Người dẫn chương trình “Nói thẳng” của đài RT – Peter Lavelle, cho biết hiện nay tồn tại khả năng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan xoay trục sang Nga, tuy nhiên điều này sẽ không xảy ra trong ngắn hạn.

tho_nhi_ky_my_vunk.jpg
Tổng thống Thổ Erdogan (trái) và Tổng thống Mỹ Obama. Ảnh: AP.

Hôm 9/8 Tổng thống Thổ Erdogan chào đón Tổng thống Nga Putin, gọi ông là “người bạn thân Vladimir”, đối lập với thái độ trước đó mà ông này dành cho Nga, khi Ankara từ chối xin lỗi về việc bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga dọc theo biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. (Khi đó Nga tuyên bố máy bay tiêm cường kích Su-24 của họ chưa bao giờ xâm nhập không phận Thổ Nhĩ Kỳ, còn Ankara tuyên bố chiếc phi cơ đó đã bay vài mét vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ trong khoảng 16 giây).

Sau khi một viên phi công của chiếc máy bay này bị các phiến quân Syria trên mặt đất sát hại, căng thẳng biên giới giữa 2 nước gia tăng, còn Tổng thống Erdogan nhất quyết không chịu xin lỗi. Sau đó Nga cấm du khách nước mình sang Thổ cũng như cấm nhập lương thực từ Thổ - 2 nguồn thu quan trọng của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng từ sau tháng 11/2015, đã có nhiều diễn biến mới, đáng lưu ý là cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/7/2016.

Từ sau cuộc đảo chính này, chính quyền Erdogan đã cáo buộc Mỹ đóng vai trò đáng kể trong âm mưu đảo chính. Ông Erdogan bóng gió rằng đồng minh trong quá khứ và kẻ thù không đội trời chung trong hiện tại của mình – giáo sĩ Gulen, là một “con tốt” trong các chiến dịch quân sự và tình báo của Mỹ.

Các báo Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn đi thêm một bước xa hơn nữa khi xuất bản các bức ảnh về một vị tướng cấp cao của Mỹ với hàng tít lớn “Người đứng đằng sau cuộc đảo chính”.

Thái độ thù địch này từ phía ông Erdogan đã khiến ông bị nhiều lãnh đạo ở châu Âu “coi thường”.  

MC chương trình truyền hình “Nói thẳng” của đài RT, Peter Lavelle, đã thảo luận các ám chỉ từ địa hạt chính trị sau đảo chính và diễn biến quan hệ Nga-Thổ trong bối cảnh mới, khi Ankara xa lánh phương Tây thêm một bước nữa.

Ông Lavelle nói: “Erdogan biết rằng ông có một số lựa chọn ngay phía trước mặt mình. Ông đã thể hiện sự sẵn lòng cài đặt lại quan hệ với một số nước. Cuộc đảo chính bất thành vừa qua và những bí ẩn bao quanh cuộc đảo chính này đã tác động đến cách nghĩ của ông ấy”.

MC của RT nói thêm: “Quân đội [Thổ] đã chỉ rõ cho ông Erdogan thấy rằng Thổ Nhĩ Kỳ không nhất thiết phải có quan hệ căng thẳng với Nga, bởi theo hướng đó ông Erdogan sẽ lại thấy mình rơi vào trạng thái cô lập một lần nữa giống như khi có khủng hoảng Syria.”

Liệu Thổ sẽ xa lánh NATO và EU để xích lại Nga?

Về điều này, ông Lavelle nói: “Tôi nghĩ rằng điều mà Thổ sẽ thực hiện là chơi với nhiều bên để đạt được cái họ muốn – điều này hoàn toàn tự nhiên. Người Nga cũng ý thức rõ điều đó. Thổ sẽ không sớm rời khỏi NATO nhưng sẽ điều chỉnh tư cách thành viên của mình để thu được một số điều họ mong muốn trong khu vực. Tôi không thấy điều gì rõ ràng về việc họ sẽ quay lưng hoàn toàn với NATO và rơi vào quỹ đạo của Nga, Trung Quốc và Iran. Nếu có thì chắc là vào một thời điểm nào đó sau này”./.