Những ngày qua, vụ "đảo chính" chính trị lật đổ Tổng thống hợp hiến theo đường lối cánh tả Fernando Lugo tại Paraguay đang gây nên những quan ngại tại khu vực Mỹ Latin. Các chính phủ láng giềng với Paraguay đã nhanh chóng có những phản ứng mạnh mẽ, đòi hỏi phải làm rõ sự thật. Thế giới Latin đang nỗ lực ngăn chặn một tiền lệ nguy hiểm tới tương lai của phong trào cánh tả tại Nam Bán cầu.

Các nước Mỹ Latin không còn muốn đứng ngoài cuộc, chứng kiến những thay đổi bất thường trên chính trường Paraguay nữa. Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) đã thông báo kế hoạch cử một phái đoàn tới Paraguay để "tìm kiếm sự thật" sau vụ Thượng viện nước này bỏ phiếu miễn nhiệm Tổng thống hợp hiến Fernando Lugo.

paragoay.jpg
Người dân Paraguay tụ tập trước trụ sở Quốc hội phản đối việc bãi nhiệm ông Lugo (Ảnh:Reuters).
Sau cuộc họp bất thường của OAS tại Washington chiều 26/6 các đại sứ một số nước thành viên OAS lên án vụ phế truất ông Lugo là một cuộc đảo chính, và phê phán OAS phản ứng yếu ớt trước những gì diễn ra tại Paraguay. Đại diện của Nicaragua, Venezuela và Ecuador đề nghị OAS ra nghị quyết lên án sự phá vỡ trật tự dân chủ tại Paraguay.

Dẫu vậy, với sự có mặt của Mỹ, cuộc họp đã kết thúc mà không đạt được được sự đồng thuận về biện pháp giúp giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay ở Paraguay.

Các quốc gia khu vực Mỹ Latin - nơi mà phong trào cánh tả đang chiếm thế thượng phong có lý do để mà lo lắng, bởi cuộc đảo chính chính trị tại Paraguay một lần nữa gợi nhắc về cuộc đảo chính năm 2009 tại Honduras. Khi đó, chế độ hợp hiến của Tổng thống Manuel Zelaya đã phải ra đi với một kịch bản tương tự. Đó là quân đội hành động theo phán quyết của tòa án được Quốc hội “bật đèn xanh”.

Và cũng giống như cuộc khủng hoảng tại Honduras 3 năm trước, các quốc gia Mỹ Latin đã lập tức lên án hành động đảo chính này, lo ngại sự trở lại của phe cánh hữu sẽ phá hủy những thành quả mà phong trào cánh tả đã xây dựng tại khu vực trong những năm qua.

Cần phải biết rằng người kế nhiệm ông Lugo tại Paraguay - Phó Tổng thống Federico Franco rõ ràng đã tính toán kỹ lưỡng và tiến hành mọi việc theo đúng kịch bản định sẵn. Trong 4 năm qua trên cương vị phó tướng, ông Franco là một trong những người đối lập sâu sắc với Tổng thống Lugo, phản đối con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, phản đối vị thế thành viên của Venezuela trong Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR).

Việc chính khách này lên nắm quyền hứa hẹn một giai đoạn lịch sử mới của Paraguay xa rời dần quỹ đạo của phong trào cánh tả tại khu vực Mỹ Latin. Các chính phủ cánh tả tại khu vực còn lo ngại những gì xảy ra tại Paraguay là “rất nguy hiểm vì tạo ra tiền lệ tai hại để Mỹ Latin trở lại thời kỳ các tổng thống hợp hiến bị lật đổ”.

MERCOSUR gọi sự kiện này là sự phá vỡ trật tự dân chủ và nêu rõ tổng thống mới của Paraguay sẽ không được tham gia cuộc họp của Hội đồng thị trường chung và Hội nghị Thượng đỉnh của khối cũng như các cuộc họp chuẩn bị cho các hội nghị này diễn ra tuần này tại Argentina.

Trong khi đó, giới quan sát thì cho rằng, đằng sau việc phế truất Tổng thống Lugo chính là âm mưu loại bỏ tư tưởng cải cách đất đai mà ông Lugo ấp ủ từ lâu. Các thế lực tiến hành cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm ông Lugo mong muốn quay trở lại với những tư tưởng cực hữu và phi dân chủ phục vụ cho lợi ích của các nhóm thiểu số như trong 35 năm cầm quyền của chế độ độc tài quân sự Alfredo Stroessner. Khi đó, gần 7 triệu ha đất canh tác đã về tay các chủ đồn điền, gia đình và người thân của giới quan chức trong Chính phủ. Đây chính là vấn đề chưa được giải quyết từ khi Paraguay bước vào quá trình dân chủ, và hiện tại sẽ càng khó khăn hơn khi đất đai ở các vùng nông thôn đang ngày càng có giá trước sự phát triển kinh tế.

Nhìn rộng hơn, sự kiện Tổng thống hợp hiến Lugo bị bãi nhiệm tại cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội không khác gì một sự phủ nhận với những tư tưởng tiến bộ của phong trào cánh tả tại Mỹ Latin trong hơn 1 thập kỷ qua. Hơn bao giờ hết, các lực lượng tiến bộ tại Tây Nam Bán cầu cần một sự đoàn kết, để ngăn chặn những hệ quả xấu đối với tiến trình đi lên của toàn xã hội./.