TheoAFP, nhận định trên được các chuyên gia phương Tây đưa ra cùng với cáo buộc rằng, việc Nga tuyên bố không kích chống IS chỉ là “cái cớ” để Nga có thể hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad chiến đấu chống lại phe đối lập ở Syria.

may_bay_nga_tfyd.jpg
Máy bay Nga rời căn cứ Hmemim ở Syria để không kích IS. Ảnh Sputnik

Nghi ngờ mục đích thật sự trong các cuộc không kích của Nga

“Ưu tiên của Nga là bảo vệ “một Syria hữu dụng cho họ”, ông Michel Goya, một nhà nghiên cứu lịch sử quân sự tại Đại học Sciences Po ở Paris nhận định.

Theo ông Goya, mục tiêu hàng đầu của Nga là tấn công vào Mặt trận Al- Nusra, một nhánh của Al-Qaeda tại Syria, vốn được coi là mối đe dọa lớn đối với Nga trong khu vực hơn cả IS.

Ông Goya cho rằng, số lượng ít ỏi các cuộc không kích của Nga nhằm vào IS “chỉ để hợp thức hóa chiến dịch quân sự của họ. Trên thực tế, đánh bại IS không phải là ưu tiên của Nga”.

“Chiến thuật của Nga là đảm bảo một khu vực an toàn cho người Alawite trong khi để lại khu vực hoang mạc ở phía Đông cho IS”, ông Igor Sutyagin một chuyên gia Mỹ nhận định.

Nga có ưu thế về thông tin tình báo hơn Mỹ

Các chuyên gia phương Tây cố ý dè bỉu, 34 máy bay chiến đấu của Nga đang đồn trú tại căn cứ không quân ở Latakia, Syria chỉ là “mớ hỗn độn” của những chiến đấu cơ lỗi thời như Su-24 và các máy bay tối tân như Su-34.

Hơn thế nữa, theo họ, hệ thống tên lửa của Nga cũng đã lạc hậu và thiếu hẳn tính năng “tự dò tìm mục tiêu” hiện đại mà Mỹ đang sử dụng.

Phi công Nga lắp đặt vũ khí lên máy bay Su-30 trước một cuộc không kích. Ảnh Sputnik

“Hệ thống tên lửa mà Nga đang sử dụng chỉ có thể được mô tả một cách lịch sự là “không còn hợp thời” nữa”, ông Douglas Barrie, một chuyên gia hàng không quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London nhận định.

Theo ông Barries, Nga chủ yếu thả bom không dẫn đường từ độ cao trung bình xuống các mục tiêu dưới mặt đất và ngay cả khi bay cực thấp thì máy bay Nga cũng không gặp phải mối đe dọa gì nghiêm trọng.

“Khu vực mà Nga tiến hành dội bom là khá an toàn bởi các nhóm phiến quân hầu như không có vũ khí phòng không mà chỉ có súng máy và các loại vũ khí hạng nhẹ. Một vài nhóm phiến quân có thể có tên lửa phòng không vác vai nhưng loại vũ khí này cũng không đủ để đe dọa các máy bay của Nga”, ông Barrie giải thích.

“Thách thức thực sự trong các cuộc xung đột như thế này là phải xác định chính xác mục tiêu. Sẽ là “đem dao mổ trâu đi giết gà” nếu điều máy bay chiến đấu đi tấn công mỗi một chiếc xe bán tải”, ông Goya nói.

Nga dùng máy bay “che chở trên đầu” ông Assad?

Các chuyên gia phương Tây cũng cáo buộc rằng, với việc đưa máy bay vào không kích Syria, Nga đang tạo ra “một vùng cấm bay thực sự” để bảo vệ ông Assad.

“Bạn không thể tấn công ông Assad và các máy bay thuộc biên chế Không quân Syria bởi rất có khả năng các máy bay Nga sẽ bị vạ lây, dù khả năng này có thể là cực thấp”, ông Goya nhận định.

Phiến quân IS là mục tiêu chung trong các cuộc không kích của Nga và Mỹ dù mục đích của 2 bên là hoàn toàn khác nhau. Ảnh AP

Ngoài ra, việc Thổ Nhĩ Kỳ phải điều máy bay chiến đấu ngăn chặn máy bay Nga vô tình đi vào không phận của nước này cũng làm dấy lên lo ngại rằng Nga đang cố tình ngáng đường NATO và đồng minh bay vào không phận Syria.

“Tôi không tin rằng đó là sự vô tình”, một quan chức cao cấp của Mỹ tuyên bố: “Đây là hành vi cực kỳ thiếu chuyên nghiệp mà chúng tôi rất muốn tránh”.

Chỉ vừa mới tuần trước, Lầu Năm Góc và Bộ Quốc phòng Nga đã tổ chức cuộc họp cấp cao để tránh khả năng đụng độ trên không ở Syria khi mà cả Nga và Mỹ đều tuyên bố đang tiến hành không kích IS tại quốc gia Trung Đông này.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phương Tây nghi ngờ rằng, việc máy bay Nga vô tình đi vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ là nằm trong một kế hoạch lớn hơn của Nga.

"Cả Nga và phương Tây đều muốn đảm bảo rằng, những vụ việc như thế này sẽ không bao giờ xảy ra sau khi mối quan hệ giữa Nga, phương Tây và NATO nguội lạnh hơn bao giờ hết”, ông Barrie nói./.