Không phải từ phòng thí nghiệm

Một nghiên cứu mới về virus SARS-CoV-2 đã dựa trên những căn cứ khoa học để chứng minh được chủng virus này không phải "lọt" ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán như nhiều thuyết âm mưu đưa ra.

scv_okrl.jpg
Nghiên cứu của các nhà khoa học đã chứng minh rằng SARS-CoV-2 không phải từ phòng thí nghiệm mà là tiến hóa từ sự chọn lọc tự nhiên. Ảnh: Getty

Theo trang Live Science, nhóm các nhà nghiên cứu đã so sánh bộ gien của virus corona chủng mới gây ra bệnh dịch Covid-19 với 7 virus corona khác được biết tới là có khả năng lây nhiễm sang con người, trong đó SARS, MERS, SARS-CoV-2 là những loại virus có thể gây nên các bệnh nghiêm trọng, cùng với HKU1, NL63, OC43 và 229E là những loại virus chỉ gây ra những triệu chứng nhẹ, bài báo khoa học trên tạp chí Nature Medicine cho biết ngày 17/3.

"Những phân tích của chúng tôi đã chỉ rõ rằng SARS-CoV-2 không phải một dạng cấu trúc được tạo nên từ phòng thí nghiệm hay là một loại virus bị điều khiển có chủ đích", bài báo khoa học trên cho biết.

Nhận định trên được đưa ra sau khi Kristian Andersen - một giáo sư về miễn dịch học và vi sinh học tại Viện Nghiên cứu Scripps và các đồng nghiệp của ông xem xét mẫu gien các protein gai (spike protein) nhô ra từ bề mặt của virus. Virus corona chủng mới đã sử dụng các gai protein trên để bám vào mặt ngoài của các tế bào chủ và sau đó xâm nhập vào các tế bào này.

Các nhà khoa học đã đặc biệt chú ý đến trình tự gien chịu trách nhiệm cho 2 đặc điểm quan trọng của những protein gai này: một miền liên kết thụ thể (receptor-binding domain) bám vào tế bào chủ và thứ hai là vùng phân tách cho phép virus mở và xâm nhập vào tế bào.

Nghiên cứu này đã cho thấy phần "móc" của gai protein đã phát triển để nhắm vào một thụ thể ở bên ngoài tế bào con người gọi là ACE2, liên quan đến việc điều hòa huyết áp. Việc gắn vào tế bào con người của virus corona chủng mới hiệu quả đến nỗi các nhà nghiên cứu nhận định rằng cac protein gai này là sản phẩm của chọn lọc tự nhiên và hoàn toàn không liên quan đến kĩ thuật gien.

Điều này đã giải thích tại sao SARS-CoV-2 có mối liên hệ rất chặt chẽ với virus từng gây nên SARS cách đây gần 20 năm. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng SARS-CoV khác với SARS-CoV-2 như thế nào với một vài sự thay đổi trong mã di truyền. Theo các mô hình được xây dựng trên máy tính, các biến chủng của SARS-CoV-2 dường như không hoạt động hiệu quả trong việc giúp virus xâm nhập vào tế bào con người. Nếu các nhà khoa học tạo loại virus này có chủ đích, họ sẽ không chọn các đột biến mà mô hình máy tính cho rằng sẽ không hoạt động.

Điều đó đã cho thấy tự nhiên “thông thái” hơn những tính toán máy móc và virus corona chủng mới đã tìm ra cách để biến chủng hiệu quả hơn, hoàn toàn khác với bất kỳ những gì con người có thể tạo ra.

Nguồn gốc của SARS-CoV-2

Vậy thì SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ đâu? Nhóm nghiên cứu đã đưa ra 2 khả năng về nguồn gốc của chủng virus này. Một kịch bản dựa trên sự xuất hiện của một vài loại virus corona khác từng tàn phá dân số loài người, chẳng hạn như chúng ta từng lây nhiễm virus trực tiếp từ một số loài động vật như cầy hương trong trường hợp của SARS và lạc đà trong trường hợp của MERS. Với trường hợp của virus SARS-CoV-2, các nhà nghiên cứu cho rằng có thể dơi đã truyền virus sang một loài động vật trung gian khác (có thể là tê tê) và sau đó lây nhiễm sang con người. Trong khả năng này, các đặc điểm gien đã khiến virus corona chủng mới có khả năng lây nhiễm vào tế bào con người hiệu quả hơn.

Ở một kịch bản khác, các đặc điểm của bệnh có thể chỉ phát triển sau khi virus lây từ vật chủ sang người. Một số loại virus corona có nguồn gốc từ tê tê có "cấu trúc móc" tương tự với SARS-CoV-2. Theo cách này, tê tê có thể đã vừa truyền virus trực tiếp hoặc gián tiếp sang con người, sau đó khi vào trong con người, virus sẽ tiếp tục tiến hóa để dễ dàng xâm nhập vào tế bào của chúng ta. Khi phát triển đến khả năng đó, virus corona này có khả năng lây nhiễm từ người sang người mạnh mẽ hơn.

Việc nghiên cứu tất cả những đặc điểm này có thể giúp các nhà khoa học dự đoán được tương lai của dịch bệnh Covid-19 và nguy cơ về những đợt bùng phát tiếp theo trong tương lai./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)

Theo: Live Science