặt ra./.