Phần lớn các quốc gia ở châu Á vẫn có thói quen chào đón năm mới âm lịch. Năm nay, ngày đầu tiên của năm con khỉ 2016 (năm Bính Thân theo cách gọi của người Việt Nam) sẽ bắt đầu vào ngày 8/2.
Một năm trôi qua với đầy biến động và thời điểm chuyển giao giữa năm cũ với năm mới luôn là lúc thích hợp để chúng ta có thể nhìn lại những sự kiện nổi bật trong năm cũ.
Cuộc khủng hoảng di cư ở Đông Nam Á là một trong những sự kiện đáng chú ý ở châu Á năm 2015. (Ảnh: Reuters) |
Theo đánh giá của Japan Times, nếu phải “gọi tên” sự kiện tồi tệ nhất ở châu lục này thì đó chính là cuộc khủng hoảng di cư ở Đông Nam Á khi hàng nghìn người Rohingya ở Myanmar, Bangladesh liều lĩnh lao vào những chuyến hải hành đầy hiểm nguy trên những con thuyền thô sơ của bọn buôn người vượt biển hướng tới Malaysia, Indonesia hay Thái Lan.
Thực trạng này còn kéo theo những tranh cãi xoay quanh việc giới chức các nước liên quan chỉ cung cấp thực phẩm, nước uống cho những người di cư và từ chối tiếp nhận người nhập cư.
Những sự kiện đáng chú ý ở châu Á trong năm Ất Mùi bao gồm trận động đất mạnh động đất 7,8 độ richter ở Nepal làm hơn 8.500 người thiệt mạng; các cuộc bầu cử mang tính bước ngoặt ở Singapore, Đài Loan (Trung Quốc). Với chiến thắng của lãnh đạo dân chủ ở Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, người theo đường lối cải cách, nhiều người hy vọng tình hình sẽ được giải quyết triệt để trong năm 2016. Bên cạnh đó là tình hình căng thẳng ở Biển Đông hay như việc Australia bất ngờ có Thủ tướng mới cũng là những điểm nhấn đáng chú ý.
Điều tồi tệ nhất năm: Lá phổi của châu Á bị tổn thương
Khẩu trang dường như đã trở thành vật dụng không thể thiếu đối với một bộ phận người dân châu Á trong năm 2015 khi mà chất lượng không khí ở một số nơi tại khu vực này đi xuống. Là khu vực có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, hạ tầng cơ sở được đầu tư, đi kèm với đó, tốc độ đô thị hóa cũng tăng mạnh.
Lá phổi của châu Á bị tổn thương trong năm 2015. (Ảnh: AFP) |
Báo cáo “Hồ sơ Sức khỏe Quốc gia” của Ấn Độ được công bố trong năm 2015 cho thấy, có gần 3,5 triệu trường hợp bị nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính trong năm 2014. Con số này tăng khoảng 30% so với năm 2010. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, có 13 trong tổng số 20 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới đang nằm ở Ấn Độ.
Trong khi đó, thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc lần đầu tiên trong lịch sử đã phải ban bố “báo động đỏ” về tình trạng khói bụi ô nhiễm, khuyến cáo người dân không ra đường, đóng cửa trường học để tránh ảnh hưởng sức khỏe. Theo nhà chức trách nước này, chất lượng không khí kém được cho là một trong những yếu tố gây ra những cái chết sớm vì bệnh tim mạch và hô hấp cho khoảng 500.000 người.
Tại khu vực Đông Nam Á, đám mây khói bụi từ những vụ cháy rừng do người dân đốt nương làm rẫy không chỉ gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp Indonesia, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, trường học, nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đối với bầu không khí của Singapore, Malaysia, Indonesia và thậm chí cả một số khu vực ở Thái Lan và Philippines.
Năm xấu: Thủ tướng Malaysia Najib Razak vướng vào cáo buộc tham nhũng
Tháng 8/2015, người dân Malaysia đã xuống đường tuần hành yêu cầu Thủ tướng Malaysia Najib Razak phải từ chức khi có những thông tin báo buộc ông Razak tham nhũng số tiền lên đến gần 700 triệu USD.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak vướng vào cáo buộc tham nhũng trong năm 2015. (Ảnh: AFP) |
Vụ bê bối số tiền gần 700 triệu USD nổ ra khi giới chức Malaysia điều tra quỹ đầu tư quốc gia 1MDB của Malaysia, được thành lập vào năm 2009 do Thủ tướng Razak triển khai nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp mới.
