Cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump đã bước vào giai đoạn mới đầy biến động trong tuần này với phiên xét xử công khai đầu tiên sẽ bắt đầu ngày 13/11 (theo giờ Washington DC).
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP |
Là tổng thống thứ 4 đối mặt với cuộc điều tra luận tội của Hạ viện, cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump có một vài điểm tương đồng với những gì Tổng thống Richard Nixon từng trải qua trong vụ bê bối Watergate dẫn đến việc ông Nixon phải từ chức năm 1974. Ông Nixon từng bị cáo buộc lạm quyền, tương tự như những tuyên bố chống lại Tổng thống Trump mà Hạ viện Mỹ đưa ra hiện nay.
Điều tra luận tội Tổng thống Nixon và Tổng thống Trump
Tuy nhiên, 2 cuộc luận tội này có những khác biệt cơ bản, bên cạnh những khác biệt về các thể chế của chính phủ cũng như truyền thông trước 2 sự việc này. Cuộc điều tra Tổng thống Nixon diễn biến dần dần và công khai. Đội ngũ pháp lý của ông Nixon có cơ hội để bào chữa mặc dù những lời bào chữa này cuối cùng cũng không có hiệu lực. Trong khi đó, đội ngũ pháp lý của Tổng thống Trump hầu như được tiếp cận trong phạm vi rất giới hạn đối với những bằng chứng có được cho tới nay trong một quy trình kín, không công khai.
Cả hai Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Donald Trump đều đứng trước các cáo buộc lạm quyền và cản trở luật pháp. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ, điểm này cũng là sự khác biệt lớn nhất trong cuộc điều tra luận tội của 2 ông chủ Nhà Trắng trên. Nếu như Tổng thống Nixon đã từ chức trước khi Hạ viện thông qua bất kỳ điều khoản luận tội nào thì Tổng thống Trump sẽ không làm vậy.
Không lâu trước khi Tổng thống Nixon từ chức, nhà phân tích Walter Cronkite của tờ CBS News đã nhận định rằng tất cả quan chức Washington đều đoán trước được kết cục cuối cùng của vụ Watergate này.
Tuy nhiên, đối mặt với sức ép luận tội hiện nay, Tổng thống Trump đã khẳng định mạnh mẽ hôm 21/10 rằng: "Họ muốn luận tội tôi bởi đó là cách duy nhất để họ chiến thắng". Nhưng "họ sẽ không đạt được bất kỳ điều gì!", nhà lãnh đạo Mỹ cho biết thêm.
Cuộc điều tra Watergate bắt đầu ở Thượng viện trong khi Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Sam Ervin khẳng định đã nhận được sự hợp tác với Nhà Trắng. Khi việc luận tội Tổng thống Nixon được đưa ra trước Hạ viện, hơn 400 nghị sĩ từ cả 2 đảng đều bỏ phiếu nhất trí tiến hành cuộc điều tra.
Trong khi đó, Nhà Trắng ngày 8/10 bác bỏ thẳng thừng cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump của đảng Dân chủ tại Hạ viện khi cho rằng điều này là "không hợp lệ về mặt hiến pháp" và từ chối hợp tác.
"Mọi thứ đã từ tệ trở nên ngày càng tệ hơn", Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff - người dẫn đầu cuộc điều tra nhận định.
Nghị quyết luận tội Tổng thống Trump mặc dù đã được Hạ viện thông qua với tỷ lệ tỷ lệ 232 phiếu thuận và 196 phiếu chống nhưng không có hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa nào bỏ phiếu ủng hộ. Điều đáng nói là có 2 hạ nghị sỹ Dân chủ đã đứng về phe Cộng hòa để bỏ phiếu chống lại nghị quyết trên.
Nghị sĩ đảng Cộng hòa Jim Jordan đã đứng ra bảo vệ ông Trump, đồng thời gọi cuộc điều tra liên quan đến Ukraine của Hạ viện là một kịch bản được nhào nặn, "một trò chơi đố chữ ngớ ngẩn mà đảng Dân chủ bắt ông Trump trải qua. Bạn có thể hiểu vì sao ngài Tổng thống lại giận dữ như vậy".
Sau cuộc bỏ phiếu của Hạ viện ngày 31/10, Tổng thống Trump đã gọi cuộc điều tra luận tội này là "cuộc săn phù thủy lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ" - một cụm từ mà ông thường sử dụng để chỉ trích cuộc điều tra này và cuộc điều ra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về việc Nga can thiệp bầu cử trước đó.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham thì khẳng định cuộc điều tra luận tội Tổng thống là "đi ngược với những nền tảng cơ bản của nước Mỹ" và đảng Dân chủ chỉ đang lãng phí thời gian vào "một cuộc điều tra luận tội giả mạo thay vì những ưu tiên chính sách như thương mại hay an ninh biên giới".
Từ điều này có thể thấy là, trái với cuộc điều tra luận tội Tổng thống Nixon, cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump hoàn toàn mang tính đảng phải với sự nhất trí chỉ đến từ phía đảng Dân chủ.
