Mỹ hôm qua (29/2) xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên do Covid-19 tại nước này, trong bối cảnh dịch viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, tại Hàn Quốc, nước này đang phải chứng kiến sự bùng nổ của số ca nhiễm mới, trong khi tại châu Âu, Pháp đang trở thành một ổ dịch mới của Covid-19 sau Italia.
Dịch Covid-19 ngoài Trung Quốc ngày càng diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tiếp tục tăng trong khi Liên Hợp Quốc kêu gọi các nước tăng cường phòng bị. Ảnh: Reuters |
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên tại nước này do Covid-19 là nam giới khoảng 50 tuổi sống tại bang Washington, đồng thời yêu cầu truyền thông “không làm hoang mang dư luận”.
Dự kiến ngày mai (2/3), nhà lãnh đạo Mỹ sẽ có cuộc gặp với đại diện các hãng dược phẩm hàng đầu để thảo luận về tình hình dịch bệnh cũng như công tác phòng chống dịch: “An ninh biên giới cũng là an ninh y tế. Trong nỗ lực để giữ an toàn cho nước Mỹ, chính quyền của tôi đã thực hiện hành động quyết liệt nhất trong lịch sử hiện đại để kiểm soát biên giới và bảo vệ người Mỹ khỏi Covid-19. Công việc của tôi là bảo vệ người dân Mỹ và trong trường hợp này là bảo vệ sức khỏe của người dân Mỹ. Chúng tôi sẽ làm điều đó và làm một cách mạnh mẽ”, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay.
Bùng phát hồi cuối tháng 12 năm ngoái tại Trung Quốc, dịch viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2 tới nay đã lây lan ra 64 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến gần 3.000 người tử vong trên tổng số hơn 86.000 ca nhiễm bệnh, trong đó chủ yếu là tại Trung Quốc đại lục.
Là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh sau Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc hôm nay ghi nhận thêm 594 ca, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này lên hơn 3.500, trong đó 17 trường hợp tử vong. Trong một dấu hiệu đáng lo ngại khác, Hàn Quốc hôm qua xuất hiện trường hợp tái nhiễm đầu tiên. Bệnh nhân là một phụ nữ 73 tuổi xét nghiệm dương tính với virus sau khi đã được chữa khỏi bệnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc Kim Kang Lip, đây là giai đoạn then chốt trong phòng chống dịch: “Những ngày cuối tuần này là thởi điểm quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan mạnh hơn nữa. Chúng tôi yêu cầu người dân tránh tham gia các sự kiện công cộng tập trung đông người, trong đó có các hoạt động tôn giáo hay biểu tình”.
Tại một “ổ dịch” khác là Italia, số ca nhiễm bệnh đã vượt quá 1.000 người, trong đó 29 ca tử vong. Chính quyền nước này đang áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt như đóng cửa các trường học tại 3 vùng ở miền Bắc, hủy các sự kiện thể thao hay văn hóa, trong đó có 5 trận đấu cuối tuần của Giải bóng đá vô địch quốc gia và cách ly suốt 1 tuần qua 11 thành phố ở miền Bắc, vốn được coi là lá phổi kinh tế của đất nước.
Sau Italia, Pháp hiện được coi là ổ dịch lớn thứ 2 tại châu Âu. Nước này hôm qua quyết định hủy tất cả các sự kiện tập trung trên 5.000 người tại những khu vực khép kín, cũng như một số sự kiện ngoài trời, trong đó có Triển lãm nông nghiệp hay giải bán marathon Paris dự kiến diễn ra hôm nay. Pháp hiện ghi nhận 100 ca nhiễm bệnh, trong đó 2 trường hợp tử vong.
Tại Iran, quốc gia có số ca nhiễm bệnh cao nhất sau Trung Quốc đại lục, nước này hôm qua xác nhận 9 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 lên 43. Saudi Arabia, quốc gia láng giềng với Iran hôm qua tiếp tục cấm công dân các quốc gia thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh vào các thành phố, một ngày ngày sau quyết định đóng cửa đối với hàng chục nghìn tín đồ Hồi giáo hành hương về thánh địa Mecca.
Tổ chức Y tế thế giới hôm qua đã phải nâng cấp độ cảnh báo dịch Covid 19 lên mức “rất cao” và kêu gọi tất cả những nước hiện còn “miễn nhiễm” tăng cường khả năng sẵn sàng đối phó dịch bệnh. Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc này cũng cảnh báo, mọi tâm lý chủ quan, tự tin mình “an toàn” trước dịch bệnh đều có thể trở thành một “sai lầm nghiêm trọng”.
Giám đốc điều hành cơ quan khẩn cấp Tổ chức Y tế thế giới Michale Ryan nhấn mạnh: “Những gì chúng ta thấy tại Trung Quốc hiện nay là dịch bệnh đã được kiểm soát đáng kể. Nếu chúng không hành động, không có sự chuẩn bị và nếu chúng ta chưa sẵn sàng, thì điều tồi tệ sẽ chờ đợi chúng ta ở phía trước. Vì vậy, việc kiểm soát dịch bệnh không nằm ở virus, mà nằng trong tay chính chúng ta”.
Tại New York, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres mới đây khẳng định, giờ không phải là lúc để hoảng loạn, mà là chuẩn bị đẩy đủ để ngăn chặn sự lây lan của Covid- 19.
Trong một dấu hiệu đáng khích lệ, trong số hơn 85.000 người nhiễm bệnh trên thế giới, gần 40.000 người, tức gần 1 nửa đã khỏi bệnh./.