Ngày 18/10, một sự việc chưa từng có tiền lệ đã xảy ra tại Liên Hợp Quốc khi Saudi Arabia từ chối ngồi vào ghế thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo An sau khi được bầu. Vụ việc hy hữu nói trên được phía Saudi Arabia giải thích là để phản đối sự thiếu năng lực của cơ quan này trong việc giải quyết các xung đột trên thế giới.

hoi-dong-bao-an-thx-1.jpg
Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liêp Hợp Quốc ở New York (Ảnh: Tân Hoa xã)

Theo hãng tin AP, quyết định trên được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Saudi Arabia được bầu trở thành một trong 10 thành viên không thường trực trong tối 17/10. Đây là động thái tiếp theo của quốc gia vùng Vịnh nhằm bày tỏ sự không hài lòng, sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Saud al-Faisal từ chối phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong phiên họp tháng 9/2013.

Bộ Ngoại giao Saudi Arabia ra tuyên bố cho hay: “Saudi Arabia sẽ không nhận ghế thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho đến khi Hội đồng này cải cách để có thể thực hiện trách nhiệm duy trì an ninh và hòa bình quốc tế một cách có hiệu quả”.

Quyết định “vô tiền khoáng hậu” của Saudi Arabia đã vấp phải sự chỉ trích kịch liệt của Nga. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga ngày 19/10 nêu rõ: "Chúng tôi bất ngờ với quyết định chưa từng có tiền lệ của Saudi Arabia - ứng cử viên từng nhận được sự hỗ trợ của đông đảo các thành viên của Liên Hợp Quốc tại cuộc họp vừa qua. Với quyết định này, Saudi Arabia đã tự loại mình ra khỏi công việc chung của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm thúc đẩy hòa bình và an ninh quốc tế”.

Phía Nga cũng cho rằng, sự chỉ trích của Saudi Arabia với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên quan tới cuộc xung đột Syria là điều bất bình thường và gây hoang mang dư luận.

Phản ứng mạnh mẽ của phía Nga là điều hoàn toàn dễ hiểu khi Nga và Saudi Arabia đã có nhiều bất đồng trong cách thức giải quyết cuộc xung đột tại Syria. Trong khi Nga ủng hộ cho chính quyền của Tổng thống Syria al-Assad thì Saudi Arabia là nhà tài trợ chính cho phe đối lập trong cuộc nội chiến kéo dài gần 3 năm qua ở Syria.

Trái ngược với Nga, Pháp, một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an lại bày tỏ sự cảm thông với quyết định của Saudi Arabia. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp nói: “Chúng tôi chia sẻ sự thất vọng của họ (Saudi Arabia) về sự ‘bất lực’ của Hội đồng Bảo an trong việc giải quyết một số vấn đề quốc tế”.

Trong một thông cáo báo chí của Liên Hợp Quốc liên quan tới quyết định trên của Saudi Arabia, ông Ban Ki-moon nói: “Tôi khuyến khích tất cả các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc tham gia đầy đủ vào các cơ quan quan trọng của Tổ chức này”.

Đồng minh thân cận của Saudi Arabia là Mỹ cũng có một thái độ khá mềm mỏng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói: “Saudi Arabia đã có quyết định của họ… Chúng tôi hiểu các quốc gia khác nhau sẽ có các phản ứng khác nhau, nhưng về phần mình, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Saudi Arabia về các vấn đề hai bên cùng quan tâm”.

Mục tiêu công kích của Saudi Arabia là Mỹ

Theo giới phân tích, quyết định của Saudi Arabia đã phản ánh một cách rõ nét sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa nước này với Mỹ. Quyết định của phía Saudi Arabia được cho là để bày tỏ sự bất bình trước các quyết định của đồng minh Mỹ liên quan đến các vấn đề Syria, Iran, Ai Cập và chính sách của Mỹ ở Trung Đông.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (Ảnh: PressTV)

Chuyên gia phân tích Michael Doyle, cựu cố vấn đặc biệt cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan từ 2001-2003 cho rằng, mặc dù tuyên bố không hài lòng với cách thức làm việc của Hội đồng Bảo an nhưng hành động của Saudi Arabia thực chất nhắm đến mục tiêu chính là Mỹ.

