Chính vì thế, trong khi Philippines hoan nghênh phán quyết từTòa Trọng tài Thường trực (PCA) về vụ nước này kiện Trung Quốc ở Biển Đông và lên tiếng kêu gọi các bên cần tuân thủ chặt chẽ phán quyết này thì ở phía ngược lại, Trung Quốc lại tiếp tục giọng điệu thách thức khi tuyên bố không công nhận tính pháp lý của Tòa trọng tài quốc tế thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS cũng như sẽ không tuân thủ phán quyết do PCA công bố ngày 12/7.

Điều này là bởi, dựa trên phán quyết từ PCA, có thể thấy rõ rằng, Trung Quốc sẽ không có lý do gì để duy trì cái gọi là “đường 9 đoạn” mà nước này ngang nhiên công bố với lý do có “chứng cứ lịch sử và pháp lý” [mà Trung Quốc ngụy tạo-ND] đối với “đường 9 đoạn” này.

Ngoài ra, phán quyết của PCA cũng đánh mạnh vào nỗ lực cải tạo đảo phi pháp của Trung Quốc ở Trường Sa khi khẳng định, toàn bộ thực thể tại đây đều không phải là đảo và vì vậy không trở thành căn cứ để xác lập lãnh hải 12 hải lý hay vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý trong trường hợp một bên nào đó kiểm soát các thực thể này.

bai_chu_thap_fhwd.jpg
Trung Quốc cải tạo trái phép trên bãi Chữ Thập. Ảnh: CSIS.

Thế giới hoan nghênh, Trung Quốc bác bỏ

Không chỉ “thiệt đơn thiệt kép” trên thực địa, Trung Quốc còn tự đẩy mình vào thế bị cô lập trên “mặt trận” truyền thông khi phát đi những tuyên bố đi ngược lại hoàn toàn với những gì cộng đồng thế giới phản ứng sau khi PCA công bố phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngay sau khi có phán quyết từ PCA, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông nhưng sẽ không chấp nhận bất cứ quan điểm hay hành động nào dựa trên phán quyết của PCA liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngang nhiên thách thức, dù phán quyết do PCA công bố có như thế nào đi chăng nữa cũng sẽ không ảnh hưởng đến chủ quyền [phi pháp đối với đường 9 đoạn của Trung Quốc-ND].

“Dù PCA có ra phán quyết như thế nào, các lực lượng vũ trang Trung Quốc quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia cũng như lợi ích về an ninh và hàng hải, hòa bình và ổn định trong khu vực và sẽ đối phó với mọi mối đe dọa và thách thức”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố.

Thái độ của Trung Quốc hoàn toàn đi ngược lại với những tuyên bố hoan nghênh phán quyết của Tòa trọng tài ở PCA từ Philippines, Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố hoan nghênh phán quyết mang tính lịch sử của PCA. Theo Bộ Ngoại giao Philippines phán quyết này hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế và các bên có liên quan cần phải hành xử một cách có trách nhiệm và kiềm chế khi đưa ra phản ứng liên quan đến phán quyết của Tòa.

Ông Paul Reichler, luật sư của hãng Foley Hoag LLP, đại diện cho Philippines trong vụ kiện Biển Đông, chia sẻ: “Chúng tôi cho rằng, đây không chỉ là thắng lợi của Philippines mà còn của luật pháp và quan hệ quốc tế”.

Theo ông Reichler, phán quyết này “đóng góp rất lớn về sức mạnh” cho UNCLOS- còn được biết đến với tên gọi Hiến pháp về Đại dương.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nêu rõ quyết định của Toà Trọng tài là một đóng góp quan trọng vào mục tiêu chung trong việc giải quyết một cách hoà bình những tranh chấp tại Biển Đông.

Theo ông Kirby, khi tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, các bên đều nhất trí với quy trình giải quyết tranh chấp bắt buộc được quy định trong Công ước. Quyết định của Toà Trọng tài là cuối cùng, mang tính ràng buộc pháp lý và có thể tạo cơ hội mới cho các nỗ lực giải quyết các tranh chấp biển một cách hoà bình.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố “phán quyết của PCA là cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý” và các bên liên quan đến vụ kiện Biển Đông phải tuân thủ phán quyết này.

Cần giữ cái đầu lạnh sau phán quyết từ PCA

Chuyên gia Termsak Chalermpalanupap tại Viện Nghiên cứu ASEAN nhận định, phán quyết từ PCA là đòn giáng mạnh vào “niềm kiêu hãnh và thể diện của Trung Quốc”. Tuy nhiên, ông cũng kêu gọi các quốc gia khác không nên “xát muối vào vết thương này”.

Cùng chung quan điểm, nhà nghiên cứu William Choong thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho rằng, chìa khóa để hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông hiện này là “tạo điều kiện để Trung Quốc có đường lùi”.

Giáo sư về luật quốc tế Walter Woon lại kêu gọi Trung Quốc cần thể hiện mình là một bên có trách nhiệm ở Biển Đông nếu muốn các nước khác tôn trọng: “Nếu cứ tự chọn con đường riêng của mình và không chấp nhận tuân thủ luật pháp quốc tế, Trung Quốc sẽ tự biến mình thành một nước lớn tìm cách chèn ép các nước nhỏ hơn trong mắt cộng đồng quốc tế”.

Giáo sư Woon cảnh báo: “Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt nếu tiếu tục hành xử như vậy và “sức mạnh mềm” của Trung Quốc sẽ “tan thành mây khói”.

Để Biển Đông không tiếp tục “dậy sóng”, các chuyên gia đều cho rằng, ASEAN cần đoàn kết và đứng lên đảm đương vai trò gìn giữ hòa bình. Ngoài ra, ASEAN cần “mở đường” cho Philippines và Trung Quốc đối thoại để tìm ra biện pháp mới giải quyết những bất đồng giữa hai bên ở Biển Đông.

Các chuyên gia cho rằng, ASEAN cần “giữ một cái đầu lạnh” khi thực hiện điều này. “Đây là một “liều thuốc thử” cho ASEAN và nếu xử lý tốt đây sẽ là điểm khởi đầu cho một điều gì đó trong tương lai./.