Thời điểm nước Nga bước vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2018 đang tới rất gần, ngày 18/3. Đây là sự kiện chính trị trọng đại để người dân Nga lựa chọn một vị Tổng thống tiếp tục dẫn dắt đất nước phát triển trong 6 năm tới.
Nước Nga hiện đang ở trong tình thế khó khăn, bị bao vây, cấm vận bởi Mỹ và phương Tây, không những thế, những âm mưu phá hoại cuộc bầu cử, làm mất uy tín của Nga trong nhiều vấn đề vẫn luôn rình rập...
Bởi vậy, vị Tổng thống được người dân Nga lựa chọn trong cuộc bầu cử tới đây sẽ phải gánh vác trách nhiệm vô cùng lớn lao, mang tính sứ mệnh lịch sử để đưa nước Nga vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục phát triển vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng là một cường quốc trên thế giới.
GS-TS Boris Shmelev |
Phóng viên VOV thường trú tại Liên bang Nga phỏng vấn GS-TS khoa học lịch sử Boris Shmelev, Giám đốc Trung tâm chính sách đối ngoại Nga –Viện Kinh tế-Viện Hàn lâm khoa học Nga về bối cảnh hiện nay, tương quan giữa các ứng cử viên, chính sách đối nội, đối ngoại mà Tổng thống Nga đắc cử tới đây cần tiến hành.
Phóng viên:Thưa ông, xin ông cho biết cuộc bầu cử Tổng thống Nga lần này có gì khác lần trước?
GS-TS Boris Shmelev: Bầu cử Tổng thống Nga luôn là sự kiện có ý nghĩa chính trị to lớn bởi vì nó xác định sự phát triển của đất nước trong các năm tới, trong trường hợp này là trong vòng 6 năm tới.
Tình hình kinh tế năm 2012 tốt hơn bây giờ, đó là một điểm khác. Thật đáng tiếc trong 6 năm gần đây kinh tế Nga rơi vào tình trạng khủng hoảng, thu nhập, mức sống của dân cư đều giảm, do đó ảnh hưởng đến tâm trạng của các cử tri. Vì vậy tình hình của năm 2018 khác với năm 2012.
Năm 2012 mối quan hệ của Nga với các nước Phương Tây trong chừng mực nào đó ổn định, có các cuộc đàm phán về các dự án, hợp tác và cảm thấy rằng mối quan hệ đang phát triển, có triển vọng. Còn bây giờ Nga ở trong tình trạng chiến tranh lạnh với các nước Phương Tây, mối quan hệ rất căng thẳng.
Chính sách đối chọi trong quan hệ với Nga do phương Tây tiến hành ngày càng cứng rắn hơn. Bây giờ nhìn chung Nga và Phương Tây đang sống trong thời kỳ tiền chiến tranh, có thể xảy ra những tình huống không lường trước được và Nga phải sẵn sàng chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất.
Trên quan điểm này có thể thấy năm 2018 khác năm 2012 ở chỗ người dân Nga dành cho ông Putin sự ủng hộ tuyệt đối. Năm 2012 sự ủng hộ của người dân Nga cũng khá rõ ràng, nhưng khi đó ông Putin đang trên cương vị Thủ tướng và mới đưa ra cương lĩnh tranh cử. Người dân Nga tin tưởng ông V. Putin và nhìn thấy ông sẽ là nhà lãnh đạo đất nước trong 6 năm tới. Bất chấp những kết quả phát triển kinh tế và các lĩnh vực xã hội còn phức tạp, người dân tán thành chính sách của ông. Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về sự cạnh tranh giữa các ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống Nga năm nay?
GS-TS Boris Shmelev: Năm nay, ngoài đương kim Tổng thống V. Putin, còn có các ứng cử viên như Pavel Grudinin, Đảng cộng sản Nga; Boris Titov, Đảng Tăng trưởng; Vladimir Zyrinovski, Đảng Dân chủ tự do Nga; Ksenia Sovchak, Đảng Sáng kiến dân dự và vài ứng cử viên khác ít người biết tới.
Thời điểm hiện nay nổi bật nhất có một gương mặt, có lẽ có chút cạnh tranh nào đó với ông Putin, đó là ông Grudinin. Ông Grudinin được Đảng cộng sản Nga đề cử, là người theo quan điểm cánh tả, theo hình thức mới với xu hướng dân chủ xã hội, là một doanh nhân thành đạt. Các cử tri có thể bắt chước ông nhiều thứ.
