Mặc dù giới quan sát không quá lạc quan vào những kết quả đột phá trong chuyến thăm tới Mỹ lần này, nhưng tuyên bố xây dựng của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là tạo tiền đề cải thiện lòng tin giữa hai nước đang bị phủ bóng bởi một loạt các bất đồng lớn gần đây.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân tới Mỹ. (ảnh: AP) |
Các quan chức và doanh nghiệp Mỹ gần đây bày tỏ lo ngại về bước đi của Trung Quốc như giảm giá đồng nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu có thể gây ra bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu. Hội đồng doanh nghiệp Trung Quốc- Mỹ cũng cho biết, sự tín nhiệm của các doanh nghiệp Mỹ trong hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc đã bị giảm đáng kể trong 5 năm qua.
Trong năm 2010, 58% doanh nghiệp Mỹ được hỏi lạc quan về triển vọng kinh doanh tại Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện chỉ còn khoảng 24% doanh nghiệp lạc quan về triển vọng này. Theo Phòng thương mại Mỹ, một số luật của Trung Quốc đã tạo ra rào cản cho việc tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp Mỹ cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc. Trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Mỹ lần này, Tổng thống Mỹ và các doanh nghiệp sẽ hối thúc Trung Quốc mở rộng thị trường hơn nữa.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke cho biết: “Tôi chắc chắn Tổng thống Obama sẽ muốn biết những gì mà nhà lãnh đạo Trung Quốc đang lên kế hoạch trong các điều khoản ổn định và củng cố nền kinh tế Trung Quốc. Các doanh nghiệp Mỹ cũng muốn biết liệu Trung Quốc có cam kết tuân theo các nguyên tắc mở cửa thị trường của Tổ chức thương mại thế giới , hay có sự đối xử công bằng và luật chơi công bằng cho các công ty Mỹ tại Trung Quốc hay không?"
Chính vì vậy, trong chuyến thăm 2 ngày tới Seattle được coi là cửa ngõ của Mỹ tới châu Á, Chủ tịch Tập Cận Bình cố gắng đảm bảo với các doanh nghiệp Mỹ và chính quyền Tổng thống Obama về sự vững mạnh của nền kinh tế Trung Quốc và khả năng kiểm soát các cải cách kinh tế.
Phát biểu tại một diễn đàn ở thành phố Seattle, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc sẽ không thụt lùi trong tiến trình cải cách tài chính. Ngoài ra, ông cũng phản đối chính sách coi nhẹ tính cạnh tranh và cuộc chiến tiền tệ đồng thời cam kết sẽ không giảm giá đồng Nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu.
Tuy vậy tuyên bố tích cực của ông Tập Cận Bình cũng được cho là chưa thể tạo đà cho việc hoàn thành Hiệp định đầu tư song phương đã được chờ đợi từ lâu. Hiệp định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi mở cửa thị trường giữa hai bên. Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đều cho rằng, mặc dù đã diễn ra hai cuộc đàm phán gần đây nhưng chưa đủ các yếu tố cần thiết để kí kết Hiệp định này trong chuyến thăm tới Mỹ.
Đề cập vấn đề an ninh mạng- bất đồng mà cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice đánh giá là yếu tố quyết định cho mối quan hệ Mỹ-Trung tương lai, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, chính phủ Trung Quốc sẽ không tham gia vào bất cứ hình thức ăn cắp bí mật thương mại nào. Tấn công vào mạng lưới chính phủ là tội phạm và cần phải bị trừng phạt theo luật và hiệp ước quốc tế hiện hành.
Trung Quốc sẵn sàng thành lập một cơ chế đối thoại chung cấp cao với Mỹ về đối phó với tội phạm mạng. Ông Tập Cận Bình hôm qua cũng kí một thỏa thuận nhằm thúc đẩy hoạt các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực sử dụng công nghệ sạch để đối phó với ô nhiễm môi trường. Dự kiến, trong thời gian lưu lại Seattle, ông Tập Cận Bình sẽ tiến hành một số cuộc gặp với giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ. Sau đó, ông Tập Cận Bình sẽ tới thủ đô Washington để tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Obama.
Chuyến thăm nhà nước đầu tiên tới Mỹ của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh có nhiều căng thẳng gia tăng giữa hai quốc gia liên quan đến một loạt các vấn đề như an ninh mạng, Biển Đông, kinh tế…. Vì vậy, giới quan sát không đặt quá nhiều kì vọng có thể đạt được bước đột phá trong chuyến thăm lần này.
Tuy nhiên, như phát biểu đầu tiên của ông Tập Cận Bình khi đặt chân đến Mỹ, Trung Quốc và Mỹ nên hiểu đúng các mục đích chiến lược của nhau. Hai bên cần giải quyết những bất đồng và tăng cường hơn nữa sự hợp tác cùng có lợi./.