Ông Doyle nói: “Phía sau những tuyên bố của Saudi Arabia, không khó để nhận ra mục tiêu thực sự họ muốn nhắm đến chính là Washington chứ không phải là Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.

Theo ông Doyle: “Cái cách mà Riyadh lựa chọn chính là để bày tỏ sự thất vọng trước sự thay đổi của Washington với các chính sách ở Trung Đông. Những chính sách của Mỹ trong giai đoạn này dường như không có cùng chung quan điểm với Saudi Arabia”.

Giáo sư Charles Dunbar của Đại học Boston bình luận: "Quyết định của Riyadh cho thấy sự lạnh nhạt trong quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia. Syria và Iran chính là hai nhân tố nổi bật nhất có tác động chủ yếu đến sự chuyển hướng trong mối quan hệ ấy”.

Cùng có chung quan điểm, ông George Lopez, chuyên gia thuộc Viện Hòa bình Mỹ nhận định: “Tôi cho rằng hầu hết các nhà phân tích đều nhận thấy đây là một phản ứng của Saudi Arabia thể hiện sự bất bình của nước này với Mỹ trước các quyết định của Washington trong vấn đề Ai Cập, những đề xuất và những triển vọng về một sự thỏa hiệp giữa Mỹ và Iran xung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi và cả trong việc Mỹ rút lại kế hoạch tấn công Syria”.

Trên thực tế, trong khi Saudi Arabia là quốc gia tài trợ, ủng hộ lực lượng đối lập ở Syria mạnh mẽ nhất thì Mỹ cũng đã rất “sốt sắng” trong việc can thiệp quân sự để trừng phạt Chính quyền ông Assad sau vụ tấn công ngày 21/8 ở ngoại ô Damascus làm hơn 1.400 người thiệt mạng.

Tuy nhiên, Washington đã “quay ngoắt 180 độ” khi ký một thỏa thuận với Nga để giải giáp kho vũ khí hóa học ở Syria, đồng nghĩa với việc không tiến hành can thiệp quân sự vào nước này. Động thái này của phía Mỹ chẳng khác nào một gáo nước lạnh “dội vào” những nỗ lực của Saudi Arabia khi họ tuyên bố mọi thứ đã sẵn sàng để tấn công Syria.

Bên cạnh đó, Saudi Arabia và Mỹ cũng nảy sinh bất đồng xung quanh những diễn biến trong thời gian qua tại Ai Cập. Trong khi Saudi Arabia ủng hộ mạnh mẽ việc quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống Morsi, thậm chí còn viện trợ thêm hàng tỷ USD cho chính phủ lâm thời do quân đội hậu thuẫn tại Ai Cập, thì Mỹ lại lên tiếng chỉ trích hành động của quân đội Ai Cập và đe dọa cắt viện trợ quân sự.

Động thái “bất thường” của Saudi Arabia được đưa ra đúng vào thời điểm mà mối quan hệ giữa Mỹ và Iran - “đối thủ truyền kiếp” của Saudi Arabia có những dấu hiệu được cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây càng khiến cho dư luận có cơ sở nghi ngờ mục tiêu công kích thực sự của Saudi Arabia.

Vào cuối tháng 10 vừa qua, người đứng đầu cơ quan tình báo Saudi Arabia, Hoàng tử Bandar bin Sultan al- Saud đã tiết lộ rằng, Saudi Arabia sẽ dần tách ra khỏi sự ràng buộc với Mỹ, và mô tả đây sẽ là "một sự thay đổi lớn".

Theo Giáo sư F. Gregory Gause tại Đại học Vermont, một chuyên gia nghiên cứu về chính sách đối ngoại của các quốc gia vùng Vịnh như Saudi Arabia thì mối quan hệ Mỹ - Arab đang có những cẳng thẳng xung quanh các vấn đề cơ bản mà nguyên nhân chủ yếu là do chính sách đối ngoại có sự khác biệt rõ rệt.

Quan hệ Mỹ - Saudi Arabia “rạn” nhưng khó “vỡ”

Đoán biết được những “bất mãn” của đồng minh thân cận ở Trung Đông, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khi có mặt ở Riyadh hôm 4/11 đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Saudi Arabia là đối tác “không thể thay thế” và là “nhân vật quan trọng” với Mỹ trong khối các nước Arab.