Tôi nghĩ rằng, ông ấy có những cơ hội không tồi để có được nhiều phiếu bầu, nhưng cạnh tranh thực sự với ông Putin thì không thể. Tôi nghĩ rằng, ông V.Putin sẽ chiến thắng ngay từ vòng đầu. Vấn đề của ban vận động và tổ chức bầu cử của Nga là phải đảm bảo tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao. Điều tra dư luận cho thấy khoảng 67-75% ủng hộ ung Putin. Tổng hành dinh bầu cử của ông thì mong muốn ông nhận được 80% phiếu bầu. Chúng ta cùng chờ đợi kết quả này vào ngày 18/3.
Phóng viên: Như vậy có thể thấy là sự tương quan giữa các ứng cử viên không nhiều, cán cân nghiêng hết về đương kim tổng thống Putin, thưa ông?
GS-TS Boris Shmelev: Đáng tiếc là các chương trình tranh cử của các ứng cử viên mờ nhạt, không rõ ràng lắm. Nhưng dù sao thì vấn đề là ở chỗ, ở Nga, các cử tri không quan tâm lắm đến các chương trình trước bầu cử, những chính sách đối nội nào tổng thống sẽ tiến hành. Điều này dĩ nhiên là một điểm trừ cho chiến dịch tranh cử tổng thống.
Ở đây các cử tri chọn tổng thống dựa trên mối quan hệ với cá nhân, với chính con người đó, mà không phải là chương trình tranh cử. Ông Putin có uy tín, nhận được sự kính trọng của mọi cử tri nhờ phẩm chất cá nhân của ông ấy ở nước Nga. Những ứng cử viên khác ít người biết, đặc biệt là ở các tỉnh, chỉ có ở Moscow thì chúng tôi mới nghe, xem, theo dõi được thôi...Còn ông Putin là gương mặt nổi tiếng, bởi vậy tôi nghĩ rằng, mọi người bỏ phiếu cho ông ấy.
Phóng viên: Thưa ông, người ta cho rằng, mọi người bỏ phiếu cho ông Putin không chỉ vì phẩm chất cá nhân mà còn vì tài năng của ông ấy, ông nghĩ sao?
GS-TS Boris Shmelev: Tôi nghĩ rằng ở đây cần phải tính đến một loạt các yếu tố.
Các cử tri đều thấy ông Putin đang thực hiện trách nhiệm với đất nước, ông là một bộ trưởng, một nhà chính trị, một lãnh đạo tốt của đất nước rộng lớn. Chúng ta phải ghi nhận công lao của Putin trong việc đưa đất nước có được vị thế như hiện nay trên thế giới, khi mà các nước khác phải lắng nghe ý kiến của Nga. Các cử tri Nga thích điều này.
Vì Nga là một cường quốc nên người Nga quen với việc các nước phải nghe ý kiến của mình. Ông Putin đã làm được điều đó, buộc Phương Tây phải lắng nghe. Các cử tri Nga rất thích điều đó và sẵn sàng bỏ qua những gì ông còn chưa làm được trong chính sách đối nội.
Phóng viên: Vậy theo ông, các cử tri đang mong đợi điều gì ở vị Tổng thống mới trong cuộc bầu cử tới đây?
GS-TS Boris Shmelev: Các cử tri Nga mong đợi Tổng thống mới sẽ thực hiện chính sách để đạt được sự đột phá mới, mạnh mẽ trong phát triển kinh tế xã hội, kèm theo đó nâng cao mức sống, thu nhập của dân cư, cải thiện tình hình chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tăng lương hưu...
Người Nga cũng mong chờ những thứ như người dân ở các nước khác thôi. Trong 4 năm trở lại đây có thể nhận thấy mức sống, thu nhập của dân cư giảm, lạm phát cao tác động mạnh đến người dân. Bởi vậy, mọi người đều hy vọng tình hình sẽ thay đổi tốt hơn, nước Nga sẽ có thể tự tin tiến hành các chính sách đối ngoại, vượt qua những khó khăn.
Đây là những vấn đề lớn gắn với tổng thống Putin. Tất nhiên, trong nước còn một vấn đề lớn là tham nhũng. Mọi người hy vọng, cuộc chiến chống tham nhũng sẽ tiếp tục và đạt được kết quả. Mong đợi thì rất nhiều, nhưng hy vọng là tổng thống mới, “cũ mà mới” sẽ làm được.
