Mở đường tạo “thiên đường thuế” mới ở Mỹ
Theo RT, WikiLeaks- tổ chức chuyên hé lộ những thông tin động trời mà Chính phủ các nước ra sức che giấu- ngày 6/4 chia sẻ trên tài khoản Twitter của mình rằng, vụ rò rỉ Hồ sơ Panama là sản phẩm của Dự án Tố cáo tội phạm và Tham nhũng có Tổ chức (OCCRP) “nhằm vào Nga và Liên Xô cũ”.
Cũng theo WikiLeaks, Hồ sơ Panama “nhằm tấn công ông Putin” này được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và quỹ đầu tư mạo hiểm của tỷ phú Mỹ George Soros cấp ngân sách. Việc Chính phủ Mỹ cấp ngân sách cho Hồ sơ Panama được cho là “đòn giáng mạnh vào uy tín của Mỹ”.
Ngoài ra, các tổ chức dưới quyền của tỷ phú Mỹ George Soros cũng “khét tiếng” là bài Nga. Năm 2015, Văn phòng Tổng Công tố Nga đã liệt hai Tổ chức Open Society Foundations và Open Society Institute Assistance Foundation của ông Soros vào danh sách các tổ chức “bất hảo” và cấm mọi công dân và tổ chức của Nga tham gia bất kỳ dự án nào của 2 tổ chức này.
Các công tố viên của Nga tại thời điểm đó cáo buộc hoạt động của 2 tổ chức này là mối đe dọa thường trực đối với an ninh và trật tự của Nga. Đến đầu năm 2016, chính tỷ phú Mỹ Soros cũng tuyên bố, ông Putin “không phải là đồng minh” của Mỹ và châu Âu và ông Soros muốn “kiếm được lợi nhuận khổng lồ nhờ việc chia rẽ châu Âu”.
Nhà báo Đức Ernst Wolff chia sẻ với RT rằng: “Từ lâu, Chính phủ Mỹ luôn là nước lớn tiếng tuyên bố chống lại việc trốn thuế trên toàn cầu, tuy nhiên, chính họ lại đang mở ra rất nhiều “thiên đường thuế” trên chính đất Mỹ.
Chính phủ Mỹ luôn theo đuổi chính sách gây bất ổn trên toàn cầu và vụ rò rỉ Hồ sơ Panama phục vụ tốt cho mục đích này. Hồ sơ Panama sẽ buộc rất nhiều người trên thế giới tìm cách tuồn tiền vào các “thiên đường thuế mới” tại Mỹ.
Mỹ đang sắp phải đối mặt một cuộc đại khủng hoảng kinh tế và họ muốn toàn bộ tiền bạc trên thế giới “đổ vào kho” của mình chứ không phải bất kỳ quốc gia nào khác”.
Hồ sơ Panama: Những đồn thổi về sự giàu có của Tổng thống Nga Putin
Theo Bloomberg, Giám đốc Điều hành Quỹ Rothschild Andrew Penney thậm chí còn lên tiếng cho rằng, Mỹ “đang là thiên đường thuế lớn nhất trên thế giới”.
Bản thân hãng luật Mossack Fonseca- hãng bị rò rỉ Hồ sơ Panama- cũng nêu một ví dụ điển hình tại Mỹ là bang Wyoming, nơi các công ty không phải nộp thuế cho bang và chỉ phải chịu mức thuế doanh nghiệp cực thấp. Trong khi đó, chính quyền bang “rất tích cực trong việc giữ kín thông tin về tài sản của các nhà đầu tư”.
Không những thế, các công ty trách nhiệm hữu hạn tại bang Wyoming “hoàn toàn có thể được thành lập chỉ với một thành viên để giúp họ tránh thuế thu nhập của liên bang”. Ngoài ra, thông tin về “chủ sở hữu công ty là hoàn toàn bí mật và chỉ được công bố trong trường hợp có lệnh của tòa”.
Hồ sơ Panama tồn tại những vùng xám?
Trước đó, hồi đầu tuần này, người đứng đầu Hiệp hội Quốc tế các Nhà báo Điều tra (ICIJ) Gerard Ryle- tổ chức phanh phui Hồ sơ Panama- đã khẳng định với Hãng thông tấn Nga TASS rằng, ông Putin không phải là mục tiêu chính trong vụ này.
