Hôm qua (14/10), Tổng thống Mỹ Trump ký một sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt và cấm cấp thị thực đối với một số thành viên của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đáp lại chiến dịch quân sự của nước này tại miền Bắc Syria. Cùng ngày, nhiều quốc gia khác cũng bày tỏ thái độ phản đối chiến dịch quân sự này của Thổ Nhĩ Kỳ.

syria_yacm.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Viết trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump nêu rõ: "Sắc lệnh này sẽ cho phép Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ bổ sung đối với những người có thể liên quan tới những vụ lạm dụng nhân quyền, cản trở một lệnh ngừng bắn, ngăn cản người phải rời bỏ nhà cửa trở về nhà, ép người tị nạn phải hồi hương, hay đe dọa tới an ninh, hòa bình và ổn định tại Syria". Theo ông chủ Nhà Trắng, Mỹ sẽ ngừng đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về thỏa thuận thương mại trị giá 100 tỉ USD và tăng thuế 50% lên thép của nước này.

Còn Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo, Mỹ sẽ trừng phạt 3 trong số các quan chức quyền lực nhất Thổ Nhĩ Kỳ gồm: Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Năng lượng và Bộ trưởng Nội vụ, cũng như 2 bộ là Bộ Quốc phòng và Bộ Năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng ngày, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói chuyện với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ và yêu cầu nước này lập tức ngừng bắn tại Syria. Phát biểu với phóng viên, Phó Tổng thống Pence khẳng định: "Mỹ vẫn chưa bật đèn xanh cho Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược Syria".

“Tổng thống Erdogan đã tiếp cận và yêu cầu cuộc điện đàm. Tổng thống Trump đã thông báo rõ rằng, Mỹ muốn Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện lệnh ngừng bắn ngay lập tức và bắt đầu đàm phán với lực lượng Pen-xơ ở Syria để chấm dứt bạo lực. Tổng thống Trump nhắc lại đề nghị hòa giải và tổ chức đàm phán giữa lực lượng người Kurd tại  Syria  và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ".

Phó Tổng thống Mỹ cho biết thêm, các lệnh trừng phạt được công bố hôm qua chỉ là khởi đầu, trừ khi Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng "chấp nhận lệnh ngừng bắn, bước đến bàn đàm phán và chấm dứt bạo lực".

Cùng ngày, nhiều nước khác cũng bày tỏ lo ngại về hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là về tác động đối với cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng, Iran không ủng hộ cách tiếp cận của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các vấn đề hiện tại ở miền Bắc Syria. Tổng thống Rouhani nhấn mạnh, diễn biến hiện tại ở miền Bắc Syria không mang lại lợi ích cho toàn bộ khu vực. Ông kêu gọi cần phải bảo vệ các cuộc đàm phán về tiến trình hòa bình tại Syria. Thừa nhận mối quan ngại an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria, ông hối thúc sự hiện diện của quân đội Syria tại khu vực như một cách thức giải quyết vấn đề. Nhà lãnh đạo Iran cũng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ duy trì cam kết đối với sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của Syria. 

Ngoại trưởng Cộng hòa Séc Tomas Petricek đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria. Ngoại trưởng Petricek nhấn mạnh, trong khi tôn trọng quyền của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc bảo vệ biên giới, Séc phản đối mạnh mẽ việc can thiệp quân sự quy mô lớn gây nhiều thương vong cho dân thường.

Cố vấn Điện Kremlin Yuri Ushakov cùng ngày kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng một cách thích hợp đối với tình hình tại miền Bắc Syria và không tiến hành bất kỳ bước đi nào có thể gây cản trở hòa giải chính trị. Theo ông Ushakov, chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại miền Bắc Syria không phù hợp với sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria.

Chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu từ ngày 9/10, sau khi các lực lượng Mỹ rút khỏi một phần khu vực biên giới, mở ra một giai đoạn mới trong cuộc chiến kéo dài hơn 8 năm tại Syria. Chiến dịch tấn công đã làm dấy lên lo ngại về những nguy cơ mới về cuộc khủng hoảng nhân đạo trong khu vực, cũng như ảnh hưởng tới các nỗ lực trong cuộc chiến chống khủng bố./.