Tuy nhiên, quỹ 1MDB này vướng vào khoản nợ lên đến 9,8 tỷ USD sau khi thất bại trong việc đầu tư vào ngành năng lượng ở nước ngoài. Bất chấp việc phải hứng chịu những lời chỉ trích về khoản nợ khổng lồ cũng như sự thiếu minh bạch khi điều hành quỹ, ông Razak vẫn đứng đầu ban cố vấn của quỹ này.
Sau quá trình điều tra, hôm 25/1/2016, Tổng Chưởng lý Malaysia Mohamed Apandi Ali tuyên bố, ông Razak “không làm gì sai trái” trong vụ việc này và giúp xóa bỏ những nghi ngờ về số tiền khổng lồ liên quan đến ông Razak. Đây được coi là vụ bê bối tài chính lớn nhất của ông Razak kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2009.
Năm không được tốt với Thủ tướng Ấn Độ và Tổng thống Indonesia
Theo Japan Times, nếu như trong năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được đánh giá cao trong vai trò những nhà lãnh châu Á thì năm 2015, ông Modi và ông Widodo đã có dấu hiệu “tụt lại phía sau”khi kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách tư duy để thúc đẩy phát triển kinh tế mà hai ông đề ra không thu được nhiều kết quả.
Năm 2015 được cho là năm không tốt với Thủ tướng Ấn Độ và Tổng thống Indonesia. (Ảnh: Antara) |
Chính điều này đã làm ảnh hưởng ít nhiều đến uy tín chính trị của ông Modi và ông Widodo trong năm qua.
Tốt trong năm: Hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định TPP
Sáng 5/10 (theo giờ Mỹ), Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới. Và vào ngày 4/2, các quốc gia thành viên đã tham gia lễ ký kết TPP tại New Zealand.
Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP có nguồn gốc từ Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương - một Hiệp định thương mại tự do được ký kết ngày 3/6/2005, có hiệu lực từ 28/5/2006 giữa 4 nước Singapore, Chile, New Zealand, Brunei.
Việc ký kết Hiệp định TPP là mốc quan trọng hứa hẹn hiệp định TPP sẽ đi vào thực thi đúng thời gian. (Ảnh minh họa: AFP) |
Với 12 quốc gia thành viên hiện tại, TPP chiếm tới 40% nền kinh tế toàn cầu và sẽ tạo ra một khu vực kinh tế Thái Bình Dương mới với mục tiêu giảm những rào cản thương mại liên quan đến toàn bộ hàng hóa cũng như thiết lập những tiêu chuẩn và quy định mới về đầu tư, môi trường kinh doanh và lao động trong khu vực.
Dù vẫn có những ý kiến phản đối TPP, nhưng điều đó không thể ngăn cản việc Hiệp định này lọt vào danh sách sự kiện tốt của năm Ất Mùi ở châu Á.
Tốt trong năm: Ra đời Ngân hàng Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB)
Khi Trung Quốc lần đầu tiên nêu ý tưởng thành lập một ngân hàng phát triển mới để tài trợ cho việc phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Á, nhiều nhà phê bình đã phản đối ý tưởng này khi đặt ra câu hỏi đó có phải là điều thực sự cần thiết.
Việc ra đời Ngân hàng Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) được cho là sự kiện tốt trong năm 2015. (Ảnh: Tân Hoa xã) |
Trong khi đó, Mỹ và Nhật Bản thì hoài nghi về khả năng quản trị cũng như tiêu chuẩn cho vay của AIIB.
Mặc dù vậy, sức cám dỗ của AIIB là rất “khó cưỡng”, minh chứng cụ thể nhất là việc Vương quốc Anh, đồng minh thân cận của Mỹ cũng gia nhập AIIB. Gần 60 quốc gia cuối cùng đã ký kết để trở thành thành viên sáng lập của AIIB – ngân hàng đầu tư có số vốn lên tới 100 tỷ USD. Dự kiến trong tháng 4/2016, AIIB sẽ công bố dự án đầu tiên./.