TheoReuters, điều này đã khiến mối quan hệ vốn không mấy tốt đẹp giữa Nga và phương Tây trở nên xấu đi trông thấy.
Quá trình điều tra bị lực lượng ly khai ngăn trở
Trong khi lực lượng ly khai tại miền Đông vẫn tiếp tục ngăn trở các quan sát viên quốc tế tiếp cận hiện trường, ngày 20/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thúc giục lực lượng ly khai cần hợp tác với nhóm quan sát viên và cho rằng cuộc điều tra do Liên Hợp Quốc ra lệnh tiến hành không được đưa ra kết luận một cách vội vã.
Ngoài ra, Nga cũng đã phủ nhận việc có liên quan đến việc máy bay MH17 bị bắn hạ và đổ lỗi cho quân đội Ukraine.
Trong khi đó Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang xem xét ra một nghị quyết lên án vụ tấn công nói trên và yêu cầu lực lượng ly khai phải cho các nhân viên điều tra quốc tế tiếp cận hiện trường và các nước trong khu vực diễn ra vụ tai nạn nói trên cần phải hợp tác với các nhân viên điều tra nói trên.
Australia, nước có 28 công dân thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay nói trên đã soạn thảo bản dự thảo nghị quyết nói trên để đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào cuối ngày hôm nay (20/7) và việc bỏ phiếu thông qua nghị quyết này sẽ được tiến hành sáng 21/7.
Trong khi đó Hà Lan, nước có nhiều công dân thiệt mạng trong vụ MH17 nói trên cho biết họ rất giận dữ về việc xử lý không tốt thi thể của các nạn nhân còn đang vương vãi khắp nơi và yêu cầu Tổng thống Ukraine phải hỗ trợ đưa thi thể của những công dân Hà Lan bị thiệt mạng về nước.
Lực lương ly khai bác bỏ việc cản trở quá trình điều tra
Trong khi đó, tại Donetsk, Thủ tướng tự phong của chính quyền ly khai Alexander Borodai tuyên bố chính quyền Kiev mới là bên ngăn trở các chuyên gia quốc tế đến điều tra vụ máy bay MH17 và có thể chính quyền Kiev mới là bên gây ra tai nạn thảm khốc nói trên.
Ông Borodai cũng bác bỏ tuyên bố trước đó của lực lượng ly khai rằng họ đã tìm ra được một chiếc hộp đen của máy bay và rằng lực lượng ly khai đang cố tránh làm hư hại hiện trường.
“Có một thi thể rơi trúng vào giường ngủ của một bà cụ già và bà đã khẩn thiết yêu cầu chuyển thi thể đó đi nhưng chúng tôi không thể làm sai lệch hiện trường”, ông Borodai nói.
“Thi thể của nhiều người vô tội đang phơi ra trong điều kiện thời tiết nóng và chúng tôi bảo lưu quan điểm rằng nếu chính quyền Kiev cứ tiếp tục cản trở việc điều tra, thì chúng tôi sẽ bắt đầu quá trình dọn dẹp những thi thể nói trên và yêu cầu Nga cử chuyên gia đến giúp chúng tôi, ông Borodai khẳng định.
Trong khi đó, Hội đồng An ninh Ukraine cho biết các nhân viên của Bộ Tình trạng khẩn cấp nước này đã tìm thấy 186 thi thể và đã kiểm tra được 18km2 trên tổng số 25km2 hiện trường vụ tai nạn. Tuy nhiên, các nhân viên của họ không được tự do tiến hành các cuộc điều tra.
“Lực lượng ly khai đã để cho các nhân viên của chúng tôi làm việc tại đây nhưng họ không cho các nhân viên lấy bất cứ thứ gì ra khỏi hiện trường. Trong khi đó, lực lượng ly khai lại lấy đi tất cả những gì chúng tôi tìm thấy”, người phát ngôn Hội đồng An ninh Ukraine Andriy Lysenko nói
Phương Tây đồng loạt thúc ép Nga
Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết tổn thất trong vụ rơi máy bay MH17 cho thấy đây là thời điểm để kết thúc cuộc xung đột tại Ukraine và Đức coi đó là cơ hội cuối cùng để Nga hợp tác với phương Tây trong việc này.
Rất nhiều nước phương Tây cũng đã tin tưởng cáo buộc của Mỹ rằng lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraine do Nga hậu thuẫn là thủ phạm vụ bắn rơi máy bay nói trên.
Điều này có thể dẫn đến việc các nước phương Tây sẽ lại sớm đưa ra một lệnh trừng phạt thương mại mới đối với Nga mà không cần phải chờ đợi một bằng chứng cụ thể bào về vụ rơi máy bay MH17.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutt nhấn mạnh: “Ông ấy (Tổng thống Nga Putin) đang có một cơ hội cuối cùng để chứng tỏ rằng ông ấy thực sự muốn hợp tác”.
Anh, nước có 10 công dân thiệt mạng, cho biết các lệnh cấm vận đối với Nga đã sẵn sàng. Trong bức thư được đăng tải trên tạp chí Sunday Times, Thủ tướng David Cameron nêu rõ các nước châu Âu cần phải cho thấy sức mạnh thực sự của mình dù “trong nhiều trường hợp EU đã hành xử như thể chúng tôi cần Nga hơn là Nga cần chúng tôi”.
Trong khi đó, trong cuộc trao đổi với Tổng thống Nga Putin này 19/7, Thủ tướng Đức Merkel đã thúc giục Nga hợp tác với phương Tây. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier trả lời phỏng vấn tờ Bild am Sonntag nhấn mạnh “Moscow có thể có cơ hội cuối cùng để cho thấy họ thực sự quan tâm đến một giải pháp cụ thể”.
“Giờ là lúc chúng ta cần phải dừng lại và tự nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không ngừng việc leo thang căng thẳng”, ông Steinmeier nói.
Ukraineđưa ra những bằng chứng chống lại Nga
Chính quyền Ukraine cho biết họ đang nắm trong tay những bằng chứng rõ ràng rằng hệ thống tên lửa BUK M1 của Nga không những được đưa sang Ukraine từ Nga mà còn được 3 công dân Nga điều khiển trước khi được đưa lên một chiếc xe tải trở về Nga.
Thủ tướng Ukraine đã bác bỏ những lời cáo buộc của Nga rằng quân đội Ukraine đã phóng tên lửa hạ máy bay MH17 và nhấn mạnh “chỉ có một khẩu đội cực kỳ chuyên nghiệp”, mới có khả năng bắn hạ một chiếc máy bay dân sự đang bay rất nhanh ở độ cao 10km chứ không thể là “những chiến binh ly khai say khướt” vốn được huấn luyện rất thiếu bài bản ở miền Đông Ukraine.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng đã kêu gọi Liên Hợp Quốc liệt lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraine là các “tổ chức khủng bố”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng mỹ John Kerry đã bày tỏ với người đồng cấp Nga Lavrov rằng Mỹ rất quan ngại về những báo cáo cho thấy thi thể của các nạn nhân máy bay MH17 cũng như nhưng mảnh vỡ từ vụ tai nạn nói trên đã bị di chuyển.
Ông Kerry cũng tuyên bố Washington rất lo ngại về việc phiến quân không cho các nhân viên điều tra quốc tế của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tiếp cận hiện trường.
“Đây là một điều không thể chấp nhận được và là một sự xúc phạm đối với những người đang mất người thân cũng như xúc phạm đến phẩm giá của những người đã khuất”, người phát ngôn của ông Kerry, bà Jen Psaki lên tiếng./.