Trong một bài viết trên Nikkei Asia ngày 7/3, Đô Đốc James Stavridis, cựu Tư lệnh tối cao các lực lượng đồng minh của NATO, cho biết, tài liệu có tên The Longer Telegram do Hội đồng Atlantic biên soạn đã tiết lộ những bằng chứng quan trọng về kế hoạch triển khai các lực lượng của Mỹ ở khu vực Đông Á nhằm đối phó Trung Quốc.
Dù việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thực hiện ở mức độ nào lập trường cứng rắn của tài liệu nêu trên vẫn còn chưa rõ, nhưng các yếu tố trong bản kế hoạch này đang được cân nhắc một cách nghiêm túc.
Theo Đô đốc James Stavridis, đội ngũ mới trong Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ với các chuyên gia hàng đầu về châu Á như Kurt Campbell, chắc chắn sẽ xem xét một loạt lựa chọn trong bản tài liệu về chiến lược mới này.
Các “lằn ranh đỏ” với Trung Quốc
Bản tài liệu nêu ra những “lằn ranh đỏ” mà [nếu Trung Mỹ vượt qua] Mỹ có thể sẽ phản ứng bằng quân sự như:
- Bất cứ cuộc tấn công hạt nhân, hóa học hay vũ khí sinh học nào của Trung Quốc hay Triều Tiên nhằm vào Mỹ hay các đồng minh của Mỹ.
- Bất cứ cuộc tấn công nào của quân đội Trung Quốc nhằm vào Đài Loan hoặc các đảo xung quanh, trong đó bao gồm cả việc phong tỏa kinh tế hoặc tấn công mạng nhằm vào Đài Loan.
- Bất cứ cuộc tấn công nào của Trung Quốc nhằm vào các lực lượng Nhật Bản bảo vệ quần đảo Senkaku mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư, và các vùng đặc quyền kinh tế xung quanh quần đảo này ở Biển Hoa Đông.
- Các hành động thù địch của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý trong khu vực, cùng việc quân sự hóa các đảo ở Biển Đông, sử dụng vũ lực với các nước trong khu vực, hay ngăn cản các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ và đồng minh.
- Khả năng Trung Quốc tấn công vào lãnh thổ hoặc các tài sản quân sự của các đồng minh hiệp ước của Mỹ.
Các trụ sở của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng đang đặt ra cách tiếp cận mới trong việc bố trí và triển khai các lực lượng Mỹ. Những lựa chọn này sẽ được gửi về Lâu Năm Góc như một phần trong báo cáo tổng thể.
Các lựa chọn triển khai lực lượng Mỹ trong khu vực
Một trong số các lựa chọn là tăng cường vai trò của Lực lượng thủy quân lục chiến - lực lượng vốn tập trung vào chiến thuật trên bộ từ thời Thế chiến thứ 2 và điển hình là trong các “cuộc chiến không hồi kết" ở Trung Đông.
Thay vào đó, trong bối cảnh chiến lược đối đầu với Trung Quốc hiện nay, Lực lượng thủy quân lục chiến của Mỹ sẽ chuyển hướng sang các chiến thuật trên biển để có thể di chuyển vào các khu vực ở Biển Đông, cũng như các chuỗi đảo mà Trung Quốc sử dụng để phòng thủ.
Sau khi vào được các khu vực này, Lực lượng thủy quân lục chiến sẽ sử dụng các máy bay không người lái có vũ trang, khả năng tấn công mạng, và lực lượng đột kích, cùng tên lửa phòng không và cả các vũ khí tấn công diệt hạm để tấn công lực lượng hải quân Trung Quốc.
Các đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành các hoạt động quân sự hóa trái phép ở Biển Đông cũng có thể là mục tiêu. Trong một số trường hợp, đây sẽ là kiểu tác chiến du kích từ ngoài biển.
Ngoài chiến thuật mới của Lực lượng Thủy quân lục chiến, Hải quân Mỹ cũng sẽ tiến hành các chuyến tuần tra mạnh mẽ hơn ở các vùng biển ngoài khơi Trung Quốc. Mỹ sẽ sử dụng một chiến lược khôn ngoan: dần dần lôi kéo thêm tàu chiến đồng minh vào các cuộc tuần tra tự do hàng hải này. Làm như vậy, Mỹ có thể quốc tế hóa các nỗ lực ngăn cản Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý đối với Biển Đông.
Lầu Năm Góc hy vọng có thể lôi kéo Anh, Pháp và các đồng minh NATO khác vào các chiến dịch tự do hàng hải [ở Biển Đông]. Trong một cuộc họp cấp bộ trưởng quốc phòng NATO ở Brussels gần đây, các nước thành viên đã thảo luận về vai trò của liên minh quân sự này để đối phó với khả năng quân sự ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc.
Về lâu dài, Mỹ có thể sẽ thuyết phục Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, và cả các nước Đông Nam Á tham gia vào các chiến dịch tự do hàng hải như vậy. Tài liệu The Longer Telegram cho rằng, Mỹ sẽ tạo ra một liên minh hàng hải toàn cầu để đối phó với các lực lượng của Quân đội Trung Quốc.
Ngoài các hoạt động trên biển, Không quân Mỹ cũng sẽ tăng cường điều động thêm máy bay ném bom tấn công mặt đất tầm xa cùng các tiêm kích tới các căn cứ nằm rải rác ở nhiều nơi tại châu Á, trong đó có cả các khu vực xa xôi trên các đảo nhỏ. Các chiến dịch sẽ được hỗ trợ từ các căn cứ lớn hơn ở Guam, Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc.
Lực lượng Lục quân Mỹ sẽ tăng cường cả khả năng chiến đấu cũng như sự linh động trong việc triển khai các đơn vị hỗ trợ. Theo đó, Mỹ có thể sẽ tăng cường năng lực của các căn cứ tại Hàn Quốc và Nhật Bản theo hướng dễ dàng triển khai tới các đảo nhỏ hơn trong khắp khu vực.
Lực lượng Không gian của Mỹ sẽ chuyển trọng tâm sang tình báo và trinh sát trong khu vực, đồng thời thúc đẩy các lựa chọn tấn công mạng từ Bộ Tư lệnh Không gian mạng của Mỹ, với sự phối hợp của Cơ quan an ninh quốc gia.
Về tổng thể, có vẻ như rõ ràng là quân đội Mỹ sẽ đẩy mạnh sự hiện diện và khả năng chiến đấu ở Tây Thái Bình Dương và sẵn sàng cho một cuộc xung đột với Trung Quốc trong những thập kỷ tới.
Bản tài liệu The Longer Telegramđem lại một bằng chứng quan trọng về những lựa chọn mà Lầu Năm Góc và Nhà Trắng đang xem xét như một chiến lược mới nhằm đối phó với sự nổi lên của Trung Quốc.
Đô Đốc James Stavridis hy vọng rằng với chiến lược ngoại giao chuyên nghiệp và sự phụ thuộc lẫn nhau của hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, khả năng bùng nổ chiến tranh sẽ được ngăn chặn. Dù vậy, các nhà hoạch định chính sách quân đội Mỹ chắc chắn sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng mọi khả năng ngay từ thời điểm này./.