Phóng viên: Theo ông, tổng thống mới cần tiến hành những chính sách đối ngoại nào? Cần làm gì để thoát ra khỏi sự cô lập do các trừng phạt của Mỹ và Phương Tây?
GS-TS Boris Shmelev: Nước Nga đang ở trong tình hình quốc tế rất phức tạp, “chiến tranh lạnh” tiếp diễn, và triển vọng về lối thoát của Nga ra khỏi “chiến tranh lạnh” còn chưa nhìn thấy. Tôi nghĩ rằng, chiến tranh lạnh còn kéo dài.
Nhiệm vụ với Nga trong bối cảnh này là không được phép chuyển từ chiến tranh lạnh thành chiến tranh “nóng”. Bởi vì vũ khí hạt nhân của Nga đối chọi với của Mỹ sẽ gây ra hậu quả mang tính thảm họa. Nói chung, có hai khu vực mà lợi ích của Nga với Phương Tây và Mỹ đụng độ trực tiếp, đó là Syria và Ukraine.
Khả năng giải quyết xung đột Syria còn rất hạn chế và triển vọng thì chưa nhìn thấy. Đối với Ukraine cũng vậy. Bởi vậy sự căng thẳng trong quan hệ của Nga với Phương Tây vẫn tiếp tục. Điều này có nghĩa là tiếp tục chạy đua vũ trang, có nghĩa Nga phải chi không ít tiền vào hệ thống vũ khí mới, xao lãng các lĩnh vực xã hội, các lĩnh vực sản xuất...
Bởi vậy, nhiệm vụ đặt ra với tổng thống mới, trong nhiệm kỳ 6 năm tới, như tôi đã nói là không được phép chuyển từ chiến tranh lạnh sang nóng, phải làm tất cả để điều đó không xảy ra. Nhiệm vụ thứ hai là tìm mọi khả năng có thể để hợp tác với Phương Tây vì đây là các đối tác kinh tế của chúng tôi. Nga phải tìm mọi khả năng, mặc dù bây giờ không lớn lắm, để tiếp tục hợp tác kinh tế với Phương Tây, để trao đổi hàng hóa, thu hút đầu tư, trao đổi nhân lực, điều này rất quan trọng đối với Nga.
Bởi vậy, chúng tôi hy vọng rằng Moscow sẽ đàm phán được với Phương Tây, không phải chóng vánh, tuy nhiên là nhiệm vụ chiến lược trong chính sách đối ngoại cần làm.
Ngoài phương Tây còn có các nước khác mà Nga đang hợp tác hiệu quả, đó là Trung Quốc, đang chuyển thành đối tác lớn nhất, đối tác chiến lược, có các mối quan hệ tốt về kinh tế và có cùng quan điểm với Nga trong nhiều vấn đề về an ninh quốc tế. Và nhiệm vụ với tổng thống Putin là phải ưu tiên hợp tác với Trung Quốc để nâng cao mức độ cả về kinh tế lẫn chính trị.
Nga hợp tác với Việt Nam cũng rất quan trọng, đây là nước lớn ở khu vực Đông-Nam Á, đang phát triển nhanh, xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình của mình. Việt Nam rất quan trọng và có lợi đối với chúng tôi.
Chúng tôi học được nhiều ví dụ ở Việt Nam, kiếm được lợi nhuận ở đấy. Bởi vậy hợp tác kinh tế giữa Nga với Việt Nam rất có ý nghĩa. Chúng tôi cũng tìm được những cách tiếp cận, quan điểm chung với Việt Nam trong nhiều vấn đề an ninh quốc tế. Chúng tôi có lịch sử quan hệ với Việt Nam từ thời Liên Xô. Đây là cơ sở tốt để tiếp tục hợp tác.
Nhiệm vụ bây giờ là xây dựng mối quan hệ hợp tác thực sự về kinh tế, để tạo ra các cơ sở sản xuất mới, sản xuất nhiều loại hàng hóa mới, xây dựng ở Việt Nam nhiều xí nghiệp liên doanh, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Nga... Có nghĩa là hợp tác chặt chẽ về kinh tế.
