Dấu ấn to lớn của Tổng thống Biden

Tổng thống Biden đã có cuộc họp báo đầu tiên trong năm 2022. Ông Biden đã nêu bật những gì mà chính quyền của ông đã thực hiện được trong năm qua bao gồm nâng cao tỷ lệ người dân được tiêm phòng Covid-19, tạo thêm 6,4 triệu việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng lương tối thiểu cho người dân, tăng trưởng kinh tế và việc hai đảng đạt đồng thuận trong việc thông qua dự luật cơ sở hạ tầng.

Theo Tổng thống Biden, chính quyền của ông hiện đang tập trung xử lý hai thách thức đó là dịch bệnh Covid-19 và lạm phát. Tổng thống Biden khẳng định sẽ tập trung các nguồn lực cho cuộc chiến chống Covid-19 đồng thời không áp dụng các biện pháp phong tỏa cũng như không đóng cửa các trường học. Đối với vấn đề giá cả gia tăng, Tổng thống Biden đưa ra một số giải pháp bao gồm giải quyết sự đứt gẫy của chuỗi cung ứng, thực hiện Kế hoạch Xây dựng lại tốt hơn của mình, và thúc đẩy cạnh tranh.  

Có thể thấy rằng, không một tổng thống nào trong lịch sử nước Mỹ đương đại lại phải đương đầu với hàng loạt những thách thức lớn cả về đối nội và đối ngoại khi nhậm chức như ông Joe Biden. Ngay trong năm cầm quyền đầu tiên, ông đã đưa ra nhiều quyết sách lớn, đồng thời cũng gây ra không ít tranh cãi mới, khiến dư luận có những đánh giá trái chiều về hiệu quả công việc của ông và chính quyền của mình.

Tổng thống Biden đã đạt được một số thành tựu ban đầu như là thông qua dự luật cứu trợ đại dịch lên tới 1.900 tỷ USD và dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD, đưa Mỹ tái gia nhập Hiệp định Khí hậu Paris và Tổ chức Y tế Thế giới, tăng cường tiêm vaccine Covid-19 rộng rãi và giúp người dân Mỹ dần trở lại cuộc sống bình thường, nền kinh tế đạt tăng trưởng dương và tỷ lệ thất nghiệp giảm đáng kể, bổ nhiệm nhiều thẩm phán trong năm đầu nhiệm kỳ của mình hơn so với bất kỳ tổng thống nào kể từ thời Tổng thống Ronald Reagan, phần nào khôi phục lại vị thế của Mỹ thông qua việc hàn gắn mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh và đối tác...

Tuy nhiên, ngoài những thành tựu kể trên thì cách giải quyết trong một số vấn đề cũng đã khiến tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden giảm đi so với khi nhậm chức như là dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát và đang tiếp tục gia tăng, giá cả và lạm phát cao, việc rút quân khỏi Afghanistan được cho là khá lộn xộn và không có kế hoạch, và vấn đề người di cư ở biên giới….

Có thể thấy rằng năm đầu tiên của Tổng thống Biden có rất nhiều khó khăn và để thực hiện được các cam kết tranh cử của mình thì sẽ cần có thêm thời gian nhưng trước mắt trong năm 2022, Tổng thống Biden sẽ phải đối mặt với thêm 1 thách thức không hề nhỏ, đó là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Quốc hội và việc mất đi một trong hai viện của Quốc hội sẽ là một cản trở đối với chương trình nghị sự và hoạch định chính sách của ông Biden.  

Nước Mỹ đã thay đổi ra sao?

Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã ngay lập tức bắt tay tìm cách giải quyết một loạt vấn đề lớn của nước Mỹ đó là cuộc khủng hoảng dịch bệnh, kinh tế suy giảm và sự chia rẽ sắc tộc sâu sắc. Việc mở rộng bao phủ vaccine và đưa người dân trở lại cuộc sống bình thường mới là một trong những dấu ấn được ghi nhận của chính quyền Tổng thống Biden.

Trong khi đó, nhằm vực dậy nền kinh tế số 1 thế giới vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, Tổng thống Biden đã thúc đẩy các kế hoạch chi ngân sách đầy tham vọng và nhờ vào đó kinh tế Mỹ đã phục hồi, hàng triệu việc làm được tạo ra. Thêm một thành tựu trong đẩy mạnh chi ngân sách của Tổng thống Biden là Quốc hội Mỹ đã thông qua gói đầu tư kỷ lục cho cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD, nhằm nâng cấp đường sá, cầu, cảng, hệ thống internet băng thông rộng...

Chính quyền Tổng thống Biden cũng thúc đẩy một dự thảo ngân sách trị giá khoảng 2.000 tỷ USD cho chống biến đổi khí hậu và các chương trình trợ cấp, mà các nghị sĩ đảng Dân chủ ca ngợi là kế hoạch chi tiêu xã hội mang lại hiệu quả nhất kể từ những năm 30 của thế kỷ trước.

