Được cho là biểu tượng trụ cột hợp tác an ninh của hai nước, thỏa thuận đứng trước nguy cơ đổ vỡ sẽ gây tổn thất lớn, trong bối cảnh Triều Tiên gần đây tiến hành hàng loạt các vụ phóng tên lửa tại khu vực hải phận giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.

nhathan_efps.jpg
Sóng gió thương mại khiến trụ cột hợp tác an ninh Nhật-Hàn lung lay. Ảnh: Reuters

Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sựvới Nhật Bản hàng năm được tự động gia hạn khi hết hiệu lực vào cuối tháng 8. Nhật Bản hiện vẫn muốn giữ thỏa thuận bất chấp mối quan hệ đang sóng gió với Hàn Quốc. Tuy nhiên, Hàn Quốc cho rằng, các giới hạn thương mại của Nhật Bản buộc nước này phải xem xét liệu có tiếp tục gửi các thông tin quân sự nhạy cảm tới một quốc gia mà nước này vẫn phải đặt câu hỏi về sự đáng tin cậy của một đối tác an ninh hay không. Nhật Bản gần đây đã hạn chế xuất khẩu liệu công nghệ cao và loại Hàn Quốc ra khỏi "Danh sách Trắng" gồm các nước được hưởng quy chế ưu đãi thương mại. Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak Yon cho  rằng, Nhật Bản đã vượt qua giới hạn trong vấn đề thương mại:

“Các hành động liên tiếp của Nhật Bản đe dọa thương mại tự do và khuôn khổ hợp tác kinh tế không chỉ giữa hai bên, mà còn với  các nước trên thế giới. Họ cũng làm gián đoạn hệ thống hợp tác an ninh giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản”

Đánh giá về nguy cơ của việc xóa bỏ Hiệp ước này, một số quan chức Nhật Bản cho rằng, thỏa thuận có thể hết hiệu lực mà không ảnh hưởng quá lớn đến Nhật Bản vì thực tế nó được sử dụng ít hơn dự đoán. Nhật Bản cũng có thể nhận được các thông tin từ Mỹ. Theo phía Hàn Quốc, có 48 trao đổi thông tin tình báo quân sự trong 3 năm kể từ khi Thỏa thuận có hiệu lực và mỗi bên đóng góp 24 thông tin. Trong số này có nhiều thông tin vào thời điểm Triều Tiên tiến hành các vụ thử vũ khí năm 2017.

Một số nhà phân tích cho rằng,  thỏa thuận bị hủy bỏ sẽ tác động đến nỗ lực của Mỹ hơn một thập kỉ qua, liên kết các đồng minh khu vực đối phó với các mối đe dọa  từ Triều Tiên cũng như kiểm soát ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Ông Moon Seong Mook, cựu quan chức quân đội Hàn Quốc và là nhà phân tích của Viện nghiên cứu chiến lược quốc gia Hàn Quốc có trụ sở tại Seoul cho rằng, thỏa thuận bị hủy bỏ sẽ khiến liên kết hợp tác an ninh giữa Mỹ-Nhật-Hàn sẽ bị phá vỡ. Điều đáng nói là thỏa thuận đứng trước nguy cơ đổ vỡ trong bối cảnh Triều Tiên liên tiếp thử các tên lửa tầm ngắn. Có nhiều lo ngại cho rằng vì nóng lòng muốn thúc đẩy đàm phán với Triều Tiên để tạo đà lợi thế trong tranh cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể bỏ qua mối lo ngại của các đồng minh khu vực. Các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên gần đây đều là tầm ngắn không nguy hại đến an ninh nước Mỹ nhưng là mối đe dọa lớn đối với Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhận định về bất đồng giữa Mỹ và Hàn Quốc hôm qua, Tổng thống Trump cho rằng, hai nước này  phải ngồi xuống đối  thoại và cần “đi cùng” với nhau.

Bất chấp nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng giữa hai đồng minh trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tới khu vực trong tuần này, bất đồng Nhật - Hàn không có dấu hiệu hạ nhiệt. Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm nay cho biết, Nhật Bản sẽ hạ cấp vai trò của Hàn Quốc như là đối tác hợp tác an ninh quan trọng trong sách trắng quốc phòng năm 2019.

Trong chương đề cập hợp tác an ninh giữa Nhật Bản với các nước, ngoài đồng minh thân cận nhất là Mỹ, Hàn Quốc năm 2018 đứng đầu. Nhưng trong dự thảo Sách Trắng Quốc phòng 2019 của Nhật Bản, vị trí của Hàn Quốc đã rơi xuống số 4, xếp sau Australia, Ấn Độ và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Nguồn tin của Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhận định về mặt ý nghĩa, trật tự này được hiểu là sự "hạ cấp" đối với Hàn Quốc. Dự kiến, sách trắng quốc phòng 2019 sẽ được công bố vào khoảng giữa tháng 9 tới./.