Việc luận tội Tổng thống Nixon tập trung vào một vụ trộm mang động cơ chính trị cùng với các hoạt động gián điệp chính trị khác và màn che đậy có hệ thống của chính phủ Mỹ. Vụ bê bối này đã diễn ra trong nhiều tháng.
Trong khi đó, tiến trình điều tra luận tội hiện tại, liên quan đến Ukraine với những cáo buộc rằng Tổng thống Trump đã hoãn hỗ trợ quân sự Ukraine để gây sức ép với nước này vì các mục đích chính trị, lại diễn biến nhanh hơn nhiều.
Đảng Dân chủ có thành công trong việc hạ bệ Trump?
Nhà phân tích Jonathan Turley cho rằng khác biệt quan trọng trong vụ việc là hầu như có rất ít bằng chứng được đưa ra trong vụ của Tổng thống Trump. Ông Turley cũng nhận định mức độ của các động thái vi phạm liên quan đến Ukraine nhằm chống lại Tổng thống Trump dường như nhỏ hơn so với những cáo buộc "phủ bóng" lên Tổng thống Nixon trước đây.
Cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump hiện nay "chủ yếu dựa trên cuộc điện đàm gây tranh cãi với Tổng thống Ukraine", ông Turley cho biết, đồng thời khẳng định: "Nếu họ tiếp tục theo hướng này, đây sẽ là cuộc luận tội với quy mô hẹp nhất lịch sử và bên tiến hành điều tra sẽ sở hữu một trong những hồ sơ với bằng chứng hạn chế nhất trong lịch sử".
Trong khi đó, nhà phân tích Garret thì cho rằng: "Tốc độ là vấn đề quan trọng. Nếu bạn tiến quá nhanh và công chúng không theo kịp những thực tế bạn đưa ra, bạn sẽ thua, ít nhất là thua trong mắt công chúng khi nhìn nhận về những bằng chứng của bạn".
"Do đó, đảng Dân chủ có một tiêu chuẩn cao cần phải đáp ứng ở đây. Luận tội không phải chỉ đơn giản nói là "Tôi không thích Tổng thống", mà là phải thuyết phục để công chúng hiểu rằng Tổng thống đã làm điều gì đó hoặc tiếp tục làm điều gì đó đe dọa đến chính phủ và quốc gia".
"Bằng chứng phải được đưa ra, công chúng sẽ nhìn nhận và đánh giá nó trước khi đảng Dân chủ có bất kỳ động thái nào. Với nhịp độ hiện nay, đảng Dân chủ dường như đang thúc đẩy quá trình này nhanh hơn nhiều, ít nhất là so với những cuộc điều tra luận tội trước đây", chuyên gia Garret cho biết thêm.
Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo?
Đây sẽ là một tuần dài với Tổng thống Trump sau khi Hạ viện tung các bằng chứng trong cuộc điều tra luận tội Tổng thống ngày 13/11 như một động thái mà đảng Dân chủ hy vọng sẽ thay đổi quan điểm của công chúng.
Tổng thống Trump đã cáo buộc ông Adam Schiff công bố "những bản ghi âm giả mạo" về những lời khai của các nhân chứng được tiến hành bí mật ở Washington. Cho tới nay, ông Schiff đã công bố lời khai của một số nhân chứng trong cuộc điều tra luận tội Tổng thống, khẳng định rằng chính quyền Tổng thống Trump đã nỗ lực dùng việc hỗ trợ quân sự để gây sức ép với Ukraine nhằm điều tra đối thủ chính trị của ông Trump là cựu Phó Tổng thống Joe Biden - ứng viên đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 và con trai của ông, Hunter.
"Adam Schiff quỷ quyệt sẽ chỉ công bố những bản ghi âm lời khai giả mạo. Chúng tôi thậm chí còn chưa xem những tài liệu này và cũng bị hạn chế trong việc có một luật sư", Tổng thống Trump cho biết, đồng thời yêu cầu các nghị sĩ Cộng hòa không nên rơi vào cái "bẫy ngu ngốc" này.
Ông chủ Nhà Trắng đã nhiều lần tuyên bố rằng cuộc điều tra luận tội là một "trò lừa đảo" và người tố giác, đến nay vẫn chưa rõ danh tính, đang tham gia vào "trò lừa" này. Ông Trump cũng khẳng định ông không làm gì sai và cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine là "hoàn hảo". Nhà Trắng đã công bố bản ghi âm cuộc điện đàm vào tháng 7/2019 giữa ông Trump và người đồng cấp Ukraine, trong khi Tổng thống Trump cho biết ông sẽ công bố cả bản ghi âm cuộc điện đàm hồi tháng 4 giữa ông với nhà lãnh đạo Ukraine, không lâu sau khi ông Zelensky đắc cử./.
Đảng Cộng hòa đang “đuối lý” trước cơn bão luận tội Tổng thống Trump?