Ngoại trưởng Mỹ Kerry trong cuộc gặp với người đồng cấp Saudi Arabia, al-Failsal (Ảnh: Reuters)

Trong một cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Saud al-Faisal, ông Kerry nói: “Chúng ta có thể có những khác biệt về ‘chiến thuật’ với một vài vấn đề nhưng trên hết, chúng ta là những người bạn, tình bạn ấy mạnh hơn tất cả những khác biệt, bất đồng tại 1 thời điểm nhất định nào đó”.

Ông Kerry khẳng định, Mỹ sẽ bảo vệ Riyadh trước các tấn công từ bên ngoài - một thông điệp mà trước đó các quan chức Mỹ hiếm khi nhắc tới. Ông Kerry cũng cam kết sẽ thường xuyên cập nhật cho hoàng gia Saudi về diễn biến các cuộc hội đàm giữa các cường quốc với Iran về chương trình hạt nhân “để đảm bảo không có bất ngờ nào”.

Ông Fareed Zakaria, nhà phân tích vấn đề quốc tế của Washington Post, biên tập viên Tạp chí Times nói: “Nếu có một giải thưởng dành cho chính sách đối ngoại vô trách nhiệm nhất thì chắc chắn nó sẽ được trao cho Saudi Arabia”.

Ông Zakaria giải thích: “Đây là quốc gia phải chịu trách nhiệm chính cho sự nổi lên của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Saudi Arabia với nguồn tiền gần như vô hạn từ dầu mỏ đã góp phần kích động bạo lực thông qua hoạt động tài trợ cho các lực lượng nổi dậy”.

Bình luận về nhận định trên, giáo sư Gause cho rằng, quan điểm trên không hoàn toàn sai. Tuy nhiên, với Mỹ, Saudi Arabia vẫn là một đối tác cần thiết vì “các lợi ích cốt lõi chung vẫn còn đó, chẳng hạn như vịnh Ba Tư, sẽ kéo 2 nước gần lại với nhau”.

Sau các cuộc gặp với người đồng cấp chủ nhà, Hoàng thân Saud Al-Faisal và Quốc vương Abdullah, sứ mệnh hàn gắn các rạn nứt với Saudi Arabia của ông J.Kerry có vẻ như đã hoàn thành. Những phát biểu từ cả hai phía khẳng định quan hệ Mỹ - Saudi Arabia mang tính chiến lược, bền vững. 

Trong mối quan hệ với Saudi Arabia, Washington tìm thấy ở Riyadh nguồn cung cấp dầu mỏ dồi dào và một căn cứ địa đắt giá nhằm duy trì, mở rộng vai trò của họ tại Trung Đông. Hoàn toàn trái ngược với mối quan hệ thường xuyên biến động thăng trầm với các quốc gia Arab khác, Mỹ và Saudi Arabia luôn duy trì mối quan hệ tốt đẹp kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao.

Ông Thomas Lippman, một chuyên gia Saudi Arabia tại Viện Trung Đông ở Washington, DC, cũng đồng tình với quan điểm trên với khẳng định cho rằng, "những nền tảng căn bản" của mối quan hệ Mỹ - Saudi Arabia vẫn được giữ nguyên .

Ông Lippman giải thích: “Hãy suy nghĩ về nguyên nhân sâu xa của mối quan hệ này. Giao dịch mua bán vũ khí, huấn luyện và trang bị cho quân đội, lực lượng hải quân ở vùng Vịnh, các mối quan hệ kinh tế… Tất cả những gì 2 nước đã và đang có với nhau cho thấy cả 2 đều có lợi ích cơ bản liên quan, vì thế nên mối quan hệ đó vẫn sẽ được duy trì”.

Với sự thay đổi chiến thuật của Mỹ trong các vấn đề Iran, Syria, mối quan hệ đồng minh khăng khít giữa Mỹ và Saudi Arabia chắc chắn sẽ có những thăng trầm nhất định. Tuy nhiên, vì có quá nhiều sự phụ thuộc lẫn nhau nên quan hệ giữa hai đối tác lâu năm này khó có thể đổ vỡ./.