Trong bối cảnh Nhật Bản đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa tại khu vực, dự luật này được cho là nhằm trao quyền cho Văn phòng Thủ tướng đi đầu trong hoạch định chính sách đối ngoại và quốc phòng, đẩy nhanh quá trình ra quyết định về các vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia. Tuy nhiên, động thái có giúp tăng cường an ninh cho quốc gia Đông Bắc Á này hay không vẫn còn là một điều gây tranh cãi.

Theo nội dung của dự luật vừa được thông qua, Thủ tướng, Chánh Văn phòng nội các cùng các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng mỗi tháng sẽ họp hai lần để thảo luận về vấn đề an ninh dựa trên những thông tin thu thập được từ các cơ quan và bộ ngành. Điều này sẽ giúp Hội đồng An ninh Quốc gia có thể đối phó với các vấn đề an ninh một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. 

nsc_copy.jpg
Hội đồng Cố vấn của Nhật họp bàn về việc thành lập Hội đồng An ninh (Ảnh Japanese Government)

Thủ tướng Shinzo Abe - người đang nỗ lực tăng cường cơ sở hạ tầng an ninh của Nhật Bản - cho rằng Hội đồng An ninh Quốc gia sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong bối cảnh môi trường an ninh đang biến đổi tại châu Á nhất là trong bối cảnh khu vực Đông Bắc Á vẫn nóng lạnh thất thường với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và những tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga. 

Người ta cho rằng mặc dù môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang xấu đi nhưng cơ cấu an ninh quốc gia của nước này vẫn không thay đổi nhiều và đang bộc lộ những hạn chế. Chẳng hạn, liên quan tới vấn đề tranh chấp lãnh thổ Nhật - Trung, các chuyên gia cho rằng có một số bộ liên quan tới vấn đề này nhưng không có “quy trình nào để cung cấp tất cả thông tin cho Thủ tướng để kịp thời ra quyết định”.

Hội đồng An ninh Nhật Bản - cơ cấu an ninh quốc gia hiện tại ở “đất nước Mặt trời mọc” - được thành lập năm 1986 và gồm Thủ tướng và 8 bộ trưởng. Trong thời gian gần đây, một số người đã lên tiếng chỉ trích rằng cơ cấu này quá cồng kềnh. Một số các bộ, ngành liên quan như Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng thường mất quá nhiều thời gian để chia sẻ các thông tin quan trọng.

Đó chính là lí do để ngày 7/6, nội các của Thủ tướng Abe thông qua dự luật về việc thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia theo kiểu Mỹ. Thủ tướng Abe khẳng định rằng việc thành lập cơ chế mới này sẽ là bước đi đầu tiên hướng tới một bước ngoặt lớn trong lịch sử các vấn đề ngoại giao và an ninh ở Nhật Bản.

Thực ra, ý tưởng về một cơ quan có vai trò như Hội đồng An ninh Quốc gia đã được nêu ra từ cách đây 6 năm trước, khi ông Abe lần đầu tiên giữ chức thủ tướng Nhật Bản. Thời điểm đó, một dự luật tương tự đã được trình lên Quốc hội Nhật Bản. Tuy nhiên, dự luật này đã bị bác bỏ sau khi ông Abe từ chức Thủ tướng “vì lý do sức khỏe”. Lần này, nhiều khả năng cả 2 viện Quốc hội Nhật Bản sẽ thông qua dự luật để chính quyền Abe có thể đưa cơ cấu này vào hoạt động từ đầu năm tới.

Mặc dù việc thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia theo mô hình của Mỹ được coi là một bước đi đúng đắn của Chính phủ Nhật Bản, nhưng một số chuyên gia vẫn tỏ ra hoài nghi về việc cơ cấu này có thể phản ứng một cách nhanh chóng và linh hoạt với các tình huống khẩn cấp.

Thậm chí, có một số ý kiến còn lo ngại Hội đồng An ninh Quốc gia sẽ làm phức tạp thêm quá trình ra quyết định và do vậy, làm giảm sự linh hoạt của Chính phủ trong việc đánh giá kịp thời và phản ứng nhanh chóng với các tình huống khẩn cấp.

Ngoài ra, thách thức lớn nhất hiện nay của Nhật Bản chính là công tác đào tạo nguồn nhân lực. Giáo sư Koichi Oizumi của Đại học Aomori Chu Gakuin nói việc thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia sẽ là một bước đi đúng nhưng Nhật Bản vẫn sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là đào tạo các chuyên gia tình báo.

Ông Oizumi cảnh báo: “Điều quan trọng là công tác đào tạo nhân lực, và công việc này rất tốn thời gian và tiền bạc. Họ có thể thiết lập một hệ thống mới nhưng nếu không có nhân sự tốt, hệ thống này khó có thể vận hành hiệu quả”./.