Yonhapngày 20/3 dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo, Hàn Quốc và Mỹ sẽ bắt đầu các cuộc tập trận chung mang tên "Giải pháp then chốt" và "Đại bàng non" thường niên vào ngày 1/4. Các cuộc tập trận này vốn bị trì hoãn để xoa dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa đông PyeongChang.

tap_tran_my_han_mqxa.jpg
Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận chung. Ảnh: Getty.

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc đang tích cực chuẩn bị cho các cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên sau hàng loạt các đột phá ngoại giao thời gian qua với Bình Nhưỡng.

Mỹ-Hàn tập trận với quy mô không đổi

Trong một tuyên bố ngắn gọn, hai bên cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và người đồng cấp Hàn Quốc Song Young-moo nhất trí tiếp tục các cuộc tập trận hàng năm "với quy mô tương tự các năm trước".

Bộ Chỉ huy Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu đã thông báo cho quân đội Triều Tiên ở Khu an ninh chung nằm trong khu phi quân sự về lịch trình của các cuộc tập trận nói trên vào lúc 8h30 sáng 20/3.

Theo thông tin từ người phát ngôn Lầu Năm Góc, sẽ có khoảng 11.500 lính Mỹ và 290.000 binh sĩ Hàn Quốc tham gia vào cuộc tập trận thực địa mang tên “Đại bàng non”.

Giới chức quân sự Hàn Quốc sau đó tiết lộ, cuộc tập trận chung “Đại bàng non” sẽ kéo dài trong 1 tháng, điều này đồng nghĩa với việc nó có thể kết thúc ngay trước hội nghị thượng đỉnh liên Triều dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 4/2018.

Trong khi đó, cuộc tập trận giả lập trên máy tính mang tên “Giải pháp then chốt” sẽ bắt đầu vào ngày 23/4 và kéo dài trong khoảng 2 tuần. Cuộc tập trận chung này sẽ liên quan đến 12.200 người Mỹ và 10.000 nhân viên quân sự Hàn Quốc.

Hai nước đồng minh thân cận nhấn mạnh rằng, các cuộc tập trận chung này sẽ liên quan đến tất cả các đơn vị tác chiến và sẽ không thu nhỏ quy mô hay rút ngắn thời gian như một số thông tin trước đó cho rằng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn năm nay sẽ được điều chỉnh quy mô nhằm tránh gây trở ngại cho tình hình trên Bán đảo Triều Tiên.

Lo ngại phản ứng tiêu cực của Triều Tiên

Trong suốt nhiều năm qua, các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Hàn luôn là vấn đề nóng trên Bán đảo Triều Tiên bởi Bình Nhưỡng luôn coi đây là hành động tập dượt cho một cuộc xâm lược. Triều Tiên thường đáp trả bằng việc phóng tên lửa hoặc có các hành động khiêu khích khác.

Tuy nhiên, tình hình năm nay đã có nhiều thay đội, trong cuộc gặp giữa các đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với Nhà lãnh đạo Triều Tiên, ông Kim Jong-un đã nói rằng ông hiểu các cuộc tập trận sẽ được tổ chức theo kế hoạch trong năm nay. Bình Nhưỡng không đưa ra bất kỳ ý kiến trực tiếp nào về vấn đề này.

Ông Logan nhắc lại lập trường của Mỹ rằng các cuộc tập trận Mỹ-Hàn chỉ mang tính phòng thủ và là hoạt động cần thiết để duy trì khả năng sẵn sàng của quân đội hai nước. Bộ Quốc phòng Mỹ không cung cấp thông tin chi tiết về các tình huống giả định trong các cuộc tập trận sắp tới hay các thông tin chi tiết khác. Theo ông Logan, điều này là “để tránh làm ảnh hưởng đến các mục tiêu tập trận”.

“Những bài tập huấn luyện định kỳ này không phải được tiến hành để đối phó với những hành động khiêu khích của Triều Tiên hoặc tình hình chính trị hiện tại trên Bán đảo”, ông Logan nói.

Giống như trước đây, Ủy ban Giám sát các Quốc gia Trung lập đã lên kế hoạch giám sát cuộc tập trận này để đảm bảo nó được tiến hành tuân thủ với Hiệp định Đình chiến giữa hai miền Triều Tiên sau cuộc chiến 1950-1953 hay không.

Theo ước tính, có khoảng 28.500 nhân viên quân sự của Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc.

Trước đó, Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí hoãn các cuộc tập trận chung thường niên đến hết Olympic và Paralympic để tránh việc Triều Tiên có thể có các hành động khiêu khích trong dịp quan trọng này.

Hiện phía Triều Tiên chưa đưa ra bình luận về thông tin Mỹ - Hàn sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung trong tháng 4 tới. Trước đó, Triều Tiên cũng giữ im lặng trước những tuyên bố của giới chức Mỹ và Hàn Quốc về khả năng tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên.

Sự im lặng của Triều Tiên cho đến nay khiến một số người tỏ ra hoài nghi về mức độ chân thành của Bình Nhưỡng trong việc tháo ngòi nổ căng thẳng trên Bán đảo Triều tiên. Tuy nhiên, với việc các quan chức ngoại giao Triều Tiên đã lên đường tới Thụy Điển và Phần Lan dường như để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Triều lần đầu tiên trong lịch sử, thế giới hoàn toàn có thể hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn cho Bán đảo Triều Tiên./.