Tổng thống Biden cam kết thay đổi nước Mỹ không chỉ trong nước mà còn trên trường thế giới, đó là tìm lại vị thế của cường quốc số 1 thế giới với chính sách “nước Mỹ đã trở lại” thay vì chính sách “nước Mỹ trước tiên” của người tiền nhiệm. Nguyên tắc của Tổng thống Biden trong đối ngoại là ngoại giao đa phương và tính đến lợi ích của các đồng minh và đối tác. Trong năm qua, Mỹ đã tích cực củng cố quan hệ đồng minh với các thành viên NATO và Liên minh châu Âu, cải thiện quan hệ với các đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel..., tham gia liên minh an ninh ba bên với Anh và Australia (AUKUS).

Việc Mỹ quay trở lại với một loạt thỏa thuận quốc tế, từ chống biến đổi khí hậu, hỗ trợ phòng chống đại dịch và các hoạt động đa phương đã phần nào lấy lại hình ảnh của nước Mỹ trên trường quốc tế. Việc rút quân khỏi Afghanistan cũng là một lời hứa của ông Biden từ khi còn tranh cử. Trong những mối quan hệ quốc tế, ông Biden cũng nỗ lực tìm hướng đối thoại nhằm khống chế những nguy cơ xung đột có thể leo thang. Cách thay đổi hướng tiếp cận vấn đề đã khiến nước Mỹ nhận được nhiều sự đồng thuận hơn trên trường quốc tế. Đó là những thay đổi tích cực đã được thực hiện tại Mỹ trong năm qua.

Thách thức trong năm thứ 2 nhiệm kỳ

2022 là năm áp lực với ông Biden vì đây là năm bản lề với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng được coi là một cuộc trưng cầu dân ý với ông Biden và đảng Dân chủ.

Chính vì vậy, chính quyền Tổng thống Biden cần có những đột phá để tạo điểm nhấn đồng thời nhận được sự ủng hộ của cử tri trước cuộc bầu cử.

Sự thành công của chiến lược chống dịch Covid-19 sẽ là yếu tố chủ chốt quyết định xem chính quyền ông Biden sẽ có một năm 2022 thuận buồm xuôi gió hay không. Sự xuất hiện của biến thể Omicron làm đảo ngược tuyên bố của ông Biden hồi tháng 7-2021 rằng dịch bệnh ở Mỹ đã được kiểm soát. Sự gia tăng số ca nhiễm và nhập viện có vẻ đã làm người dân hoài nghi về năng lực chống dịch của chính quyền Tổng thống Biden. Chính vì vậy, một loạt các biện pháp đang được thực hiện bao gồm đẩy nhanh tiêm phòng, phân phát miễn phí bộ thử và khẩu trang cho người dân cũng như đặt mua các loại thuốc điều trị Covid-19 với nỗ lực có thể sớm kiểm soát được dịch bệnh.

Bài toán thứ hai mà chính quyền Biden cần thực hiện sớm đó là gấp rút cứu nền kinh tế. Nước Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao nhất trong gần 40 năm qua với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lên tới gần 6,8%. Gián đoạn chuỗi cung ứng, nhu cầu tăng sau đại dịch, giá xăng tăng do khủng hoảng năng lượng toàn cầu và lãi suất bị Cục Dự trữ liên bang giữ ở mức thấp suốt năm qua cũng cộng hưởng, làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát. Giới chuyên gia dự đoán tình hình lạm phát này không phải là tạm thời mà sẽ kéo dài và điều này sẽ gây sức ép lớn đối với ông Biden và đảng Dân chủ trong việc đẩy nhanh phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Cùng lúc, nghị trình đối ngoại của Tổng thống Biden bị chi phối nhiều bởi yếu tố Nga với việc nước này có khả năng tấn công Ukaine, thách thức, kiểm định quyết tâm của châu Âu cũng như cam kết của Mỹ đối với các đồng minh và đối tác ở khu vực này. Ngoài Nga, Mỹ cũng phải xử lý các mối quan hệ phức tạp khác như với Trung Quốc, Triều Tiên, Iran.

Bầu cử giữa kỳ chưa bao giờ là chuyện dễ dàng đối với đảng cầm quyền tại Mỹ và mỗi một khó khăn kể trên đều khiến ông Biden và đảng Dân chủ gặp khó khăn trong việc ngăn chặn phe Cộng hòa giành quyền kiểm soát tại Quốc hội sau kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra cuối năm nay. Đảng Dân chủ hoàn toàn có thể mất thế đa số tại Thượng viện hoặc Hạ viện hoặc thậm chí là cả hai và nếu viễn cảnh này xảy ra, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ gặp phải thách thức lớn trong việc thông qua các dự án luật đầy tham vọng trong quãng thời gian nắm quyền còn lại ở Nhà Trắng đến trước bầu cử Tổng thống năm 2024./.