Năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống được đánh dấu bởi quyết tâm thắt chặt chính sách nhập cư, bởi cuộc điều tra về khả năng can dự của Nga trong chiến dịch bầu cử Tổng thống và một loạt sáng kiến trong chính sách đối ngoại. Dù năm đầu tiên chỉ số tín nhiệm đối với ông Donald Trump khá thấp, song những gì mà ông làm được cho nước Mỹ là điều không thể phủ nhận.

donald_trump_dwok.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Kể từ ngày ông Donald Trump nhậm chức, nền kinh tế Mỹ đã hồi sinh trở lại. Tạo được gần 2,1 triệu việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4,1%, thấp nhất trong 17 năm qua. Tỷ lệ người Mỹ gốc Phi thất nghiệp đạt 6,8%, là mức thấp nhất trong vòng 45 năm trở lại đây.

Mặt khác, niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng đang gia tăng, tình trạng nhập cư trái phép giảm và sức khỏe nền kinh tế cho thấy triển vọng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ tăng 3% là hoàn toàn có cơ sở.

Dù còn nhiều tranh cãi về vai trò của ông Donald Trump đối với bức tranh kinh tế của nước Mỹ, song rõ ràng không thể phủ nhận đây là kết quả của “hiệu ứng Trump”, với những biện pháp điều chỉnh lại nền kinh tế, đặc biệt là các cải cách thuế quan trọng. Đây cũng là một trong những niềm tự hào đối với người đứng đầu nước Mỹ trong năm cầm quyền đầu tiên.

Tổng thống Donald Trump nói: “Chỉ một vài tuần nữa thôi, hàng triệu công nhân Mỹ sẽ nhìn thấy dấu hiệu của sự phục hồi, thể hiện ngay trong chi tiêu của họ. Tiền lương của các bạn sẽ cao hơn nhiều nhờ vào chính sách cắt giảm thuế của chính phủ và các bạn sẽ tiết kiệm được nhiều hơn.

Trung tâm sự phục hồi của nước Mỹ nằm ở những biện pháp cắt giảm thuế lớn và đây cũng là một cải cách lớn. Dù tôi thường chỉ nói là cắt giảm thuế, bởi nhiều người không muốn nghe tới cải cách, nhưng tôi tin cải cách là rất quan trọng. Và biện pháp cắt giảm thuế vừa qua là đáng kể nhất và là cải cách quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ”.

Theo AP, trong 1 năm cầm quyền, ông Donald Trump đã giữ được khá nhiều lời hứa lúc tranh cử, đó là rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), cắt giảm thuế, mạnh tay với nhập cư trái luật và đẩy mạnh khẩu hiệu "nước Mỹ trên hết".

Các nhà đầu tư nhìn thấy một lộ trình rõ ràng và tin rằng tổng thống sẽ tiếp tục thực hiện những điều ông hứa để mang việc làm trở về Mỹ và bảo vệ hàng hóa Mỹ.

Về đối  ngoại, chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên có lẽ là hồ sơ mang đậm dấu ấn của Tổng thống Donald Trump nhất. Dù còn nhiều tranh cãi về hiệu quả của chính sách gia tăng sức ép tối đa của ông Donald Trump đối với tiến trình tan băng đang diễn ra hiện nay trên bán đảo Triều Tiên, song rõ ràng đây là một trong những hồ sơ hiếm hoi mà Tổng thống Mỹ có với một chiến lược rõ ràng.

Đó là gia tăng sức ép với Triều Tiên nhằm hướng tới một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân và cũng là hồ sơ duy nhất mà ông Donald Trump thực hiện cách tiếp cận đa phương.

Tuy nhiên, chỉ số tín nhiệm của ông Donald Trump hiện đang ở mức khá thấp và thậm chí theo kết quả một số cuộc thăm dò dư luận còn ở mức thấp nhất đối với một vị Tổng thống Mỹ sau 1 năm cầm quyền.

Câu hỏi đặt ra lúc này là, liệu ông Donald Trump có duy trì được lượng cử tri ổn định và trung thành hay không? Liệu những thành tựu mà tổng thống làm được trong năm đầu tiên có thể giúp ông và phe Cộng hòa giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới hay không?

Theo lẽ thường, các cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ thường không mang lại kết quả tích cực cho đảng của Tổng thống đương nhiệm. Như vào năm 2010, đảng Dân chủ của cựu Tổng thống Barack Obama đã mất tới 63 ghế trong Hạ viện. Trung bình trong 70 năm qua, mỗi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ thường khiến đảng của Tổng thống cầm quyền mất đi khoảng 25 ghế trong Hạ viện.

Trong tình thế hiện tại, đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump cũng đang lâm vào thế khó khi tỷ lệ tín nhiệm của ông Donald Trump ở mức khá thấp và nhiều đạo luật do đảng Cộng hòa và ông Donald Trump đề xuất chưa được thông qua.

Tuy nhiên, việc Tổng thống Donald Trump chính thức đặt bút ký thông qua cắt giảm 1.500 tỷ USD thuế đang được kỳ vọng giúp đảng Cộng hòa tăng phiếu ủng hộ trong kỳ bầu cử này.

Trong bối cảnh các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang tới gần, các chuyên gia dự báo, những hồ sơ đối nội lớn như nhập cư, cải cách các cơ sở hạ tầng của nước Mỹ hay cải cách hệ thống Chăm sóc sức khỏe giá rẻ (Obamacare), là những thất bại lớn của ông Donald Trump trong năm đầu tiên sẽ là những vấn đề được tăng tốc trong năm thứ 2 này.

Về chính sách đối ngoại, 2 hồ sơ lớn sẽ sớm được triển khai, đó là cuộc xung đột Israel- Palestine và thỏa thuận hạt nhân Iran. Đây đều là những vấn đề khiến chính quyền Tổng thống Donald Trump phải hứng chịu nhiều chỉ trích trong năm đầu đầu tiên khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hay ý định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran./.