Trong khi thế giới vẫn đang đồn đoán về khả năng đối đầu giữa Mỹ và Iran sau vụ không kích làm tướng lĩnh Iran thiệt mạng tại Baghdad, Iraq-tâm điểm mới trong cuộc chiến giữa hai bên cũng đang thảo luận biện pháp phản ứng. Một số chuyên gia cho rằng cuộc không kích của Mỹ đang làm gia tăng nguy cơ quân đội Mỹ phải rời khỏi quốc gia Trung Đông này. Quốc hội Iraq ngày mai (5/1) sẽ có phiên họp khẩn để thảo luận về vụ tấn công của Mỹ và chủ quyền của Iraq.
Quân đội Mỹ ở Iraq. Ảnh: Reuters |
Các công nhân dầu mỏ Mỹ đang sơ tán khỏi Iraq với lo ngại về cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Iran đang gia tăng. Trong khi đó tại thành phố Karbala của Iraq- những người cầu nguyện đang hô vang khẩu hiệu chống Mỹ. Những người biểu tình tại Quảng trường Tahrir Square ở trung tâm Baghdad cũng đưa các biểu ngữ kêu gọi “hãy đưa cuộc xung đột của Mỹ và Iran tránh xa Iraq”.
Một người dân Baghdad bày tỏ: “Chúng tôi không muốn ảnh hưởng của Iran, chúng tôi cũng lên án sự can thiệp của Mỹ vào vấn đề nội bộ của Iraq. Người dân Iraq không muốn bị đẩy vào cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran”.
Thủ tướng tạm quyền Iraq Adel Abdul Mahdi đã có phản ứng sau vụ tấn công của Mỹ, gọi đây hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Iraq và Quốc hội sẽ có cuộc họp để thảo luận về sự hiện diện tương lai của Mỹ tại Iraq. Ông Adel Abdul Mahdi cho biết, chính phủ sẽ cân nhắc các biện pháp thích hợp để bảo vệ chủ quyền, sự toàn vẹn và an ninh của Iraq, bao gồm việc liệu có đề nghị người Mỹ rời khỏi Iraq hay không.
Lãnh đạo Hồi giáo tối cao dòng Shia tại Iraq Ayatollah Ali Sistani cũng lên án vụ tấn công: “Hành động xâm lược gần sân bay quốc tế là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của Iraq và các tiêu chuẩn quốc tế. Hành động này cũng khiến một số người anh hùng trong cuộc chiến chống khủng bố của Iraq thiệt mạng”.
Điều này cho thấy việc giết hại tướng Soleimani- một phát súng chống lại Iran có thể giúp thúc đẩy một mục tiêu dài hạn của Iran đó là đẩy quân đội Mỹ ra khỏi Iraq. Chuyên gia Mohammad Shabani của trường đại học nghiên cứu vấn đề châu Phi tại Luân Đôn cho rằng, cái chết của ông Soleimani có thể là dấu chấm hết cho sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Iraq
Mỹ hiện có khoảng 5.000 quân tại Iraq tại một số căn cứ, với mục tiêu chủ yếu là huấn luyện cho quân đội Iraq. Theo ông Richard N. Haass - Chủ tịch Hội đồng quan hệ đối ngoại, chưa biết liệu Mỹ đi hay ở Iraq nhưng có một điều là sau cuộc không kích này sẽ ảnh hưởng lớn đến sự hợp tác giữa Mỹ và Iraq. Nếu sự hiện diện quân sự của Mỹ chấm dứt tại Iraq sẽ là cơ hội để Iran gia tăng ảnh hưởng.
Tuy vậy cũng có những ý kiến cho rằng, cuộc tấn công nằm trong chiến lược của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong nhiều tháng qua, Mỹ cáo buộc Iran đứng sau hàng loạt các vụ tấn công trong khu vực và phản ứng của Mỹ được cho mềm mỏng. Do vậy, các quan chức Mỹ cho rằng cần phải gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng Nhà Trắng không sợ súng ống và Iran chưa có đủ sức mạnh quân sự để “so găng” với Mỹ trong chiến tranh. Chuyên gia Kenneth M. Pollack thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ cho rằng, đây cũng là một thông điệp gửi tới các nhà lãnh đạo Iraq trong bối cảnh ảnh hưởng của Iran ngày càng lớn tại quốc gia Trung Đông này.
Nước Mỹ đến với Iraq được cho là chỉ có một màu quân sự, mà theo nhiều người nhận định là dùng Iraq như mặt trận chống lại Iran. Ngược lại, Iran mở ảnh hưởng tại Iraq trên mọi mặt trận từ văn hóa, chính trị, tôn giáo. Quốc hội Iraq ngày mai chắc chắn sẽ đưa vấn đề hiện diện của quân đội Mỹ tại Iraq nhưng có ít khả năng chính phủ thực sự sẽ trục xuất quân đội Mỹ ra khỏi quốc gia này. Nhiều nhà lãnh đạo Iraq vẫn coi sự hiện diện của Mỹ là quan trọng đối với an ninh của họ, đặc biệt trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Cắt đứt mối quan hệ với Mỹ cũng có nghĩa là Iraq sẽ mất sự tiếp cận về hỗ trợ quân sự nhiều mặt. Ngoài ra, đối với nhiều quan chức Iraq, sự huấn luyện của Mỹ đối với lực lượng an ninh Iraq cũng sẽ đảm bảo được lợi thế đối trọng trước ảnh hưởng của Iran./.