Tôi cho rằng, nhiệm vụ đặt ra đối với tổng thống Nga trong nhiệm kỳ 6 năm tới không dễ dàng, phải đối mặt với nhiều thách thức bên ngoài và cả bên trong, đòi hỏi phải huy động các nguồn lực của đất nước để loại bỏ. Nhưng Nga là nước lớn, nhân dân tài năng. Trong lịch sử có những thời kỳ khó khăn hơn, bi kịch hơn, tuy nhiên chúng tôi không gục ngã, mà đã vượt qua. Vì vậy, chúng tôi hy vọng sẽ tìm được cách đưa đất nước lên nấc phát triển mới.
Phóng viên: Ông nói rằng, Nga cần đẩy mạnh hợp tác với Phương Tây để cải thiện phát triển kinh tế. Nhưng như ông thấy, Liên minh Châu Âu vừa kéo dài các trừng phạt chống Nga và dự án “Dòng chảy Phương bắc-2” cũng gặp rất nhiều khó khăn. Vậy ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?
GS-TS Boris Shmelev: Hợp tác với Phương Tây là cách quan trọng đối với Nga để phát triển kinh tế. Nhưng trước hết, những nỗ lực và nguồn lực căn bản để giải quyết nhiệm vụ kinh tế ở trong nước, Nga phải tìm từ chính trong nước, dựa trên nguồn lực của riêng mình. Nga có khả năng to lớn. Về nguyên tắc Nga có thể làm tất cả nếu muốn.
Ở đây, lịch sử cho thấy, nước Nga bắt đầu huy động và hành động hiệu quả vào những thời khắc lịch sử khó khăn. Lúc đấy chúng tôi sẽ tổng động viên, tập hợp các nguồn lực và vượt lên, phát triển lên một mức mới. Tất nhiên, đây là nhiệm vụ phức tạp, nhưng không có lối thoát khác. Bây giờ Nga lại đang đứng trước sự lựa chọn: Hoặc là Nga sẽ đạt được các mốc mới về tiến bộ khoa học kỹ thuật, đạt trình độ mới về phát triển kinh tế của thế giới. Hoặc là Nga mất vị trí cường quốc, trở thành nước nghèo, bất hạnh.
Điều này nước Nga cần hiểu và chúng tôi đang hiểu. Bởi vậy chúng tôi đang dùng các nguồn lực, thảo luận về cơ chế, hệ thống quản lý quốc gia để vượt qua sự trì trệ này, để đạt được trình độ phát triển mới. Hôm 1/3 Tổng thống của chúng tôi đã đọc thông điệp liên bang trước Quốc hội và ông kể về những thành tích mà chúng tôi đạt được trong lĩnh vực vũ khí, đó là các loại tên lửa mới, tàu thủy, máy bay...
Tất nhiên là mong muốn những thành tích này cũng đạt được trong những lĩnh vực hòa bình, trong lĩnh vực xây dựng, đóng tàu.v.v... Nhưng để tạo ra được những tàu thuyền, máy bay, tên lửa như thế đòi hỏi có trình độ cao về khoa học kỹ thuật, trình độ cao của cán bộ và các cơ sở công nghiệp tốt. Có nghĩa là ở Nga có tất cả những thứ này, đã làm được tất cả. Bởi vậy ở đây cần ý chí chính trị, cần mô hình mới cho phát triển kinh tế.
Với quan điểm này chúng tôi sẽ xem xét kinh nghiệm của Việt Nam. Bởi vì chuyển sang cơ chế thị trường, tư tưởng tự do hóa để giảm vai trò của nhà nước, đẩy mạnh vai trò của thị trường..., trong nền kinh tế nhà nước như của Nga, lý thuyết này chưa vận hành. Ở đây cần mô hình mới và mô hình của Việt Nam cũng như Trung Quốc đối với chúng tôi có tác dụng học hỏi.
Vì vậy chúng tôi đang và sẽ mượn cách của Việt Nam. Tất nhiên, tôi nghĩ rằng, tăng cường kế hoạch hóa, tập trung hóa, vai trò chủ đạo của nhà nước trong điều kiện của chúng tôi là tất yếu. Nếu tổng thống đề ra chương trình phát triển như vậy, thì chúng tôi có thể đạt được kết quả tốt trong phát triển kinh tế-xã hội, củng cố vị trí của Nga trên thế giới, cùng với đó sẽ đạt đến trật tự mới trên thế giới. Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn GS-TS khoa học lịch sử Boris Shmelev, Giám đốc Trung tâm chính sách đối ngoại Nga –Viện Kinh tế-Viện Hàn lâm khoa học Nga./.