Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua (31/3) thông báo dỡ bỏ lệnh phong tỏa viện trợ vũ khí đối với Ai Cập, vốn bị đóng băng kể từ khi chính quyền quân sự lên nắm quyền tại nước này gần 2 năm trước.

thiet_giap_my_o_ai_cap_pyof.jpgThiết giáp Mỹ trên sa mạc Ai Cập (ảnh: businessinsider)
Đây được xem là một nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm làm sống dậy các mối quan hệ chặt chẽ với Ai Cập, đồng minh lâu năm nhất của Mỹ và cũng là một quốc gia có ảnh hưởng tại Trung Đông.

Trong một thông báo, chính phủ Mỹ cho biết đã quyết định nối lại viện trợ quân sự cho Ai Cập dựa trên đánh giá thực tế tình hình chiến sự và bất ổn đang lan rộng tại Trung Đông.

Tại cuộc điện đàm trước đó cùng ngày với Tổng thống Ai Cập el-Sisi, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã thông báo sẽ nối lại các chuyến hàng viện trợ 12 máy bay chiến đấu F16, 20 tên lửa Harpoon, cũng như các bộ phận xe tăng hạng nặng M1A1 Abrams cho quốc gia Bắc Phi này. Ông Obama đồng thời cho biết vẫn sẽ tiếp tục yêu cầu một khoản hỗ trợ hàng năm trị giá 1,3 tỷ USD cho Ai Cập dưới hình thức viện trợ quân sự. Theo chính phủ Mỹ, những quyết định này là vì lợi ích chung của hai nước tại “một khu vực bất ổn”.

Mỹ từng là một trong những đối tác chiến lược hàng đầu của Ai Cập với khoản hỗ trợ hàng năm lên đến 1,5 tỷ USD, trong đó khoảng 1,3 tỷ USD dành cho viện trợ quân sự. Tuy nhiên, sau khi xảy ra các cuộc chính biến tại Ai Cập hồi năm 2013 khiến cựu Tổng thống Mohammed Morsi bị lật đổ, Mỹ đã đình chỉ một phần khoản viện trợ hàng năm này.

Theo các nhà phân tích, một loạt quyết định của chính phủ Mỹ thời gian gần đây liên quan tới các sự kiện diễn ra tại Ai Cập đã phần nào cho thấy sự “bối rối” của nước này trong việc xử lý các mối quan hệ với Ai Cập.

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã bị rơi vào tình thế khó khăn khi bị chia rẽ giữa lợi ích chiến lược và lý tưởng của nước Mỹ.

Một điểm đáng chú ý khác là thông báo của chính phủ Mỹ đưa ra chưa đầy 2 tháng sau khi Ai Cập ký với Pháp hợp đồng mua máy bay chiến đấu, minh chứng cho thấy quyết tâm của nước này tìm kiếm các mối quan hệ quân sự mới.

Chính vì thế, không có gì là lạ khi mà thời gian gần đây, Mỹ lại tích cực đẩy nhanh các nỗ lực nhằm cân bằng lại mối quan hệ quân sự với Chính phủ Ai Cập.

Các quan chức chính phủ Mỹ không dưới một lần tuyên bố không có ý định khép lại mối quan hệ hay đi ngược lại những cam kết hỗ trợ Ai Cập, đồng thời để ngỏ khả năng chính quyền Obama sẽ nối lại viện trợ.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói: "Nhân dân Mỹ cam kết với an ninh và sự ổn định chính trị kinh tế của nhân dân Ai Cập. Và chúng tôi sẽ làm việc với các bạn nhằm đảm bảo các mục tiêu tham vọng và quan trọng. Tuyệt đối không có chuyện sự nổi lên của một Ai Cập mạnh mẽ, thịnh vượng và dân chủ lại gây ảnh hưởng tới sự phát triển của một khu vực mạnh mẽ và thịnh vượng.”

Nằm ở khu vực Bắc Phi và là quốc gia Arab đông dân, có quân đội mạnh, Ai Cập chiếm vị trí địa - chính trị quan trọng trong khu vực.

Không chỉ tham gia vào cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo IS tại Libya, Ai Cập còn tích cực tham gia vào liên minh các quốc gia Arab, do Saudi Arabia dẫn đầu nhằm tiến hành các chiến dịch quân sự truy quét phiến quân Hồi giáo Huthi tại Yemen.

Trong bối cảnh Nhà nước Hồi giáo IS đang ngày càng gia tăng mức độ tàn bạo và cực đoan tại Iraq và Syria, cũng như không mừng mở rộng ảnh hưởng tại khu vực, trong đó có Ai Cập, thì chắc chắn một lực lượng quân đội được vũ trang tốt của Ai Cập sẽ giữ vai trò xương sống trong một liên minh Arab chống Nhà nước Hồi giáo IS mà các nước trong khu vực đang cân nhắc.

Vì thế, nếu duy trì được các mối quan hệ chặt chẽ với Ai Cập, thì vai trò của Mỹ tại khu vực sẽ ngày được củng cố./.