Thay vì thế, theo ông Ryle, Hồ sơ Panama là nhằm “rọi ánh sáng” vào hoạt động chuyển tiền và rửa tiền bẩn thỉu trên toàn cầu. “Hồ sơ Panama không phải là câu chuyện về nước Nga mà là một bức tranh có quy mô toàn cầu”, ông Ryle nói.
Danh sách một số lãnh đạo thế giới và những người thân cận của họ được cho là có liên quan đến Hồ sơ Panama. Đồ họa AFP |
Tuyên bố của ông Ryle hoàn toàn tương phản với những gì truyền thông phương Tây đăng tải về “vụ rò rỉ lớn nhất trong lịch sử tài chính thế giới”. Theo đó, dù Hồ sơ Panama không hề đề cập trực tiếp đến Tổng thống Nga Putin hay bất kỳ thành viên nào trong gia đình của ông, rất nhiều tờ báo lớn đã đăng tải hình ảnh ông Putin khi đưa thông tin về vụ việc này.
“Chúng tôi luôn có những “vùng xám” của mình. Truyền thông phương Tây hoàn toàn thiếu những quy chuẩn cụ thể trong những vấn đề như thế này. Sai lầm lớn nhất mà những người để rò rỉ thông tin mắc phải là trao Hồ sơ này cho các tập đoàn truyền thông phương Tây”, cựu quan chức CIA Ray McGovern chia sẻ với RT: “Mọi chuyện lẽ ra sẽ rất hài hước nếu như nó không đề cập đến vấn đề cực kỳ nghiêm trọng như thế này”.
Phương Tây bị cáo buộc “làm báo vô trách nhiệm”
Đồng tình với quan điểm này, người phát ngôn WikiLeaks, nhà báo điều tra người Iceland Kristinn Hrafnsson cho rằng, những bài viết của phương Tây về Hồ sơ Panama là “loại báo chí vô trách nhiệm”.
Theo ông Hrafnsson, mọi dữ liệu về Hồ sơ Panama phải được công bố rộng rãi trên internet để mọi người có thể xem xét toàn bộ Hồ sơ. Việc giữ khư khư Hồ sơ này theo ông không thể coi là “làm báo có trách nhiệm” được.
Trả lời câu hỏi của RT về việc người đứng đầu ICIJ Ryle tuyên bố ICIJ không phải là một tổ chức kiểu như WikiLeaks và muốn chứng tỏ rằng họ đang làm báo một cách có trách nhiệm khi không công bố toàn bộ Hồ sơ Panama, ông Hrafnsson nhấn mạnh: “Tôi không thể đồng ý với giọng điệu này”.
“Lẽ ra Hồ sơ Panama phải được công bố công khai để mọi người chứ không chỉ là một nhóm các nhà báo có thể tiếp cận trực tiếp với những dữ liệu liên quan đến Hồ sơ này và đào xới chúng khi cần”, ông Hrafnsson nói.
Hình ảnh trên tài khoản Twitter của WikiLeaks tố cáo OCCRP và USAID của Mỹ đứng sau việc rò rỉ Hồ sơ Panama. Ảnh WikiLeaks |
Ông Hrafnsson cũng cho biết, ông không hề ngạc nhiên khi truyền thông phương Tây không công bố bất kỳ tên tuổi nào đáng chú ý của Mỹ liên quan đến bộ Hồ sơ gồm tới 11,5 triệu tệp tài liệu nói trên.
“Dường như Hồ sơ này đã bị “tác động” ít nhất là để bảo vệ lợi ích của Mỹ. Thậm chí, hoàn toàn có khả năng, không chỉ truyền thông phương Tây cố tình thiên lệch mà bản thân bộ Hồ sơ Panama cũng chứa những thông tin thiên lệch”, ông Hrafnsson nói.
Theo ông Hrafnsson, Mossack Fonseca “chỉ là một hãng luật ở Panama chuyên cung cấp dịch vụ trốn thuế cho các công ty không làm điều này tại quần đảo Virgin thuộc Vương Quốc Anh- nơi cũng được mệnh danh là “thiên đường thuế” toàn cầu./.